Hotline 24/7
08983-08983

Làm chủ kỹ thuật ghép tạng tiên tiến trên thế giới

Một sự kết hợp tuyệt vời, sự chuẩn bị nhân lực, vật lực quá tốt, trình độ cao và chuyên nghiệp vốn có ở Bệnh viện (BV) Việt Đức...

Tất cả những lời đó được thốt lên đầy thán phục trong đội ngũ cán bộ y tế khi nói về thành công của 4 ca ghép tạng từ một người cho chết não trong ngày 8/5 vừa qua của tập thể y bác sĩ BV Việt Đức, Hà Nội.
 
Để có thành công này, ngoài trình độ và tay nghề của các bác sĩ luôn đi đầu nắm bắt và làm chủ các kỹ thuật tiên tiến là nỗ lực của một tập thể đoàn kết, sự phối hợp nhuần nhuyễn giữa các chuyên khoa (gan mật, tim mạch, tiết niệu, gây mê hồi sức, chẩn đoán hình ảnh, giải phẫu bệnh…). Tất cả đều hướng tới mục tiêu duy nhất: cứu sống người bệnh.

Làm chủ kỹ thuật và luôn luôn sẵn sàng

Là BV ngoại khoa hàng đầu với lực lượng chuyên môn được đào tạo bài bản, đi đầu trong các lĩnh vực, BV Việt Đức đã nắm bắt, làm chủ các kỹ thuật ghép tạng hàng đầu tại Việt Nam. Trước khó khăn thách thức về nguồn tạng ghép, BV chủ trương ghép nhiều tạng cùng lúc từ người cho đa tạng để sử dụng tối đa nguồn tạng hiến. Đây là chủ trương đúng đắn nhưng cũng thực sự là thách thức không nhỏ, đòi hỏi sự hiệp đồng, hiệp tác, phối hợp nhuần nhuyễn giữa các chuyên khoa.
 
Nếu như ghép tạng từ người cho sống có sự chuẩn bị đầy đủ trước đó vài ngày thì với người cho chết não, quá trình chuẩn bị chỉ được phép diễn ra trong ngày. Khi gia đình người cho chết não đồng ý hiến tạng, trong vòng 6 tiếng đồng hồ sau đó phải chuẩn bị đầy đủ bệnh nhân để ghép với đầy đủ thông số và các test xét nghiệm tương thích giữa người cho và người nhận. Ngày 8/5/2012, khi có kết luận cuối cùng khẳng định bệnh nhân đồng ý hiến tạng đã hoàn toàn chết não, các kíp phẫu thuật với 5 phòng mổ đã sẵn sàng thực hiện.
 
Một phòng mổ lấy đa tạng, 4 phòng mổ ghép tạng (1 phòng ghép tim, 1 phòng ghép gan và 2 phòng ghép thận. Kíp lấy tạng (gồm các phẫu thuật viên (PTV) gan mật, tim mạch, tiết niệu, gây mê hồi sức và các kíp rửa tạng, bảo vệ tạng) tiến hành phẫu tích các tạng cần lấy, cho ngừng hoạt động tuần hoàn, tống hết máu ra ngoài và bơm các dung dịch bảo vệ tạng trên nhiều cơ quan cùng lúc; sau đó bắt đầu lấy tạng.
 
Tim là tạng được lấy đầu tiên (vì có thời gian bảo vệ nhanh nhất) và chuyển về phòng ghép tim, lần lượt đến gan và thận. 13h ngày 8/5/2012, kíp phẫu thuật lấy tạng từ bệnh nhân chết não trẻ tuổi bắt đầu thực hiện. 15h: tim được chuyển sang phòng ghép. 15h30: lấy được gan. 16h: thận được chuyển về phòng ghép. Các kíp phẫu thuật ghép tim, gan, thận lần lượt triển khai.

Ghép tim: Ðỉnh cao của phẫu thuật tim

PGS.TS. Nguyễn Hữu Ước - Trưởng khoa Phẫu thuật tim mạch lồng ngực, Trưởng kíp ghép tim chia sẻ: đây là ca thứ 3 BV Việt Đức thực hiện ghép tim từ người cho chết não. Đã có 4 trường hợp hiến đa tạng từ người cho chết não, nhưng có một trường hợp không ghép được tim (chỉ ghép được thận) vì nhóm máu của người hiến rất hiếm (nhóm máu AB).
 
 PGS.TS. Nguyễn Hữu Ước thăm bệnh nhân được ghép tim ngày 8/5
 
Những bệnh nhân chờ ghép tim đều suy tim giai đoạn cuối, được làm đầy đủ các hồ sơ chẩn đoán bệnh, sẵn sàng khi có người hiến tạng phù hợp để được ghép. Bệnh nhân (BN) được ghép tim lần này là một công nhân 23 tuổi, có hoàn cảnh gia đình hết sức khó khăn, bị bệnh cơ tim giãn giai đoạn cuối. Đây là bệnh lý viêm cơ tim tự miễn, cơ tim không co bóp, đến một lúc nào đó sẽ tự động ngừng. May mắn là 1 trong 3 BN thuộc Đề tài cấp Bộ (về ghép tim từ người cho đa tạng chết não) nên BN được miễn phí toàn bộ.

