Hotline 24/7
08983-08983

Liệt sĩ bất ngờ trở về sau 25 năm nhận giấy báo tử

Người liệt sĩ ấy được vinh danh trên tấm bằng Tổ quốc ghi công và gia đình hương khói thờ phụng suốt 25 năm qua.

Cuộc đoàn tụ bất ngờ, ngập tràn nước mắt hạnh phúc như câu chuyện cổ tích ấy đã làm lay động lòng người. Đó là hành trình trở về của 'liệt sĩ' Cao Văn Tước (thôn Lê Lợi, xã Tân Hưng, thành phố Hưng Yên).

36 năm bặt vô âm tín, Ông Cao Văn Tước sinh năm 1956, là con trai thứ ba trong một gia đình có 8 anh chị em. Ông lớn lên khi người anh trai Cao Xuân Khanh đang chiến đấu ác liệt ở thành cổ Quảng Trị.

Năm 1973, ông Khanh bị thương nặng và được phục viên về quê. Ông Tước, khi đó mới 16 tuổi, đã tình nguyện nhập ngũ, nối tiếp bước người anh, chiến đấu, giải phóng quê hương.

Cùng đi với ông ngày ấy còn có 4 người khác, tất cả được đưa vào huấn luyện tại Hải Hưng. Tháng 4/1974, sau một thời gian huấn luyện, ông Tước được điều đi hoạt động tại chiến trường B.

Liệt sĩ bất ngờ trở về sau 25 năm nhận giấy báo tửÔng Cao Xuân Khanh kể lại chuyện tìm được em trai

Sau đó, ông đi B2, bổ sung vào vùng Đông Nam bộ, chiến đấu trên một địa bàn trải rộng từ Đăk Nông cho đến Phước Long, Mỹ Tho và thị trấn Đức Hòa (Long An).

Năm 1975, miền Nam được hoàn toàn giải phóng, hòa bình lập lại, đơn vị ông chuyển sang vừa làm nhiệm vụ kinh tế vừa huấn luyện, xây dựng lực lượng quốc phòng. Tháng 12/1977, ông Tước nghỉ phép về quê.

Tranh thủ thời gian phép, ông xây dựng gia đình với chị Cao Thị Nguyên - người cùng làng. Thế nhưng, ngày vui ngắn chẳng tày gang, hạnh phúc của người lính trẻ đành dở dang khi tháng 2/1978, ông Tước nhận lệnh trở lại đơn vị.

Ngày tiễn đưa ông Tước vào Nam, gia đình đâu có ngờ rồi đây, cuộc đời ông lại rẽ sang một hướng đi khác.

Năm 1979, chiến tranh biên giới Tây Nam nổ ra. Ông Tước cùng đơn vị trở thành những người lính tình nguyện tiến sang giải phóng đất nước Campuchia khỏi chế độ diệt chủng nhưng cũng chính từ đây, ông và gia đình mất hoàn toàn liên lạc.

Chính trận chiến khốc liệt bên đất Campuchia đã xóa đi ký ức của ông. Một quả bom nổ quá gần, tiếng bom rền rã với áp suất khủng khiếp đã ép thần kinh của ông trở nên rối loạn.

Ông Tước kết thúc nhiệm vụ bên đất Campuchia với một ký ức trống rỗng về bản thân, gia đình, quê hương. Từ Campuchia, ông lang thang về đến Nam bộ.

Khốn khổ thay, khi về đến bến xe miền Đông, một kẻ gian đã móc mất chiếc ví cùng toàn bộ giấy tờ tùy thân của ông. Với ký ức trống rỗng, ông lang thang khắp miền Nam cho đến khi số phận khiến đôi chân ông dừng lại tại nhà một đồng đội cũ ở Bà Rịa - Vũng Tàu.

Ông đã ở đó 30 năm trời trong im lặng.

Về phía gia đình, ông Cao Xuân Khanh - anh trai ông Tước - cho biết sau ngày mất liên lạc với ông Tước, gia đình đã kêu cầu khắp các cơ quan để tìm tung tích nhưng càng tìm càng vô vọng.

Hơn 10 năm ròng rã đợi chờ, hy vọng rồi tuyệt vọng, năm 1990, gia đình đã nhận được giấy báo tử cho liệt sĩ Cao Văn Tước theo dạng mất liên lạc. Người mẹ già 70 tuổi đã không còn nước mắt để khóc sau hơn 10 năm tìm con trong vô vọng. Nhưng bà vẫn tin tưởng một cách mơ hồ rằng, người con trai của mình vẫn còn sống.

Và quả thực, con trai của bà vẫn còn sống và đã trở về sau 25 năm.

Trở về nhờ những mảnh vụn ký ức

Sau khi lưu lạc đến Bà Rịa - Vũng Tàu, ông Cao Văn Tước ở lại nhà người đồng đội xưa và nhận mẹ của đồng đội là mẹ nuôi.

