Hotline 24/7
08983-08983

Kỳ I: Thực phẩm biến đổi gen có an toàn không?

Có lẽ chưa bao giờ, vấn đề sinh vật biến đổi gen (GMO) lại được bàn cãi sôi nổi ở Mỹ như mấy năm vừa qua.

Hàng loạt các trang web, diễn đàn, bài báo của cả hai phía ủng hộ lẫn chống GMO mọc lên như nấm và không ngừng bình luận về đủ mọi khía cạnh, từ an toàn thực phẩm cho đến ảnh hưởng môi trường.

LTS: Những giống ngô biến đổi gen đầu tiên vừa được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho phép thương mại hóa và trồng đại trà tại Việt Nam. Tuy nhiên, trên thế giới, vấn đề sinh vật biến đổi gen (GMO) vẫn đang là vấn đề gây tranh cãi.

VietNamNet xin giới thiệu loạt bài viết của TS. Hoàng Khánh Hòa, hiện đang nghiên cứu sau tiến sĩ, chuyên ngành Kinh tế nông nghiệp tại tại Mỹ về những vấn đề liên quan tới thực phẩm biến đổi gen từ góc nhìn của những người tiêu dùng Mỹ.

biến đổi gen, thực phẩm, sinh vật, GMO, cấp phép, giống ngô, Việt Nam, Mỹ, kinh nghiệm, bài học
Thực phẩm biến đổi gen đang là vấn đề được tranh cãi kịch liệt tại Mỹ.

Có lẽ chưa có bao giờ mà vấn đề sinh vật biến đổi gen (GMO) lại được bàn cãi sôi nổi ở Mỹ như mấy năm vừa qua. Hàng loạt các trang web, diễn đàn, bài báo của cả hai phía ủng hộ lẫn chống GMO mọc lên như nấm và không ngừng bình luận về đủ mọi khía cạnh, từ an toàn thực phẩm cho đến ảnh hưởng môi trường.

Bỏ qua những góc nhìn cực đoan, chúng ta phải khẳng định rằng công nghệ sinh học (CNSH) là một bước tiến của khoa học trong thế kỉ 21. GMO chỉ là một sản phẩm của CNSN trong rất nhiều các công trình mà lĩnh vực này đã mang lại cho ngành nông nghiệp nói riêng và đời sống của con người nói chung.

Tuy nhiên, khoa học cũng có những hạn chế của nó. Vấn đề thực phẩm biến đổi gen không đơn giản chỉ là một vấn đề của người nghiên cứu trong phòng thí nghiệm. Một khi đã đưa ra thị trường và trở thành một nguồn thực phẩm hàng ngày của con người, sự phát triển của GMO ảnh hưởng tới mọi mặt đời sống, từ kinh tế cho đến sức khỏe. Đấy có lẽ cũng là lí do vì sao GMO trở thành một vấn đề quan trọng và gây tranh cãi ở tất cả các nước mà nó đi qua.

Mới đây, những giống ngô biến đổi gen đầu tiên vừa được chính phủ Việt Nam chính thức chấp nhận cho trồng đại trà, trong khi ở Mỹ giống cây GMO đầu tiên đã được đưa vào thương mại hóa từ năm 1996. Nhiều người tiêu dùng Việt Nam hoài nghi về sự an toàn của thực phẩm biến đổi gen. Các nhà khoa học có người ủng hộ nhưng cũng có người hoài nghi về tính bền vững mà GMO sẽ mang lại cho nông nghiệp nước nhà.

Vậy GMO tốt hay không tốt? Nếu tốt thì ở điểm nào và nếu không tốt thì cũng ở điểm nào? Đây hoàn toàn là những câu hỏi định tính vì nó còn tùy thuộc vào bạn đứng ở đâu - dưới góc độ của người tiêu dùng, người ra chính sách, hay người nông dân.

Đôi khi chúng ta phải chấp nhận thử và sai để có thể rút ra được câu trả lời. Tuy vậy kinh nghiệm của nước Mỹ sau gần 20 năm phát triển GMO cũng có thể cung cấp cho chúng ta một vài thông tin hữu ích để đánh giá vấn đề này một cách thấu đáo.

biến đổi gen, thực phẩm, sinh vật, GMO, cấp phép, giống ngô, Việt Nam, Mỹ, kinh nghiệm, bài học
Giống ngô NK66Bt11 vừa được cấp phép thương mại hóa và trồng đại trà tại Việt Nam.

