Hotline 24/7
08983-08983

Màu vôi mới của Hoàng thành Thăng Long không phù hợp?

Di tích Đoan Môn trong di sản Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội) vừa được quét lại vôi mới màu vàng.

Vì màu vôi mới màu vàng nên khá tương phản với vẻ “rêu phong” trong khu di sản Hoàng thành Thăng Long.

Di tích Đoan Môn “khoác áo mới” khi được quét vôi mới màu vàng - Ảnh: V.V.Tuân
Di tích Đoan Môn “khoác áo mới” khi được quét vôi mới màu vàng - Ảnh: V.V.Tuân

Trao đổi với báo chí chiều 16/1, ông Trần Việt Anh - giám đốc Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long - giải thích đây là hoạt động bảo quản các di tích, được làm thường xuyên để chống rêu mốc, xuống cấp di tích.

Việc quét vôi mới ở Đoan Môn được tiến hành từ khoảng giữa tháng 12/2016 và dự kiến kéo dài đến ngày 20/1/2017 (23/12 âm lịch).

“Lâu nay chúng tôi vẫn đã và đang bảo quản di tích, di vật, và những thứ khác trong phạm vi Hoàng thành Thăng Long, tức phạm vi chúng tôi quản lý và bảo quản. Có hoạt động bảo quản diễn ra hàng tuần, có hoạt động diễn ra hàng tháng, hàng năm…

Riêng Đoan Môn thì chúng tôi bảo quản bề mặt tường, bề mặt phần thành chân thành, cửa gỗ, hệ thống cấu kiện phía trên… Hệ thống hố khai quật cũng được che kính để bảo quản. Đối với hệ thống gỗ gồm cửa gỗ, các kết cấu gỗ chúng tôi làm sạch rồi đánh vecni (hỗn hợp “cánh kiến” ngâm trong cồn)”, ông Việt Anh nói.

Giải thích về tường Đoan Môn được “khoác áo mới” màu vàng, ông Việt Anh cho biết do vôi vữa trên tường bị rụng nên đơn vị bảo quản đã dùng phương pháp truyền thống là vôi với cát và rất ít xi măng để vá lại những phần bị lộ gạch ra ngoài. Rêu mốc được cạo đi để quét lại vôi.

Di tích Đoan Môn trước khi được quét lại vôi mới - Ảnh: V.V.Tuân
Di tích Đoan Môn trước khi được quét lại vôi mới - Ảnh: V.V.Tuân

Phần trên được quét vôi mới khá tương phản với phần còn lại của di tích - Ảnh: V.V.Tuân
Phần trên được quét vôi mới khá tương phản với phần còn lại của di tích - Ảnh: V.V.Tuân

“Từ xưa đến nay chúng tôi chỉ quét vôi chứ chẳng dám quét gì khác ngoài vôi. Mà quét vôi trắng thì không thể được. Đã dùng vôi thì chỉ có ve đi kèm. Nếu dùng màu sơn thì có thể có nhiều màu, nhưng dùng màu ve nên chỉ có một màu… Đây là quy trình bảo quản chứ không phải là quy trình trùng tu. 

Nếu đi các nước Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản… sẽ thấy lúc nào di tích của họ cũng rực rỡ vì họ có điều kiện để bảo quản thường xuyên, liên tục. Hơn nữa, chúng tôi cũng làm theo phương pháp cũ, chứ không dám đưa vật liệu mới vào”, ông Việt Anh nói thêm.

Tuy nhiên, TS Nguyễn Hồng Kiên (Viện Khảo cổ học VN) lại có ý kiến khác.  

“Tôi đồng ý với việc lâu lâu thì di tích vẫn phải quét vôi lại. Nhưng vôi ấy không được gây sốc như màu vôi mới của Hoàng thành như thế này. Nếu quét thì phải nghiên cứu một màu vôi mà quét xong thì di tích trông sẽ nghiêm chỉnh hơn, không rêu mốc nhưng không gây phản cảm. Đó mới gọi là bảo quản và trùng tu di tích.

“Còn màu sơn mới này quá mới và quá tương phản với phần di tích thời Lê ở dưới. Nếu muốn bảo quản thì phải làm sao để sạch rêu mốc nhưng không dùng màu tương phản quá. Không thể lệ thuộc vào việc làm đúng màu sơn như những năm 1998-2000 được”, ông Kiên nói.

Theo Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội, Đoan Môn là một trong những cổng chính dẫn lối vào Cấm thành. Căn cứ vào vật liệu xây dựng và phong cách kiến trúc còn lại của di tích, có thể khẳng định Đoạn Môn hiện nay được xây dựng được xây dựng vào thời Lê và được tu bổ sửa sang vào thời Nguyễn.

Việc quét vôi mới di tích Đoan Môn sắp hoàn thành - Ảnh: V.V.Tuân
Việc quét vôi mới di tích Đoan Môn sắp hoàn thành - Ảnh: V.V.Tuân

Theo V.V.Tuân - Tuổi trẻ

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X