Hotline 24/7
08983-08983

Lão ngư đạp sóng Hoàng Sa chỉ huy “tập đoàn chiến binh”

Năm nay lão ngư Phạm Hừng (phường An Hải Tây, quận Sơn Trà, Đà Nẵng) đã gần 70 tuổi, nhưng ông vẫn không chịu về… hưu.

Hiện ông vẫn tự mình nắm cương vị một “chiến binh” mạnh nhất trong “tập đoàn chiến binh” 15 chiếc tàu đang ngày đêm đạp sóng Hoàng Sa.

Hơn 50 năm cưỡi sóng Hoàng Sa, lão ngư Phạm Hừng thuộc làu từng con nước, từng luồng cá Nam, cá Bắc hay từng centimet tọa độ ở ngư trường Hoàng Sa, Trung Sa như thể người ta đếm cá trong chậu. Dù nay đã đến cái tuổi “thất thập cổ lai hy”, nhưng chưa một ngày tâm trí của ông Hừng thôi nghĩ về vùng biển Hoàng Sa của Tổ quốc.

lao ngu dap song hoang sa chi huy “tap doan chien binh” hinh anh 1Gần 70 tuổi, lão ngư Phạm Hừng vẫn đạp sóng Hoàng Sa chỉ huy “tập đoàn chiến binh”. Ảnh: Đình Thiên

Tập đoàn Hoàng Sa

Những ngày cuối tháng 4, chúng tôi tìm đến ngôi nhà 4 tầng ở đường Trần Hưng Đạo (quận Sơn Trà, TP.Đà Nẵng), con đường đẹp nhất nhì TP.Đà Nẵng chạy ven sông Hàn để tìm gặp lão ngư Phạm Hừng. Tới nhà, ông Hừng không có ở nhà, vợ ông cho hay, “ổng về bờ thì ở trên tàu suốt chứ có lúc nào ở nhà đâu”.

Gặp ông Hừng tại Âu thuyền Thọ Quang, dù ông đã gần 70 tuổi, tóc đã bạc, nhưng bước chân ông vẫn nhanh như sóc khi nhảy như bay qua các con tàu đậu san sát trong âu thuyền để vào bờ tiếp chuyện chúng tôi.

“Các anh tìm đến nhà tui hả, đến đó làm chi. Từ Quảng Ngãi chuyển ra Đà Nẵng, nhà đó tui xây cho vợ con tui ở, còn nhà tui ở đây” - ông Hừng chỉ về con tàu lừng lững số hiệu ĐNa 90198 mà ông đích thân làm thuyền trưởng.

Với bản chất ngư dân “ăn sóng nói gió”, ông Hừng vui vẻ kể với chúng tôi đủ thứ chuyện về gia đình và bản thân ông. Ông Hừng cho hay, khi mới 15 tuổi, ông Hừng đã bắt đầu đi bạn (thuyền viên) cho một số ghe đánh bắt ở xã Phổ An (huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi) ra Hoàng Sa, Trung Sa đánh bắt hải sản.

“Hồi đó, gia đình tui nghèo đâu có ghe tàu gì. Tui đi biển cho mấy chiếc ghe nhỏ xíu trong xã, chúng tôi đi chuyến nào về ghe đầy ắp tôm cá chuyến đó hết cả. Ngư dân Trung Quốc khi đó vẫn chưa biết đến ngư trường Hoàng Sa, Trung Sa. Nếu họ muốn đánh bắt đều phải nhờ chúng tôi chỉ cho từng luồng cá một. Hải sản lúc đó nhiều, tàu bè thì ít nên cuộc sống thoải mái lắm…”- ông kể.

Đi biển được khoảng 10 năm, kinh nghiệm đã có và biển Hoàng Sa đầy ắp nguồn lợi có thể giúp ông và gia đình làm giàu nên ông vay mượn để đóng một chiếc ghe nhỏ.

“Đóng được chiếc ghe đầu đời, tôi lần lượt kéo thêm 4 thằng em cùng theo nghề biển. Thích thú với biển, mỗi năm, mấy đứa nó chỉ ở trên bờ khoảng 1 tháng, còn lại đều theo tui có mặt trên biển Hoàng Sa…” - ông Hừng kể lại.

Ông Hừng cho biết, gia đình ông 6 người, ông là con trai đầu, tiếp theo là 4 em trai và cuối cùng là em gái đều theo nghề biển. Hiện ông làm chủ 4 tàu cá và góp vốn trong 11 chiếc tàu cá khác đều do các em của ông làm chủ.

Những chuyến đi bão táp

“Biển Hoàng Sa đúng là vựa cá của Biển Đông nhưng để lấy được lộc biển từ đây về tới đất liền thì không phải dễ. Ở vùng biển này rất hay gặp tàu lạ. Mà các tàu này chủ yếu là tàu Trung Quốc. Tàu của họ to lắm, máy rất khỏe nên ngư trường của chúng tôi bị thu hẹp lại. Mà có lúc gặp cả tàu quân sự lại gần dùng loa xua đuổi, thậm chí đâm chìm và bắt ngư dân”- ông Hừng tâm sự.

Đã trải qua nhiều vất vả và nguy hiểm khi theo nghề biển đến vậy, nhưng khi được hỏi, nay đã gần 70 tuổi và 3 đứa con đều đã thành đạt khi đứa thì làm bác sĩ, đứa làm công chức, đứa làm giám đốc doanh nghiệp, ông tính khi nào nghỉ hưu?

- ông Hừng hào sảng nói: “Con cái thành đạt là việc của chúng nó, tuổi tác có gì quan trọng, tôi sẽ tiếp tục đi biển cho đến khi nào nhắm mắt xuôi tay!”.