PGS. TS. Nguyễn Hữu Ước cho biết: trong vòng 12 giờ đầu, BN không chảy máu, huyết động ổn. BN được rút máy thở sau 10 tiếng. Sau mổ 18-20 tiếng, BN đã ngồi dậy ăn uống được. Ca ghép tim diễn tiến hết sức thuận lợi vì kích thước tim của người cho vừa với hố tim của người nhận.

Ghép gan: Kỹ thuật khó nhất trong ghép tạng

Đồng thời với kíp phẫu thuật ghép tim, tại phòng ghép gan, các bác sĩ tiến hành phẫu tích cuống gan, cắt bỏ gan người nhận; cùng kíp phẫu thuật mạch máu phối hợp làm các miệng nối giữa gan người cho với cuống mạch và đường mật của người nhận. PGS.TS. Trịnh Hồng Sơn - Phó Giám đốc BV, một trong những PTV chính của kíp lấy và ghép gan cho biết: Đây là kỹ thuật khó nhất trong ghép gan, vì mỗi một miệng nối có đặc điểm riêng và kỹ thuật riêng. Trong ghép tạng, ghép gan là khó và lâu nhất vì gan là một tạng đặc biệt, là cơ quan chuyển hoá có nhiều chức năng hơn so với các cơ quan khác.
 
 Ghép gan cho bệnh nhân
 
Với vị trí nằm treo ở bụng, giữa tim và thận, thao tác khi làm mạch máu nối tĩnh mạch gan với tĩnh mạch chủ khó khăn hơn các tạng khác. Hơn nữa, gan có nhiều miệng nối khác các mạch nối các tạng khác. Có 2 mạch máu vào gan (động mạch gan và tĩnh mạch cửa) và 1 mạch dẫn máu ra khỏi gan (tĩnh mạch trên gan). 3 mạch máu với 3 chức năng khác nhau, vị trí khác nhau và kích thước khác nhau, nếu khâu nối không tốt sẽ dễ bị xoắn vặn gây tắc mạch, ca ghép sẽ thất bại hoàn toàn.
 
Phải rất kiên trì, bình tĩnh trong xử lý vì với mỗi tăng thì có thể xảy ra bất cứ biến chứng nào. BN ghép gan đã 64 tuổi, xơ gan giai đoạn cuối, mạch máu tân tạo nhiều trên nền gan xơ nên quá trình ghép chảy máu nhiều, việc cầm máu phải hết sức kỹ càng, tỉ mỉ. Ca ghép đã thành công sau hơn 10 tiếng đồng hồ.

Đây là ca ghép gan thứ 4 từ người cho chết não trong tổng số 7 ca ghép gan đã được thực hiện tại BV Việt Đức.

Ghép thận: Ca ghép đặc biệt với 2 quả thận ghép có mạch máu  khác thường

Hai bệnh nhân nam được ghép thận đều còn rất trẻ, bị suy thận giai đoạn cuối, phải chạy thận nhân tạo gần 1 năm nay. May mắn mỗi người đã nhận được 1 quả thận thay thế, nhưng mỗi quả thận của người cho chết não lần này lại đều rất đặc biệt. TS. BS. Hà Phan Hải An - Trưởng khoa thận BV Việt Đức cho biết, trên phim chụp mạch trước mổ thấy: người cho có 2 quả thận bất thường về động mạch, một quả thận có 2 động mạch và một quả có 3 động mạch thận. Kíp phẫu thuật mạch máu đã lên các phương án tuỳ theo cấu trúc giải phẫu của người cho và nhận để xử trí cho phù hợp.
 
 Hai bệnh nhân được ghép thận đã hồi phục
Quả thận có 2 động mạch thận được nối riêng biệt vào động mạch chậu của người nhận. Có 2 phương án với quả thận có 3 động mạch: nối riêng biệt 3 mạch máu đó vào mạch máu người nhận hoặc ghép 3 mạch máu đó làm một rồi nối vào động mạch của người nhận. Cuối cùng, các bác sĩ đã áp dụng phương án thứ hai, tiến hành ghép 3 mạch máu của người cho làm một rồi nối vào động mạch của người nhận.
 
So với các kỹ thuật ghép tạng khác, ghép thận là dễ dàng hơn cả, nhưng với 2 quả thận ghép có mạch máu khác thường này, kỹ thuật ghép thận diễn ra hết sức phức tạp. Thời gian ca ghép quả thận có 3 động mạch thận xấp xỉ thời gian ghép gan, kết thúc sau 8 giờ đồng hồ. Ca ghép thận có 2 động mạch thận kết thúc sớm hơn 2 tiếng, bằng với thời gian ghép tim. Sức khoẻ cả 2 BN sau ghép rất tốt, các chỉ số về chức năng thận cải thiện hàng ngày.  
 
AloBacsi.vn (Theo Sức khỏe & Đời sống)

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X