Hotline 24/7
08983-08983

Kỳ nhân võ Việt khiến người Tây run sợ

Vóc người nhỏ bé nhưng vị võ sư này tinh thông rất nhiều tuyệt kỹ và được ví như một "mãnh hổ" của làng võ Việt.

Huyền thoại khét tiếng

Võ sư Ngô Bông (còn có tên là Lâm Hổ hay Lâm Hổ Ngô Bông), sinh năm 1928 trong một gia đình nghèo ở huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi.

Cha bị quân Pháp sát hại, mẹ mất sớm nên ông phải về nhà ngoại ở. Tại đó, ông được hai cậu ruột dạy võ Tây Sơn.

Trong số những bài võ ấy có Hùng kê quyền, tuyệt kỹ do danh tướng Nguyễn Lữ thời Tây Sơn sáng tạo từ các thế đánh của gà chọi.

Hồi trẻ, võ sư Ngô Bông còn theo học võ Thiếu Lâm với hai người thầy nổi tiếng ở Quảng Ngãi là Bảo Truy Phong (Gấu già) và Lâm Võ.

Cũng như nhiều võ sĩ lúc đương thời, Ngô Bông nhiều lần thượng đài thi đấu quyền Anh và võ tự do.

Võ sư Ngô Bông biểu diễu võ công

Mặc dù sở hữu vóc dáng nhỏ bé, gầy guộc nhưng với những tuyệt kỹ võ công, ông đã từng thắng nhiều võ sĩ khét tiếng lúc bấy giờ như Đinh Hổ (võ sĩ Campuchia), Đinh Đam (võ sĩ người Huế), Trực Hùng, Trực Ninh... và được giới “giang hồ” thời đó hết sức kính nể.

Theo nhiều tài liệu có ghi lại, bắt đầu đến với võ thuật từ năm 11 tuổi cho đến suốt mấy chục năm tầm sư học đạo, khổ luyện những chiêu thức tinh hoa của võ nghệ, võ sư Ngô Bông thông thạo được nhiều loại vũ khí như: đao, thương, kiếm, côn...

Thời đó, hai người thầy của Ngô Bông là võ sư Bảo Truy Phong và Lâm Võ đã đặt cho Ngô Bông biệt danh Lâm Hổ bởi ông đã nhiều năm khổ luyện thành công các bài Hắc hổ, Mãnh hổ xuất sơn, Hắc hổ hạ sơn, Ngọa hổ phục lâm…

Để có bộ trảo lợi hại như hổ, cố võ sư Ngô Bông đã trải qua nhiều năm khổ công luyện Thiết sa chưởng với cát và sỏi.

Tương truyền, những đòn trảo của ông có uy lực khủng khiếp tới nỗi có thể chọc thủng tường gạch, phá tan đá, gỗ.

Một danh sư trong làng võ khẳng định về Ngô Bông rằng: "Ngoài bài Hùng Kê quyền, lão võ sư này còn nhiều bài quyền mà làng võ Việt Nam sắp thất truyền.

Điều đặc biệt độc đáo ở chỗ, bài võ cổ truyền nổi tiếng nào hô lên là võ sư Ngô Bông cũng thuộc làu".

Võ sư Ngô Bông còn khiến giới làng võ khâm phục bởi ở thời điểm ông sắp bước vào độ tuổi bát tuần, ông vẫn sở hữu thân pháp mềm mại như rồng, mau lẹ như báo, mãnh liệt như hổ, mỗi lần tung đòn, uy lực của ngũ trảo vẫn ào ạt như vũ bão.

Hùng kê quyền uy trấn giang hồ

Cố võ sư Ngô Bông được giới “võ lâm” Việt Nam công nhận là võ sư duy nhất phục dựng toàn bộ bài võ Hùng kê quyền của Nguyễn Lữ.

Đây là thế võ dựa vào các miếng đánh của gà chọi và nó đặc sắc tới mức đã trở thành một trường phái trong võ cổ truyền Việt Nam.

Miếng đánh "song túc tề phi" (hai chân cùng bay) này đã thất truyền nếu không được sự lĩnh hội và truyền dạy của võ sư Ngô Bông.

