Hotline 24/7
08983-08983

Ký ức về cuộc tập kích bất ngờ vào sân bay Tân Sơn Nhất

Nhân dịp kỷ niệm 40 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Trung tướng Trần Hanh đã có cuộc chia sẻ về ý nghĩa lịch sử của chiến thắng ngày 28/4 trong Đại thắng Mùa xuân năm 1975.

Ký ức về cuộc tập kích bất ngờ vào sân bay Tân Sơn Nhất - Ảnh 1Anh hùng LLVTND, Trung tướng Trần Hanh - nguyên Tư lệnh Quân chủng Không quân, nguyên Phó Tổng tham mưu trưởng QĐND Việt Nam, nguyên thứ trưởng Bộ Quốc phòng. 

“Sân bay Tân Sơn Nhất khi đó được ví như là một điểm co cụm đề kháng, tập trung cả quân lực, hậu cần kỹ thuật của không quân VNCH. Nó cũng là con đường chính để quân Ngụy có thể rút chạy từ Sài Gòn ra hạm đội 7 Thái Bình Dương của Mỹ.

Nhờ chiến thắng ròn rã trong cuộc tập kích ném bom ngày 28/4 của Phi đội quyết thắng khiến cho địch nhanh chóng tan rã, góp phần vào thế tiến công của quân ta trong mùa xuân 1975”, Trung tướng Trần Hanh - nguyên Tư lệnh Quân chủng Không quân, nguyên Phó Tổng tham mưu trưởng QĐND Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng tự hào chia sẻ.

“Chỉ đánh vào ngày 28/4, chỉ một ngày đó thôi!”

Mặc dù rất bận rộn với các lịch hẹn trong dịp này, nhưng Trung tướng Trần Hanh vẫn giành cho PV những giờ phút quý giá để chia sẻ ký ức về một trận đánh bất ngờ mà đầy táo bạo của không quân nhân dân Việt Nam trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử cách đây đúng 40 năm.

Lần đầu tiên được gặp chắc không ai nghĩ rằng ông đã ngoài tuổi bát tuần. Giọng nói trầm ấm, nhẹ nhàng cùng đôi mắt sáng tinh anh và một trí tuệ mẫn tiệp của vị Tướng tư lệnh khiến cho không khí của buổi trò chuyện trở nên rất thân tình, cởi mở.

Biết được mục đích về bài viết sắp tới, Trung tướng Trần Hanh đã chủ động đưa cho PV xem những hình ảnh thực tế của các cuộc chiến đấu đầy cam go ác liệt của dân tộc mà ông đã cẩn thận lưu giữ được trong nhiều năm qua.

Nói về chiến dịch Hồ Chí Minh 30/4/1975, vị Tư lệnh binh chủng Không quân năm xưa tự hào chia sẻ: “Việc Bộ tư lệnh Quân chủng PK-KQ giao cho lực lượng không quân ta dùng chính máy bay A-37, một loại máy bay cường kích mặt trận thu được của địch để tấn công sân bay Tân Sơn Nhất đã được Bộ Tổng tư lệnh và Bộ tư lệnh chiến dịch Hồ Chí Minh đồng ý và giao nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu từ ngày 19/4”.

Trung tướng Trần Hanh kể, các phi công ưu tú được chọn lập thành Phi đội Quyết thắng gồm Nguyễn Văn Lục (là phi đội trưởng), Từ Đễ, Hán Văn Quảng, Hoàng Mai Vượng, Trần Cao Thăng đều đến từ phi đội 4 thuộc Trung đoàn không quân 923.

Ký ức về cuộc tập kích bất ngờ vào sân bay Tân Sơn Nhất - Ảnh 2Hình ảnh Phi đội Quyết Thắng. Ảnh chụp lại tại Bảo tàng Phòng không - Không quân Việt Nam.

Ngày 22/4, phi công Nguyễn Thành Trung cùng với các phi công trên đã có mặt ở Đà Nẵng. Tại đây, phi công Trần Văn On cũng đã được bổ sung vào đội hình. Chỉ trong chưa đầy ba ngày từ 23 - 26/4, các phi công đã học chuyển loại xong loại máy bay A-37 và có thể độc lập làm nhiệm vụ.

“Dẫu biết rằng để học chuyển loại máy bay cũng cần ít nhất 3 tháng, nhưng do điều kiện khẩn cấp của tình hình chiến trường cùng với sự thông minh và tập trung học tập cao độ của các phi công nên chỉ trong vòng hơn ba ngày, họ đã có thể tự tin lái máy bay A-37 chiến đấu với quân thù”, Tướng Hanh nhớ lại.

Trước những diễn biến hết sức khẩn trương và mau lẹ trên chiến trường theo hướng có lợi cho ta, vào lúc 8h ngày 26/4 tại Tổng hành dinh, đích thân Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã giao nhiệm vụ cho Tư lệnh Quân chủng PK-KQ Lê Văn Tri sử dụng máy bay A-37 thu được của địch để tham gia chiến đấu trong chiến dịch Hồ Chí Minh. Đại tướng nhấn mạnh “chỉ được đánh đúng vào ngày 28/4/1975 và chỉ ngày đó mà thôi”.

Trận không chiến đầy táo bạo và bất ngờ

Trưa ngày 27/4, Tư lệnh Lê Văn Tri điều lực lượng được chọn sẵn từ Đà Nẵng vào sân bay Phù Cát (Bình Định). Đến 9g30 ngày 28/4, Phi đội Quyết thắng đã bay thử kỹ thuật, bổ sung đủ 5 máy bay A-37 và được chuyển từ sân bay Phù Cát vào sân bay Thành Sơn để chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu.