Chính người mẹ nuôi ấy đã dựng gia đình cho ông với một cô gái cùng xóm. Hai người ăn ở với nhau và có tất cả 5 người con. Cuộc sống cứ thế trôi đi trong bình lặng song khao khát biết được gốc gác vẫn thôi thúc những người con ông Tước đi tìm lại quê hương.

Tuy nhiên, mỗi lần gặng hỏi, ông Tước chỉ nhớ bập bõm được một vài chi tiết, nhiều lúc lại tự mâu thuẫn nhau. Có khi, do cố nhớ lại, ông bị những cơn đau đầu hành hạ khủng khiếp. Vậy nhưng, chắp nối những mảnh vụn mà ông Tước nhớ được, người con dâu của ông đã lần ra được một địa chỉ.

Và thế là một bức thư rất ngắn với nội dung 'Chúng cháu là con bố Tước… nếu gia đình nhận được thư này xin liên lạc theo số…' đã được gửi đi.

Ông Cao Xuân Khanh cho biết bức thư ghi địa chỉ thôn Lê Lợi, xã Tân Hưng, huyện Tiên Phù, tỉnh Hải Hưng. Tuy sai lệch địa chỉ nhưng linh cảm của một người anh trai đã khiến ông hiểu rằng, em mình vẫn còn sống. Bởi khi ông Tước nhập ngũ, tỉnh Hải Hưng (Hải Dương và Hưng Yên) có tồn tại huyện Tiên Phù, về sau mới tách ra thành Tiên Lữ và Phù Cừ (thuộc về Hưng Yên bây giờ).

Sau khi nhận được thư, ngay lập tức, ông Khanh điện thoại vào cho em trai ông là Cao Văn Khuê (sống tại Kon Tum) phải tức tốc xuống ngay xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc, Bà Rịa - Vũng Tàu để xác minh. Niềm vui vỡ òa khi ông Khuê nhận ra đấy chính là người anh ruột.

Vậy là cùng với ông Khuê, ông Tước đã mang theo người con trai thứ hai ra Bắc nhận gia đình. Ngày ông ra Bắc, người chị cả Cao Thị Được vượt mấy trăm cây số từ Sơn La xuống. Chị em, anh em gặp nhau mừng mừng, tủi tủi.

Những cái ôm xiết chặt, tiếng cười, tiếng nói, tiếng gọi anh, gọi em làm cho mọi người xung quanh không cầm được nước mắt. Ông Tước đến bên giường mẹ, bấy giờ đã yếu lắm, nắm chặt tay không rời.

Người con nay 60 đầu đã bạc ngồi bên người mẹ cách biệt gần 40 năm trời khiến nhiều người phải thốt lên rằng cảnh tượng đó là một giấc mơ kỳ diệu. Thế nhưng, ông Tước chỉ kịp chăm sóc mẹ được một thời gian vì chỉ sau đó ít lâu, mẹ ông đã qua đời vì tuổi già.

Liệt sĩ bất ngờ trở về sau 25 năm nhận giấy báo tửÔng Tước (thứ hai từ trái sang) đoàn tụ gia đình sau hàng chục năm mất liên lạc

Ngay sau khi ông Tước trở về, ông Cao Xuân Khanh đã mang bằng Tổ quốc ghi công cùng các giấy tờ khác ra Ủy ban nhân dân xã Tân Hưng trả lại trong niềm vui khôn xiết. Lãnh đạo xã, thành phố biết tin cũng đến nhà thăm hỏi, động viên và mừng đã trở về quê hương.

Tuy nhiên, những dư chấn của chiến trường xưa vẫn còn nặng nề khiến trí nhớ của ông Tước không thể nào khôi phục lại hết được. Ông vẫn quên rất nhiều những người anh, người em của mình. Cả người vợ năm xưa, ông cũng không còn nhớ.

Chị đã chờ anh mòn mỏi gần 10 năm trời, cuối cùng gia đình phải động viên chị đi bước nữa, giờ trở thành bà ngoại, tóc đã pha sương. Khó khăn lớn nhất bây giờ vẫn là việc giải quyết chế độ cho ông Tước sau khi 'trả' danh hiệu liệt sĩ.

Ông Lê Minh Chinh - Chủ tịch Hội cựu chiến binh xã Tân Hưng - cho biết cho đến bây giờ vẫn chưa có cơ quan nào chịu trách nhiệm giải quyết vấn đề này. Gia đình lên hỏi Sở LĐ - TB - XH thì Sở hướng dẫn sang Tỉnh đội.

Trí nhớ của ông Tước vẫn rất thất thường, lúc nhớ, lúc quên, nhiều khi lẫn lộn nên cũng gây khó khăn. Giấy tờ của ông lại mất hết, gia đình ở trong Nam, ông không thể ở một mình ngoài đất Bắc, việc đi lại, liên hệ vì thế trở nên rất bất tiện.

'Cũng còn phải dài dài mới giải quyết cho xong nhưng em tôi còn sống và trở về, đó mới là điều quan trọng nhất', ông Cao Xuân Khanh vui vẻ nói.

Theo Xuân Hải - Lao động

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X