Hotline 24/7
08983-08983

Lời khuyên ít trọng lượng về Syria của Obama cho Putin

Cảnh báo của Obama rằng Putin có thể thất bại ở Syria được đánh giá là không có trọng lượng, khi bản thân Mỹ cũng đang vướng vào những rắc rối tương tự.

loi-khuyen-it-trong-luong-ve-syria-cua-obama-cho-putin

Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Mỹ Obama. Ảnh: Reuters

Tổng thống Mỹ Barack Obama đã tận dụng việc cả ông và nhà lãnh đạo Nga Vladimir Putin cùng tới Paris dự hội nghị đa phương về biến đổi khí hậu trong tuần này để đưa ra một lời khuyên bị bình luận viên Michael Desch của CNN đánh giá là "ít trọng lượng" về chiến lược can thiệp quân sự của Nga ở Syria.

"Tôi cho rằng khi ký ức về cuộc can thiệp ở Afghanistan vẫn còn tươi mới, ông Putin hiểu rõ rằng việc nhúng tay vào một cuộc xung đột nội bộ chưa thấy hồi kết không phải là điều mà ông trông đợi", ông Obama nói trong bối cảnh Thổ Nhĩ Kỳ, một đồng minh của Mỹ trong khối NATO, vừa bắn hạ cường kích Su-24 Nga ở biên giới Syria, châm ngòi cho cuộc khẩu chiến căng thẳng giữa hai nước.

Vào thập niên 1980, khi Hồng quân Liên Xô quyết định can thiệp quân sự vào Afghanistan, Mỹ và phương Tây đã hậu thuẫn phiến quân mujahideen chống cự quyết liệt, khiến quân đội Liên Xô sa lầy và phải rút quân sau khi hứng chịu những thiệt hại nặng nề về người và của.

Giới phân tích cho rằng đây là một lời khuyên kiểu "lên lớp" của ông Obama dành cho ông Putin, trong lúc nguy cơ xung đột về lợi ích giữa Nga và Mỹ trên chiến trường Syria ngày càng lớn, dù cả hai đều có một mục tiêu chung là tiêu diệt phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS).

Theo bình luận viên Desch, khi đưa ra lời khuyên về việc can thiệp quân sự trên, Tổng thống Obama nên nhìn lại những gì mà Mỹ đã trải qua trên các chiến trường Iraq, Afghanistan, và gần đây nhất là chiến dịch không kích IS ở Syria.

Ông Obama là người từng tỏ ra hoài nghi về chiến dịch can thiệp quân sự của Mỹ vào Iraq năm 2003, và ngay sau khi cựu thủ tướng Iraq Nuri al-Maliki đề nghị, ông đã rút toàn bộ lực lượng quân sự Mỹ ra khỏi chiến trường này vào năm 2011.

Thế nhưng sau khi rút quân về nước, ông Obama đã suy nghĩ lại và đang dần dần có những bước đi tăng sự hiện diện trở lại của quân đội ở Iraq, với mục tiêu ngăn chặn và tiêu diệt phiến quân IS. Lịch sử các cuộc can thiệp quân sự của Mỹ đã chỉ ra rằng với việc huy động một lực lượng bộ binh hùng hậu, Mỹ có thể nhanh chóng chiếm đóng một vùng đất, nhưng thành công đó chỉ được duy trì khi họ tiếp tục hiện diện ở khu vực này.

Trên chiến trường Afghanistan, quân đội Mỹ dưới thời của cựu tổng thống George W. Bush đã tìm cách biến một cuộc chiến tranh "chính nghĩa" chống khủng bố al-Qaeda và Taliban thành một cuộc diễn tập "xây dựng quốc gia" quy mô lớn. Mục tiêu của họ là biến một đất nước vốn rất yếu kém vì những cuộc xung đột, tranh chấp phe phái triền miên thành một "nền dân chủ thực sự", một hành động được ông Desch đánh giá là "không khác gì xây lâu đài trên cát".