Ký ức về cuộc tập kích bất ngờ vào sân bay Tân Sơn Nhất - Ảnh 3Một trong 5 chiếc máy bay cường kích hạng nhẹ A-37 mà phi công Từ Đễ đã lái và oanh kích sân bay Tân Sơn Nhất vào chiều ngày 28/4/1975 khiến cho địch mau chóng thất bại, tan rã. Cầu hàng không bị chặt đứt khiến cho quá trình di tản của người Mỹ diễn ra nhanh hơn vào những ngày cuối tháng 4/1975.

Ngay đầu giờ chiều cùng ngày, Tư lệnh Quân chủng Lê Văn Tri cùng với Tham mưu phó Trần Mạnh (tổ chức chuẩn bị chiến đấu) và thượng tá Tư lệnh Binh chủng Không quân Trần Hanh (chỉ huy trực tiếp) đã giao nhiệm vụ chiến đấu cho Phi đội Quyết thắng tại sân bay Thành Sơn.

Mục tiêu được xác định là khu đỗ máy bay của không quân Ngụy tại sân bay Tân Sơn Nhất. Phương án công kích là từng chiếc lần lượt bổ nhào ném bom, sau đó thoát ly quay về căn cứ.

Để tạo bí mật bất ngờ, phi đội được lệnh xuất kích bằng hai phát tín hiệu xanh bắn ra từ đài chỉ huy cất hạ cánh ở sân bay Thành Sơn. Đồng thời, không sử dụng liên lạc vô tuyến trên không mà cứ bay theo đội hình. Sau khi qua Hàm Tân sẽ lấy độ cao để bổ nhào, ném bom sân bay Tân Sơn Nhất.

Đúng 16g25 ngày 28/4, Tư lệnh binh chủng Không quân Trần Hanh phát lệnh cho toàn biên đội cất cánh. Đội hình bay chiến đấu theo thứ tự Nguyễn Thành Trung - Từ Đễ - Nguyễn Văn Lục - Hoàng Mai Vượng - Hán Văn Quảng - Trần Văn On bay cùng với Hoàng Mai Vượng. Khi qua Hàm Tân, cũng là lúc trời tạnh mưa.

Vào lúc 17g05, mục tiêu đã hiện ra và rồi, từng chiếc máy bay lần lượt bổ nhào ném bom vào sân đỗ máy bay của Ngụy. Phi công Nguyễn Thành Trung ném bom đầu tiên và các đồng đội của anh lần lượt hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ rồi thoát ly về sân bay Thành Sơn lúc trời nhá nhem tối.

Do máy bay của phi công Từ Đễ sắp cạn dầu nên chỉ huy cho Từ Đễ được ưu tiên hạ cánh trước. Sau đó các máy bay khác lần lượt vào hạ cánh an toàn.

Một kỷ niệm mà Tư lệnh binh chủng Trần Hanh rất tâm đắc. Đó là khi từ đài chỉ huy sân bay Tân Sơn Nhất của địch dồn dập câu hỏi: “Máy bay A-37 của phi đoàn nào”?

Phi công Từ Đễ trả lời: “Máy bay của America đấy”! Bằng 18 quả bom, mỗi quả nặng 250 cân Anh đã phá hủy 24 chiếc máy bay các loại của không quân Ngụy tại sân bay Tân Sơn Nhất, làm thương vong hàng trăm lính Ngụy. Quân địch bị oanh tạc bất ngờ nên hoàn toàn bị động và không kịp trở tay.

Tiếng bom của Phi đội Quyết Thắng là đòn đánh phối hợp của Không quân nhân dân Việt Nam với các cánh quân đang ào ạt tiến về giải phóng Sài Gòn. Chiến thắng này là một bộ phận cấu thành quan trọng trong đại thắng mùa xuân năm 1975.

Nó đã chứng minh sự trưởng thành và lớn mạnh của các đơn vị trong binh chủng. Các phi công đã từng lái thuần thục máy bay Mig-17 của Nga và chiến đấu trên bầu trời miền bắc đã chuyển loại thần tốc trong ba ngày để làm chủ được máy bay A-37 của Mỹ-Ngụy.

Ký ức về cuộc tập kích bất ngờ vào sân bay Tân Sơn Nhất - Ảnh 4Trung tướng Trần Hanh nhắn nhủ các thế hệ trẻ phải luôn phấn đấu theo tư tưởng Hồ Chí Minh, đoàn kết để xây dựng đất nước giàu mạnh.

Đánh giá cao ý nghĩa to lớn chiến thắng của Phi đội Quyết Thắng trong cuộc không kích này, tướng Hanh bồi hồi nhớ lại: “Đại tướng Văn Tiến Dũng - Tư lệnh chỉ huy trực tiếp chiến dịch Hồ Chí Minh đã khẳng định, không quân ta đã giáng một đòn chí mạng cả về chính trị lẫn quân sự góp phần thúc đẩy quá trình tan rã và sụp đổ hoàn toàn của chính quyền Mỹ - Ngụy”.

Đây là trận tấn công duy nhất từ trên không nhưng có ý nghĩa chiến lược của Không quân nhân dân Việt Nam trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Đồng thời, thể hiện rõ sự chỉ đạo nhạy bén, chính xác của Trung ương Đảng, Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh khi quyết định dùng chính máy bay địch để tiêu diệt địch bằng trận tập kích đầy táo bạo và bất ngờ này.

Theo Đình Tuệ - Người đưa tin

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X