Mấy trăm năm kể từ sau khi nhà Tây Sơn suy tàn, tưởng chừng không một ai có thể tái hiện tuyệt kỹ Hùng kê quyền, cho đến khoảng hơn 20 năm về trước.

Đó là năm 1993, nhân giải võ cổ truyền toàn quốc tổ chức tại TPHCM, Ngô Bông đã làm cho giới võ thuật cả nước kinh ngạc với tuyệt kỹ của Hùng kê quyền cùng bài thiệu đi kèm, nói về xuất xứ của nó.

Đến năm 2004, tại Liên hoan võ thuật truyền thống thế giới tổ chức tại Hàn Quốc, trước 70 môn phái võ thuật nổi tiếng của nhiều nước, một lần nữa lão võ sư Ngô Bông trình diễn tuyệt kỹ Hùng kê quyền với sự trầm trồ và tán dương của cực kỳ đông đảo giới võ thuật.

Võ sư cùng một đệ tử

Hùng kê quyền sở dĩ được mọi người ca ngợi là vì sức mạnh tiền ẩn bên trong của nó.

Vào thời Tây Sơn, Nguyễn Lữ chính là một trong các nhân vật chủ chốt. Ông học thập bát ban võ nghệ và chuyên về môn Miên quyền, Nhu quyền.

Nguyễn Lữ nhận thấy võ công Thiếu Lâm phần nhiều thiên về cương, có những điểm không phù hợp với thể chất người Việt Nam.

Để học thông môn phái Thiếu Lâm phải mất hàng chục năm, trong khi yêu cầu cấp bách của nghĩa quân là tinh thông võ nghệ càng nhanh càng tốt.

Nguyễn Lữ cũng rất say mê món chọi gà. Trong một dịp tết, ông quan sát đôi gà chọi, một con to lớn kềnh càng, dũng mãnh, các đòn nặng nề sát thủ đấu với một con nhỏ bé mà linh hoạt.

Ông đã rất bất ngờ khi con gà to lớn kia đã liên tục phải cúp đuôi bỏ chạy trước sức tấn công bền bỉ, nhanh như chớp của con gà nhỏ.

Từ đó Nguyễn Lư nghiệm ra rằng, dù nhỏ bé nhưng bền bỉ, dữ dội, nhanh nhẹn thì vẫn có thể hạ gục bất cứ đối thủ nào.

Từ đó, ông đã sáng tạo ra bài Hùng kê quyền vừa phù hợp với sở học của bản thân, vừa phù hợp với thể chất người Việt nói chung, vừa thích ứng với nhu cầu cấp thiết của nghĩa quân Tây Sơn giai đoạn đó.

Đặc tính của Hùng kê quyền là lấy sở đoản biến thành sở trường, yếu có thể đánh mạnh, thấp có thể đánh cao, nhỏ có thể đánh lớn, ít có thể đánh nhiều, gần có thể đánh xa…

Mặc dù tưởng chừng đơn giản nhưng để lĩnh hội hết được những tinh hoa của Hùng kê quyền là cả một vấn đề rất lớn, đòi hỏi võ sĩ phải có trình độ nội công thâm hậu cũng như thân pháp rất linh hoạt.

Hùng Kê quyền sử dụng ngón tay trỏ để đâm (nhất dương chỉ) mô phỏng hình mỏ gà, và các ngón còn lại co vào như chiếc cựa gà.

Hùng kê quyền hướng tới những điểm tấn công vào những mục tiêu hiểm của đối thủ, như các huyệt đạo, ngực, hầu...

Bộ pháp của bài hết sức linh hoạt, thần tốc, xoay chuyển một cách biến ảo đã hỗ trợ cho việc thi triển thủ pháp một cách rất hiệu quả, khiến đối thủ luôn phải hứng chịu những đòn thế có tính sát thương cực cao.

Trải qua quãng thời gian quá dài tưởng chừng đã bị thất truyền, Hùng kê quyền lại được tái hiện bởi Ngô Bông.

