Hotline 24/7
08983-08983

Lũ bất ngờ giữa mùa hạn ở miền Trung gây thiệt hại nặng

Đang trong mùa khô hạn nhưng một số nơi ở miền Trung, lũ lớn bất ngờ gây thiệt hại nặng cho người dân.

Nhiều diện tích hoa màu của người dân xã Nghĩa Hòa bị nhấn chìm - Ảnh: Trần Mai

Quảng Ngãi: Lũ cuốn trôi 1 cầu tạm, một số nơi bị cô lập

Từ ngày 24 đến 27/3, trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi xuất hiện một đợt mưa lớn, có nơi lượng mưa đo được đến 500mm gây lũ lớn làm thiệt hại nặng về tài sản của người dân.

Thống kê của Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Ngãi, diện tích lúa bị ngập úng là 439,5 ha; diện tích cây lương thực (ngô) bị ngập úng 42 ha, diện tích cây mì bị ngập úng là 9 ha.

Tuyến tỉnh lộ Ba Tơ - Ba Bích - Ba Nam (huyện Ba Tơ) bị hư hỏng tại 16 vị trí. Huyện Nghĩa Hành có 1 cầu tạm bị cuốn trôi. Tại khu vực Hàng Gòn (sông Rin), thị trấn Di Lăng, huyện Sơn Hà bị sạt lở với chiều dài khoảng 250m, hư hỏng nặng 1 nhà dân.

Ông Lê Hàn Phong, Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ cho biết, đến thời điểm này huyện vẫn chưa thống kê chính xác mức độ thiệt hại và nhiều tuyến giao thông đi các xã Ba Bích, Ba Nam, Ba Lế, Ba Điền vẫn chưa thể thông tuyến và đang trong tình trạng bị cô lập.

Ông Huỳnh Chánh, chủ tịch UBND huyện Tư Nghĩa cũng cho biết lũ từ thượng nguồn sông Vệ đổ về cũng làm ngập chìm hơn 10 hecta dưa của người dân ở xã Nghĩa Mỹ. Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Ngãi cũng đã ra công điện khẩn ứng phó trước diễn biến phức tạp của mưa lũ giữa mùa khô này.

“Hiện trời đang tiếp tục mưa lớn, chưa thể đưa xe cơ giới vào để san ủi. Với tình hình mưa như thế này trong mấy ngày tới sẽ có nhiều điểm sạt lở phát sinh. Trước mắt, huyện chỉ đạo cơ quan ban ngành chốt chặn cảnh báo người dân không đi vào những tuyến đường sạt lở. Đồng thời tổ chức phát một đoạn đường rừng cho người dân đi tạm, chờ trời nắng sẽ tiến hành dựng kè, san ủi”, ông Phong nói.

Trong khi đó tại huyện Tư Nghĩa hàng trăm hecta diện tích hoa màu của bà con ngập nước hư hỏng. Tại xã Nghĩa Hòa, hơn 30hecta ớt, lúa và nhiều hồ nuôi tôm, cá của người dân bị nước nhấn chìm. Nghiêm trọng nhất là dọc lưu vực sông Vệ, lũ đã vượt mức báo động hai phá hỏng nhiều hecta bắp, dưa, ớt… của bà con.

“Riêng xã Nghĩa Mỹ đã có hơn chục hecta dưa hấu của người dân chuẩn bị thu hoạch bị hư hỏng. Hiện UBND huyện đang tiếp tục thống kê thiệt hại”, ông Huỳnh Chánh, chủ tịch UBND huyện Tư Nghĩa cho biết.

Quảng Nam: Huyện Nông Sơn bị cô lập hoàn toàn             

Chiều 27/3, tin từ UBND huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam cho biết từ tối 26 đến chiều 27/3, mưa rất to, lượng nước từ thượng nguồn sông Thu Bồn đổ về đã làm cho nhiều nhà dân và phần lớn diện tích lúa đông xuân cùng cây màu các loại ngập chìm trong nước, hư hại rất lớn.

Nước lũ lên nhanh nên cầu Khe Rinh nối các xã Quế Lâm và Phước Ninh với trung tâm huyện bị chia cắt với mức ngập hơn 2m. Các xã Quế Phước, Quế Ninh cùng hệ thống đường giao thông ĐT610 và 611 cũng bị ngập sâu trong nước lũ, huyện Nông Sơn hầu như bị cô lập hoàn toàn. Đặc biệt, hơn 70% diện tích cây lúa và hoa màu của bà con các xã trên địa bàn huyện bị ngập sâu trong nước.

