Hotline 24/7
08983-08983

Máy bay AirAsia mất tích: 11 giờ tìm kiếm trong vô vọng

Ngày 28/12, các đội cứu hộ Indonesia lùng sục khắp biển Java trong suốt 11 giờ để tìm kiếm chuyến bay mất tích QZ 8501 của Hãng hàng không Indonesia AirAsia (thuộc công ty mẹ Malaysia AirAsia).

Máy bay của Hãng AirAsia và thân nhân các hành khách đau buồn chờ tin từ nhà chức trách - Ảnh: Reuters
Máy bay của Hãng AirAsia và thân nhân các hành khách đau buồn chờ tin từ nhà chức trách - Ảnh: Reuters

Theo báo Jakarta Post, ông Hadi Mustofa - người phát ngôn Bộ Giao thông Indonesia - tuyên bố chiến dịch tìm kiếm chiếc máy bay trên tạm dừng lúc 17h30 do trời tối và thời tiết trên biển Java quá xấu.

Cuộc tìm kiếm bắt đầu trở lại vào lúc 7h hôm nay 29/12 hoặc sớm hơn nếu điều kiện thời tiết trở nên thuận lợi. Phó tổng thống Indonesia Jusuf Kalla đảm nhận vai trò tổng chỉ huy chiến dịch.

“Chúng tôi đang tập trung toàn bộ sức lực từ Cơ quan Tìm kiếm và cứu hộ quốc gia (Basarnas), quân đội, cảnh sát, ngư dân và cộng đồng... để thực hiện cuộc tìm kiếm” - giám đốc Basarnas F.H.B. Soelistyo khẳng định.

Trước đó, Basarnas cho biết nhiều khả năng chiếc Airbus A320-200 có thể đã rơi xuống biển ở khu vực cách đảo Belitung khoảng 80-100 hải lý. Tuy nhiên Basarnas cũng yêu cầu quân đội tìm máy bay rơi ở cả khu vực rừng núi.

Mất tích bất ngờ

Từng có vấn đề an toàn

Indonesia AirAsia là công ty con của AirAsia, hãng hàng không giá rẻ của Malaysia. Indonesia AirAsia có tổng cộng 30 chiếc máy bay Airbus A320-200.

Indonesia AirAsia cũng như nhiều hãng hàng không ở Indonesia từng bị cấm bay tới Liên minh châu Âu vì lý do an toàn. Từ tháng 7/2010, lệnh cấm này đã được dỡ bỏ.

Chiếc máy bay mới được đưa vào sử dụng hơn sáu năm nay. Hãng hàng không AirAsia của Malaysia nắm giữ 49% cổ phần của Indonesia AirAsia.

Các chi nhánh của AirAsia ở Thái Lan, Philippines và Ấn Độ chưa hề gặp bất cứ tai nạn nào.


Lúc 7h55, đài kiểm soát không lưu Jakarta mất liên lạc với chuyến bay QZ 8501, khoảng hai giờ sau khi máy bay cất cánh từ sân bay quốc tế Juanada ở thành phố Surabaya (thuộc Đông Java).

Theo lịch bay, chiếc Airbus A320-200 phải hạ cánh xuống Singapore lúc 8h30 (giờ địa phương).

Hãng Indonesia AirAsia cho biết trên máy bay có 155 hành khách gồm 149 người Indonesia, 3 Hàn Quốc, 1 Anh, 1 Malaysia, 1 Singapore và 1 Pháp. Có 16 trong số đó là trẻ em và 1 trẻ sơ sinh.

Đại diện Bộ Giao thông Indonesia Joko Muryo Atmodjo cho biết máy bay mất tích ở khu vực giữa thị trấn Tanjung Pandan và thị trấn Pontianak.

Tanjung Pandan là thị trấn trung tâm của quần đảo Belitung, nằm giữa đường bay từ Surabaya đến Singapore.

Thời tiết khu vực này rất xấu lúc máy bay di chuyển qua. Tuy nhiên ông Atmodjo cho biết các phi công không hề gửi tín hiệu cấp cứu.

Ông Atmodjo tiết lộ khi máy bay đang ở độ cao 9.753m, cơ trưởng đã đề nghị bay lên độ cao 11.582m để tránh mây.

Tuy nhiên lời đề nghị này không được chấp nhận vì khi đó có một chiếc máy bay khác ngay phía trên máy bay này.

Năm phút sau, máy bay biến mất trên màn hình rađa. Bộ Giao thông Indonesia khẳng định chiếc Airbus A320-200 trước đó được kiểm tra kỹ càng và vận hành rất tốt. “Nhưng thời tiết thì lại không tốt” - một quan chức Indonesia nhấn mạnh.

Indonesia AirAsia khẳng định cả cơ trưởng và cơ phó chuyến bay đều là những phi công rất giàu kinh nghiệm. AFP dẫn lời chuyên gia hàng không Indonesia Dudi Sudibyo đánh giá bay lên cao để tránh mây là quy trình thông thường của các máy bay.

“Điều đó không có gì là sai cả. Tuy nhiên chuyện gì đã xảy ra sau đó vẫn còn là một câu hỏi lớn” - ông Dudi cho biết.

Đường bay của chiếc máy bay mất tích từ Surabaya tới Singapore - Đồ họa: Vĩ Cường
Đường bay của chiếc máy bay mất tích từ Surabaya tới Singapore - Đồ họa: Vĩ Cường

Trước đó, một số cơn bão lớn hoành hành tại khu vực máy bay mất tích. Tuy nhiên CNN dẫn lời chuyên gia hàng không Mỹ Derek Van Dam khẳng định rất hiếm khi thời tiết xấu làm máy bay rơi. Hôm qua quân đội Indonesia đã đưa nhiều tàu lớn và máy bay tới biển Java.