Nói đoạn, rồi ông Hừng cho biết tiếp, vào tháng 9.2003, ông với 2 tàu gồm QNg 8399 và QNg 8759 đánh bắt ở vị trí 19,25 vĩ độ Bắc - 117, 42 độ kinh Đông, thuộc vùng biển Việt Nam gần Vịnh Bắc Bộ thì bị 1 tàu Trung Quốc chạy tới đe doạ.

Tàu này đã dùng loa yêu cầu “tập đoàn tàu” của ông di chuyển về phía đảo Hải Nam, (Trung Quốc) nhưng nhóm nhất quyết không nghe theo và họ đã đâm chìm tàu QNg 8399. Sau đó họ bắt 10 ngư dân trên tàu này lên đảo Hải Nam giam giữ và trao trả qua Cửa khẩu Móng Cái 2 tháng sau đó.

“Sau khi bắt 10 bạn của tôi, tàu của Trung Quốc tiếp tục cho người nhảy lên tàu QNg 8759 để hòng chiếm quyền chỉ huy tàu. Lúc đó, tôi đang làm thuyền trưởng tàu này, nên đã hô tất cả anh em cùng cầm dao, típ sắt… đứng dàn quanh mạn tàu. Thấy chúng tôi sẵn sàng “sống mái” nên tàu Trung Quốc rút đi. Đợt đó, tôi thiệt hại hơn 2 tỷ đồng…”- ông Hừng nói.

Sau này, rất nhiều lần gặp tàu của Trung Quốc tiến tới đe doạ, xua đuổi, xịt vòi rồng… nhưng với bài học xương máu năm 2003, ông Hừng cho biết không để thiệt hại cho bạn và tài sản thêm lần nào nữa.

“Hiện nay, mỗi khi ra biển thì 15 chiếc tàu của tui đều đi một lượt và chia ra làm 5 tổ đánh bắt gần nhau. Mỗi khi có chuyện, tui chỉ cần gọi bộ đàm báo là tàu của mấy anh em tui chạy lại cùng tiếp ứng. Tàu nước ngoài có to hay hung hăng đến mấy mà thấy tàu mình đông là quay đầu chạy ngay. Bởi vậy, vùng biển của mình mình cứ đánh bắt chứ không sợ gì hết” - ông Hừng khẳng định.

Quyết bám biển

Việc Trung Quốc thường xuyên quấy phá Biển Đông không làm cho ông Hừng chùng bước mà thêm quyết tâm bám biển. Vậy nhưng, có những điều tưởng dễ, tưởng như hiển nhiên ở trên bờ lại khiến ông bộn bề đắn đo.

Ông Hừng tâm sự: “Chuyện tàu bè, ngư dân Trung Quốc xua đuổi, quấy phá hay tranh chấp ngư trường với ngư dân, với chúng tôi không còn lạ lẫm gì. Có sao đi nữa thì ngư dân chúng tôi vẫn bám biển. Đó là nghề nuôi sống gia đình, đó cũng là ngôi nhà không thể bỏ đi được. Họ càng phá, ngư dân chúng tôi càng phải ra biển…”.

Tuy nhiên, nhiều chính sách trên bờ khiến ngư dân phải đắn đo suy nghĩ có theo nghề biển nữa hay không. Theo ông Hừng, hiện giá hải sản cơ quan nhà nước không thể quản lý được. Cứ khi nào tàu bè cập bờ đông, nhiều tôm cá thì giá hải sản lao dốc không phanh.

“Ngư dân đã lao động cực khổ trên biển rồi, nhưng khi về bờ tiếp tục bị thương lái vần thêm lần nữa. Ai đời, cá trước khi đi biển báo giá 70.000 đồng/kg, nhưng khi tàu về bờ lại rớt xuống 50.000- 40.000 đồng/kg, thậm chí rớt xuống tận 20.000 đồng” - ông Hừng nói.

“Ngày trước, một người đi biển có thể lo nuôi sống cho gia đình 3 đến 4 người, nhưng nay may lắm thu nhập của bạn tàu chỉ 6 triệu đồng/tháng. Với độ vất vả và nhiều bất trắc của nghề biển mà chỉ có mức thu nhập như thế này thì rất nhiều ngư dân không muốn xuống biển nữa. Ở trên bờ họ túc tắc làm cũng sống được mà đỡ vất vả hơn nhiều… Bởi vậy, do kiếm thuyền viên không ra, nên 3 tháng đầu năm nay, 15 tàu nhà tôi chỉ đi được 30 chuyến, còn nằm bờ mất hơn 20 chuyến… ” - ông Hừng chia sẻ.

Qua tâm sự của ông Hừng, chúng tôi nhận thấy, muốn thường xuyên bám biển lo nuôi sống gia đình và góp phần canh giữ vùng biển đất nước thì ngư dân phải vượt qua rất nhiều khó khăn thậm chí phải đổi bằng máu.

Theo ông Hừng, trên biển hiện nay việc va chạm của tàu Việt Nam và tàu nước ngoài là thường xuyên, nên không thể tránh khỏi xảy ra tai nạn về người và tài sản. Tuy nhiên công tác cứu nạn cứu hộ hiện nay không đáp ứng được yêu cầu.

“Hàng ngày, trên Biển Đông, hàng trăm ngàn ngư dân cùng hàng ngàn tàu thuyền đang ngày đêm đánh bắt nên chuyện ngư dân bị ngã gãy tay, chân, đau ruột thừa… hay tàu bị hỏng máy, bị phá nước xảy ra rất nhiều. Đơn vị cứu nạn rất ít nên gặp sự cố xem như chúng tôi chịu chết. Nếu có cứu thì họ chỉ cứu nạn chứ cứu hộ thì không thể” - ông Hừng lo lắng.

Theo Đình Thiên - Dân Việt

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X