Dự báo, mực nước sông Thu Bồn tiếp tục dâng cao uy hiếp nhiều hộ dân sinh sống phía hạ lưu, chính quyền huyện Nông Sơn chỉ đạo các địa phương chuẩn bị triển khai phương án di dời dân những vùng nguy hiểm đến nơi an toàn. Đồng thời, huy động lực lượng trực ứng cứu hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và của do thiên tai gây ra.

Tại huyện Tiên Phước đã có những trận mưa lớn kéo dài, lượng mưa đo được tại thị trấn Tiên Kỳ lên tới 273.5 mm. Mưa lớn kéo dài đã làm hơn 400 hecta lúa đang trong giai đoạn trổ bông, phơi màu và đang trong giai đoạn làm đòng bị ngập nước, gãy đổ. Các xã bị thiệt hại nặng là Tiên Cảnh, Tiên Mỹ, Tiên Hà, Tiên Sơn.  Mưa lớn cũng làm cho mặt nước sông Tiên dâng cao, vượt lên trên cầu ngầm gần nửa mét khiến việc đi lại của người dân rất nguy hiểm.

Cảnh báo sạt lở, ngập úng ven sông từ Huế đến Quảng Ngãi

Chiều 27/3, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương cho biết do ảnh hưởng của nhiễu động trong đới gió Đông trên cao kết hợp với không khí lạnh, từ 25/3 ở các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi đã có mưa to đến rất to.

Chiều 27/3, lũ trên sông Bồ, thượng nguồn các sông thuộc Quảng Nam, Quảng Ngãi đang xuống chậm, vùng hạ lưu các sông thuộc Quảng Nam, Quảng Ngãi đang lên.

Dự báo đêm 27/3, lũ trên sông Trà Khúc tại Trà Khúc khả năng lên 3,85m, trên BĐ1: 0,35m; sông Vệ tại cầu Sông Vệ lên 4,60m, trên BĐ3: 0,10m; sông Vu Gia tại Ái Nghĩa lên 6,90m, trên BĐ1: 0,40m; sông Thu Bồn tại Giao Thủy lên mức 6,0m, dưới BĐ1: 0,2m. Lũ sông Bồ xuống chậm nhưng còn ở trên BĐ1.

Các khu vực trên đề phòng nguy cơ sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng cục bộ ở một số vùng trũng thấp khu vực ven sông.

Theo Văn phòng Ban chỉ huy Trung ương về Phòng chống thiên tai, tính đến 13h ngày 27/3 mưa lũ làm tỉnh Quảng Ngãi có 439,5 ha lúa bị ngập úng ở các huyện Nghĩa Hành, Tư Nghĩa, Mộ Đức. Bên cạnh đó có 42 ha ngô, 9 ha mì, 7ha rau màu bị ngập úng; tại huyện Tư Nghĩa và Nghĩa Hành có 18 ha nuôi tôm, cá bị trôi.

Về giao thông, tuyến tỉnh lộ Ba Tơ - Ba Bích - Ba Nam (huyện Ba Tơ) bị hư hỏng tại 16 vị trí. Trong đó, tại vị trí Km 9 đến Km 9+200 bị sạt lở với chiều dài khoảng 200m, khối lượng đất đá khoảng 60.000m khối.

Trước đó, ngày 24/3, tại khu vực Hàng Gòn (sông Rin), thị trấn Di Lăng, huyện Sơn Hà (Quảng Ngãi) bị sạt lở với chiều dài khoảng 250m, làm sạt lở, hư hỏng nặng 1 nhà dân.

Về việc vận hành hồ thủy điện Hương Điền ở Thừa Thiên - Huế, Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai cho biết mực nước lúc 5h ngày 27/3 của hồ là 58,37 m. Lưu lượng đến lớn nhất trong khoảng thời gian từ 0h đến 5h ngày 27/3 từ 728 đến 1.735 m khối/s; Lưu lượng về hạ du 485 m khối/s. Trong đó lưu lượng chạy máy 185 m khối/s, lưu lượng xả qua tràn 300 m khối/s và tăng dần với lưu lượng điều tiết lên 1.000 m khối/s.

Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên - Huế  chỉ đạo nhà máy thủy điện Hương Điền vận hành điều tiết với lưu lượng nước về hạ du tăng dần. Nhưng khống chế lưu lượng nước về hạ du nhỏ hơn lưu lượng nước đến hồ, không tăng đột ngột làm ảnh hưởng cho sản xuất nông nghiệp.

Đồng thời Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên - Huế chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trong tỉnh vận hành các công trình thủy lợi khu vực hạ du sông Bồ, sông Hương, mở các cửa cống trên đê ven phá, mở cửa đập Thảo Long nhằm tăng khả năng thoát lũ bảo vệ sản xuất.


Theo Trần Mai - Võ Minh - Võ Trường - Tuấn Phùng - Tuổi Trẻ

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X