Hotline 24/7
08983-08983

Lơ lửng “mì bay” Sài Gòn

“Mì bay”, nghe tên đã thấy lạ. Nhưng thấy cách người phục vụ bưng tô mì còn lạ hơn: một tô mì với cọng mì không nằm trong tô mà… bay lơ lửng!

Mì bay từ nhà hàng ra quán vỉa hè. Vắt mì như bay lơ lửng thu hút giới trẻ thích khám phá - Ảnh: MINH PHƯỢNG
Mì bay từ nhà hàng ra quán vỉa hè. Vắt mì như bay lơ lửng thu hút giới trẻ thích khám phá - Ảnh: MINH PHƯỢNG

Người Sài Gòn - nhất là giới trẻ - rất nhanh nhạy với cái mới, thế là rủ nhau đi ăn cho biết. Mì bay được sáng chế bởi nhà hàng Hana ở Singapore.

Đây là món mì Udon dùng kèm với xốt trứng gà muối và rau răm. Khi du nhập vào Sài Gòn, mì bay có nhiều biến thể thú vị với các loại thịt heo, bò, gà, hải sản và đặc biệt là sợi mì làm bằng nước ép trái cây.

Mì bay nhiều phiên bản

Ở một quán ngay khu dân cư Trung Sơn, huyện Bình Chánh, buổi tối khá đông khách. Tầm 15 phút sau khi gọi món, nhân viên mang ra một khay mì bằng tre, có tô mì nhưng sợi mì thì... lơ lửng bên trên, cứ như làm xiếc.

Thực ra mì được trùm trên một dụng cụ vắt đũa, sợi mì phủ bên ngoài, lúc này đôi đũa thành giá đỡ nên gọi là “mì bay”.

Mì bay ở đây có 3 loại sợi: ramen, soba, matcha. Sau khi gọi mì, khách gọi đồ ăn kèm theo gồm các loại: sushi, hải sản, xiên nướng... Một phần mì bay có giá 79.000 đồng. Chị Hương - khách ăn mì bay ở quán - cho biết chị ăn vì thấy lạ.

“Nói chung cái gì mới cũng khiến chúng ta tò mò” - chị nói. Chị Nguyễn Võ Duy Thư (34 tuổi) - chủ quán - chia sẻ quán có món mì bay này được gần 2 tháng nay.

Chị nói: “Mì để làm mì bay là mì lạnh (mì sau khi luộc chín bỏ vô thau đá) nên khi vắt mì lên thì mì không bị bết dính như mì bình thường. Còn nước chấm được hầm công phu từ xương gà với các loại rau củ suốt 3 giờ để ra nước cốt”.

Tương tự, quán mì bay trên đường Cây Trâm (Q.Gò Vấp) là một quán ăn rộng rãi, lịch sự. Để thu hút thực khách, quán treo bảng hiệu với dòng chữ: “Mì bay huyền bí, mì bay thần thánh”.

Ngay trong cuốn menu cũng ghi rõ xuất xứ của mì bay như để người ăn hiểu thêm về món mới này: “Mì bay do một nhóm đầu bếp ở nhà hàng Hana Singapore sáng chế ra.

Từ khi xuất hiện, mì bay tạo ra một cơn sốt, làm mưa làm gió trên mạng xã hội ở Singapore...”. Ở đây, sợi mì tương tự kiểu mì trứng. Giá ở đây rẻ hơn, từ 45.000-55.000 đồng/phần, gồm nhiều loại như mì hải sản, mì gà, mì bò, mì thập cẩm...

Nhưng thế giới của mì bay phải nói là ở... quán vỉa hè. Một quán vỉa hè bán bò né trên đường Đinh Tiên Hoàng (Q.1) nhanh chóng cập nhật món mì bay vào thực đơn. Ở đây, mì bay chỉ có một loại duy nhất là mì bay gà cay giá 46.000 đồng.

Đồ ăn kèm gồm gà chiên nước mắm, gà chiên xù và thịt gà bọc trứng muối. Mặc dù phải ngồi xì xụp trên những chiếc ghế nhựa đơn giản, đèn tù mù nhưng quán luôn tấp nập khách ra vào.