Giặc cũng phải “ngán”!

Thời trai trẻ, Ngô Bông cũng đã mang võ học đi đánh giặc. Rất nhiều địa danh ở khu vực miền Trung đều lần lượt in dấu chân ông. Ông cũng trở thành lính của Tiểu đoàn 365 đóng quân tại Phú Yên.

Tại tiểu đoàn này, trong một lần nghe Tiểu đoàn trưởng Hà Duy Tùng tuyên bố: “Ai vật khỏe nhất sẽ được thưởng”.

Ngô Bông với thân hình nhỏ bé đã xông ra đọ sức với người cận vệ của tiểu đoàn trưởng có sức khỏe như voi, to lớn hơn ông rất nhiều.

Lần lượt ba hiệp, ông tung đòn tảo địa cước, kết hợp với thế quật của Hùng kê quyền và ném chàng cận vệ to lớn này lăn kềnh ra đất.

Từ đó, ông trở thành cận vệ suốt ba năm của tiểu đoàn trưởng và chịu trách nhiệm huấn luyện võ thuật.

Đối đầu với giặc Pháp trong nhiều trận đánh giáp lá cà, tên tuổi của Ngô Bông lại nổi như cồn. Nhiều tên giặc chưa kịp nổ súng thì đã gục ngã trước ngũ trảo rồi.

“Lúc bom rơi, đạn nổ, sức mạnh của ngũ trảo dường như khó có thể lường được” - ông cho biết.

Với sức vóc như hổ, nhiều trận ông cõng đồng đội bị thương chạy băng băng thoát ra khỏi họng súng. Rồi trong một trận đánh, ông bị thương nặng và phải trở về quê để an dưỡng.

Gắn bó nghiệp võ cả đời, cố võ sư Ngô Bông luôn tâm niệm: “Võ thì cả đời cũng không thể biết hết được, học võ cốt để giúp đời”.

Các học trò của võ sư Ngô Bông có nhiều người thành danh. Ngô Ân, Ngô Lâm, Ngô Sĩ, Ngô Ngân, Nguyễn Văn Thiều, Ngô Dung... từng đoạt rất nhiều HCV tại các giải võ cổ truyền Quảng Ngãi và giải vô địch toàn quốc.

Võ sư Ngô Bông chọn và dạy học trò rất kỹ lưỡng do ông quan niệm ngoài việc dạy võ, người thầy phải dạy cho võ sinh cách sống ở đời.

Thông thường, ông hay tìm hiểu và thử thách võ sinh một thời gian, nếu xét thấy siêng năng, cần cù, biết vâng lời, chung thủy, có tư cách, không tự ái, không bê tha tửu sắc thì mới nhận làm học trò chính thức.

Với những đóng góp to lớn cho kho tàng võ cổ truyền, võ sư Ngô Bông đã được Ủy ban TDTT tặng huy chương Vì sự nghiệp TDTT.

Câu nói nổi tiếng của võ sư Ngô Bông:

- Võ thì cả đời cũng không thể biết hết được, học võ cốt để giúp đời

- Chỉ dạy võ cho người có tư cách đúng mực, nếu không sẽ có hại cho môn phái và xã hội.

- Nghề võ không giàu nhưng cả đời tôi mong truyền thụ cho con cháu, sau này không mất đi những tinh hoa mà các thế hệ cha ông đã khổ luyện để giữ gìn non sông, bờ cõi

 

Một người bạn từng nhận xét về Ngô Bông:

“Anh Bông là con người điềm đạm, tế nhị và sống có tình, có nghĩa. Về võ nghệ anh nắm vững bài bản của võ Tây Sơn, di chuyển bộ ngựa rất linh hoạt, có thể khống chế, hóa giải các đòn tấn công của đối thủ.

Dù tuổi cao nhưng các động tác đâm, gạt, đỡ thương của anh gọn gàng và nhuần nhuyễn. Anh sở đắc mấy bài thương có giá trị như: Đệ nhất kim thương, Đệ nhị mai hoa thương... rất cần được bảo tồn".


Theo Thiên Hà - Trí thức trẻ

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X