Khi Mỹ bắt đầu lún sâu vào cuộc xung đột ở Afghanistan, thay vì rút chân ra để giảm bớt thiệt hại, ông Obama lại tiến thêm một bước với quyết định tăng gấp đôi quân số ở đất nước này vào năm 2009, để rồi sau đó lại đưa ra một lộ trình rút quân hoàn toàn khỏi Afghanistan vào cuối năm 2016.

loi-khuyen-it-trong-luong-ve-syria-cua-obama-cho-putin-1

Mỹ sẽ rút quân hoàn toàn khỏi Afghanistan vào năm 2016. Ảnh: HuffingtonPost

Theo các chuyên gia phân tích, Afghanistan hiện nay vẫn chưa hề có sự ổn định cần thiết như Mỹ mong đợi, và nếu như đất nước này vẫn không thể hoạt động được bình thường sau khi quân đội Mỹ rút đi, việc tăng gấp đôi quân số năm 2009 hoàn toàn là một quyết định sai lầm.

Còn tại chiến trường Syria hiện nay, với dư âm của phong trào Mùa xuân Arab, Mỹ đã có những hành động ủng hộ các nhóm nổi dậy lật đổ Tổng thống hợp hiến Bashar al-Assad. Theo ông Desch, có vẻ như Mỹ đã không lường được tình huống rằng khi ông Assad bị lật đổ, một tổ chức còn tồi tệ hơn như IS có thể khống chế cả đất nước loạn lạc này.

Không thừa nhận sai lầm

Ông Desch chỉ ra rằng thay vì có một cái nhìn rõ ràng về bản chất của các nhóm phiến quân chống ông Assad hiện nay, Mỹ vẫn đang theo đuổi một "ảo ảnh" là "lực lượng phiến quân ôn hòa". Cho đến nay, ngoài dân quân người Kurd, nhóm thiểu số khó có thể cai trị được cả đất nước Syria, chưa có bất cứ một nhóm nổi dậy nào đáp ứng được các tiêu chí "ôn hòa" do Mỹ đặt ra, hay đơn giản hơn là một tổ chức như vậy không hề tồn tại.

Tuần trước, ông Putin đã cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ đang hậu thuẫn cho các nhóm phiến quân người Turk thân Ankara hoạt động ở khu vực biên giới phía bắc Syria. Cáo buộc này của ông Putin không làm thay đổi một thực tế rằng phiến quân người Turk do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn là lực lượng "ôn hòa hơn một chút" so với IS. Đây chính là tình thế tiến thoái lưỡng nan của Mỹ trong công cuộc tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng Syria hiện nay, bởi "ôn hòa hơn" không đồng nghĩa với "ôn hòa".

Hôm thứ ba, Mỹ tuyên bố sẽ tăng cường sự hiện diện của lực lượng đặc nhiệm tại Iraq và Syria để thực hiện các cuộc đột kích, săn lùng, tiêu diệt thủ lĩnh IS. Với việc Mỹ có những động thái can dự sâu hơn vào Iraq, thật khó để ông Obama có thể khuyên người Nga nên hay không nên làm gì, ông Desch nhận xét.

Theo đó, nhiều khả năng ông Putin không cần đến và cũng không muốn nghe lời khuyên của ông Obama về chiến lược của Nga ở Syria. Trong khi ông Obama cho rằng Mỹ có thể vừa đánh bại IS vừa lật đổ được Tổng thống Assad, ông Putin lại cho rằng mục tiêu kép đó là không thể.

"Có lẽ cuộc khủng hoảng ở Syria hiện nay cần một cái đầu lạnh theo chủ nghĩa thực tế mới có thể đưa ra những quyết định sáng suốt. Trong khi ông Putin có một phần tính cách đó, Tổng thống Obama lại không hề có một chút nào", Desch nhấn mạnh.

loi-khuyen-it-trong-luong-ve-syria-cua-obama-cho-putin-2

Chiến đấu cơ Mỹ tham gia chiến dịch không kích IS. Ảnh: USAF

Theo Trí Dũng - VnExpress

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X