Nói về mì bay, phiên bản đặc biệt nhất và đẹp nhất chính là quán mì bay làm từ nước ép trái cây - kiểu như cách làm rau câu - nằm trên đường Tôn Đản (Q.4). Một phần ăn dành cho 2 người có giá 80.000 đồng. Khay mì bắt mắt vì có sợi mì đủ màu: trắng, xanh, hồng, vàng...

Mì được treo trên bộ khay bằng tre thiết kế tỉ mỉ. Bên dưới là một khay lớn hơn bày trái cây gồm các loại: thanh long, dưa hấu, nho, táo, hồng...

Khi ăn, khách chấm sợi mì với sữa chua, có pha nước lựu, hạt chia, dừa sấy và mứt nho. Để thu hút khách, mỗi ngày chủ quán đổi các loại trái cây khác nhau để thay đổi hương vị mì.

Vẫn đầu tư cho món truyền thống

Bạn Mai Hương (23 tuổi) kể: “Dạo này nghe bạn bè rần rần vụ mì bay thấy cũng tò mò. Suất mì 45.000, ăn cũng được, lại còn hợp cho mấy bạn thích chụp hình khoe lên mạng nữa”.

Nhưng anh Minh, một người đã thử ăn mì bay, thì nói giá một suất mì như vậy cũng hơi cao và cọng mì nhiều dầu quá. “Ăn thử cho biết thôi” - anh nói.

Với người trẻ, đi ăn mì bay vừa để biết, vừa để chụp hình cho bắt kịp trào lưu. Như nhóm bạn trẻ ăn mì bay ở Bình Chánh bày tỏ: “Thấy mọi người đăng món mì này nên mình tò mò muốn thử, vừa ăn vừa chụp hình cũng vui chớ sợi mì cũng không có gì đặc biệt cho lắm”.

Khi mì bay mới xuất hiện, giới trẻ tranh nhau đi thử. Một chủ quán cho biết có hôm khách đông kín hai lầu của quán. Nhiều người phải đợi rất lâu mới có chỗ ngồi. “Có ngày chúng tôi bán gần 300 phần mì bay” - chủ quán cho biết.

Những ông bà chủ của quán bán mì bay vẫn biết người ăn thường đi ăn theo phong trào, nên ngoài đầu tư cho mì bay, họ vẫn bán các món truyền thống của quán. Không ai có thể nói mì bay sẽ sống đời với họ hay... chết yểu bất cứ lúc nào.

Những trào lưu ẩm thực thu hút giới trẻ

Giới trẻ Sài Gòn thường thích cái mới, trong đó có món ăn. Vào cuối năm 2015, giới trẻ Sài Gòn phát sốt với món trái cây xô. Vẫn là những dĩa trái cây thông thường nhưng điều khác biệt là chúng được đựng trong xô thủy tinh trong suốt, có quai xách.

Lúc ấy, một quán trái cây xô ở Q.10 khách đến quá đông, con hẻm tĩnh trở nên sôi động, ồn ào hẳn. Người bán chia sẻ bán đắt rất vui nhưng áy náy vì làm phiền hàng xóm xung quanh.

Sau trái cây xô thì xoài lắc rộ lên. Công thức làm món xoài lắc là cho xoài vào hỗn hợp nước mắm, ớt bột, muối tôm, đường đã nấu sôi để nguội và lắc đều lên.

Không chỉ xếp hàng để thử món xoài lắc, nhiều người còn tự tay làm xoài lắc để ăn và khoe thành quả trên Facebook. Sau xoài lắc là cóc lắc chua chua, ngòn ngọt, cay cay.

Mới đây, Sài Gòn “hot” món bánh mì nướng muối ớt. Bắt kịp trào lưu nên có những con đường tập trung vô số hàng bánh mì muối ớt như đường Phạm Văn Đồng, Lê Quang Sung... Mới đây còn có mì cay 7 cấp độ, mấy tháng trời làm mưa làm gió.

Trước đó, những món như bánh tráng trộn, chè khúc bạch... cũng từng là trào lưu. Tuy nhiên, khi cơn sốt đi qua, những món ăn này chỉ còn một vài người bán, thậm chí nhiều người đã dẹp tiệm.

MINH PHƯỢNG


Theo Minh Phượng - Ngọc Loan - Tuổi trẻ

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X