Tổng thống Indonesia Joko Widodo thông báo phía Singapore và Úc sẽ tham gia chiến dịch tìm kiếm.

Từ Washington, Nhà Trắng cho biết Tổng thống Mỹ Barack Obama đã được thông báo về vụ mất tích và Chính phủ Mỹ sẽ theo dõi chặt chẽ tình hình. Cũng trong hôm qua báo Bangka Pos đưa tin đã tìm thấy mảnh vỡ máy bay tại vùng biển phía đông Belitung.

Tuy nhiên, Hãng hàng không Indonesia AirAsia và các đội cứu hộ đều không xác nhận thông tin này.

Một nhân viên Cơ quan Tìm kiếm và cứu hộ Indonesia chỉ lên bản đồ vị trí máy bay mất tích - Ảnh: AFP
Một nhân viên Cơ quan Tìm kiếm và cứu hộ Indonesia chỉ lên bản đồ vị trí máy bay mất tích - Ảnh: AFP

Khắc khoải chờ tin

Việt Nam sẵn sàng hỗ trợ tìm kiếm máy bay

Được tin chiếc máy bay mang số hiệu QZ 8501 của Hãng hàng không AirAsia mất liên lạc sáng 28-12, chiều cùng ngày Phó thủ tướng - Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đã điện thoại với Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Retno L. P. Marsudi để thăm hỏi và chia sẻ sâu sắc sự lo lắng với các gia đình và người thân của những hành khách trên chuyến bay. 

Phó thủ tướng Phạm Bình Minh khẳng định Việt Nam sẵn sàng hỗ trợ trong nỗ lực tìm kiếm chiếc máy bay nếu có yêu cầu. Bộ trưởng Ngoại giao Retno L. P. Marsudi đã thông báo tình hình mới nhất về sự việc và bày tỏ cảm ơn Phó thủ tướng - Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh.

Quỳnh Trung


Trong ngày 28/12, hàng trăm người Indonesia đã đến sân bay quốc tế Juanada tại thành phố Surabaya để ngóng chờ tin tức của người thân trên chuyến bay mất tích.

Có mặt ở Juanada, nhà báo Jefri Aries - cộng tác viên của Tuổi Trẻ - mô tả trung tâm thông tin ở sân bay đã chật cứng người. Hàng trăm phóng viên trong nước và quốc tế cũng đã có mặt.

“Bầu không khí là vô cùng căng thẳng” - Aries cho biết. Người thân của các hành khách đều rất bồn chồn.

Một phụ nữ lớn tuổi thổn thức kể với Aries rằng có tới bảy thành viên trong gia đình bà đi chuyến bay QZ 8501. Bà vô cùng đau đớn khi nghĩ rằng máy bay đã rơi và người thân của bà thiệt mạng.

Rất nhiều người khác cũng đã rơi nước mắt vì lo âu. Hãng tin Antara dẫn lời cô Ema W, thân nhân bốn hành khách, vừa khóc vừa kể ngay khi nghe tin cô đã tất tả chạy tới sân bay.

Nhiều người Indonesia cũng lao đến sân bay Changi ở Singapore để nghe ngóng.

Reuters dẫn lời một phụ nữ cho biết chị gái của cô và hai cháu có mặt trên chuyến bay mất tích. “Không ai nói với chúng tôi điều gì cả” - cô nghẹn ngào.

Trả lời Tuổi Trẻ từ Bandung (Tây Java), anh Budi Chioda khẳng định sự bàng hoàng đang bao trùm khắp nơi.

“Đây là một cú sốc lớn đối với toàn bộ người dân Indonesia. Mọi người tự hỏi rằng điều gì đã xảy ra vậy. Rất nhiều người không tin vào sự thật này.

Tôi hi vọng nhà chức trách sẽ sớm tìm thấy chiếc máy bay. Tôi đang cầu nguyện cho các hành khách và gia đình của họ” - anh Chioda nói.

Trên các trang mạng xã hội, AirAsia thay thế màu đỏ logo của hãng này thành màu xám. Doanh nhân nổi tiếng Tony Fernandes - tổng giám đốc Hãng Malaysia AirAsia, công ty mẹ của Indonesia AirAsia - viết trên mạng xã hội Twitter:

“Cảm ơn tất cả những tình cảm và lời cầu nguyện của các bạn. Chúng ta phải mạnh mẽ lên”. Ông Fernandes hiện đang bay tới Surabaya.

Ảnh: Lê Nam
Các tình nguyện viên nhiệt tình hỗ trợ phóng viên Tuổi Trẻ lấy thông tin. Ảnh: Lê Nam

Phóng viên Tuổi Trẻ lên đường sang Indonesia

Tối 28/12, phóng viên Tuổi Trẻ Lê Nam lên đường đến thành phố Surabaya ở Indonesia. Quá cảnh tại sân bay Changi ở Singapore, phóng viên Tuổi Trẻ đã tới trung tâm đón tiếp người nhà các hành khách chuyến bay QZ 8501.

Trung tâm này rất rộng, được trang bị đủ ghế ngồi, nước uống, mền... Một màn hình lớn liên tục cung cấp thông tin từ AirAsia. Các nhân viên tình nguyện rất nhiệt tình tiếp đón và hỗ trợ thân nhân các hành khách.

Trong đêm qua, AirAsia đã đưa các thân nhân tới Surabaya. Hôm nay, phóng viên Tuổi Trẻ cũng có mặt ở sân bay Juanada tại Surabaya để cập nhật thông tin về chuyến bay mất tích. 


Theo Đông Phương - Tuổi Trẻ

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X