GMO có an toàn hay không?

Đây là một trong những vấn đề gây tranh cãi nhất trong các thảo luận về GMO. Đánh giá GMO có an toàn hay không, một lần nữa, lại tùy thuộc vào việc bạn dựa trên tiêu chuẩn nào.

Nhiều người cho rằng quy trình kiểm định an toàn thực phẩm ở Mỹ rất khắt khe, vậy chắc hẳn GMO phải an toàn thì FDA - Cơ quan quản lý an toàn thực phẩm và thuốc mới cho phép GMO được bán trên thị trường Mỹ cả gần hai mươi năm nay.

Đúng là FDA có quy trình quản lý an toàn thực phẩm (thường gọi là GRAS) tương đối gắt gao. Về cơ bản các sản phẩm trước khi đưa ra thị trường phải đạt được các tiêu chí kiểm định mà FDA đưa ra. Tuy nhiên, thực phẩm biến đổi gen lại là một ngoại lệ.

Đa số người Mỹ cũng không biết rằng FDA không thông qua quy trình kiểm tra an toàn đối với thực phẩm biến đổi gen như đối với các loại thực phẩm thông thường khác. Sự thật này chỉ được phanh phui sau khi luật sư Steven Drucker cùng các cộng sự của mình kiện FDA vào năm 1998.

Các tài liệu mà FDA đưa ra theo yêu cầu của tòa án đã cho thấy FDA bỏ qua quy trình kiểm định an toàn đối với GMO bán ở Mỹ mặc dù vẫn nói rằng thực phẩm biến đổi gen là an toàn so với các thực phẩm truyền thống cùng loại. Do tòa chưa có phán quyết cuối cùng nên FDA vẫn chưa thay đổi các thông báo trên trang web chính thức cũng như thừa nhận đã vi phạm luật khi bỏ qua quy trình kiểm định đối với GMO.

biến đổi gen, thực phẩm, sinh vật, GMO, cấp phép, giống ngô, Việt Nam, Mỹ, kinh nghiệm, bài học
Người dân Mỹ phản ứng với FDA trong vấn đề GMO.

Có ý kiến cho rằng việc FDA bỏ qua quy trình kiểm định an toàn thực phẩm cũng không quá đáng lo. Lí do là cho đến hiện tại thì các nghiên cứu đều không cho thấy một xu hướng rõ ràng nào thể hiện thực phẩm biến đổi gen có hại đối với sức khỏe con người. Cụ thể là có nghiên cứu kết luận thực phẩm biến đổi gen gây hại đối với sức khỏe, có nghiên cứu không thấy mối liên hệ nào.

Dựa vào nghiên cứu khoa học và nhất là các nghiên cứu đăng trên tạp chí khoa học uy tín là một trong những tiêu chí đánh giá khách quan không thể phủ nhận. Tuy nhiên, các nghiên cứu liên quan đến GMO và đặc biệt là nghiên cứu về tính an toàn của GMO vấp phải một "hòn đá tảng" lớn, đó là quyền sở hữu trí tuệ mà các công ty giống GMO lớn như Monsanto, Syngenta đang được bảo hộ và sử dụng triệt để để hạn chế các nghiên cứu không có lợi cho họ.

Nếu bạn muốn làm một nghiên cứu liên quan tới GMO, ví dụ như giống ngô Bt do Monsanto sản xuất chẳng hạn, không đơn giản là bạn ra ngoài thị trường mua hạt ngô về trồng và làm thí nghiệm theo như ý mình mặc dù giống ngô đã bán rộng rãi trên thị trường.

Trên thực tế, các nhà khoa học khi thực hiện thí nghiệm và nghiên cứu trên các giống GMO đều phải xin phép các công ty sản xuất ra chúng, trong trường hợp này là Monsanto. Công ty sẽ xem xét ý tưởng của bạn và quyết định là bạn có được phép sử dụng giống cây của họ để thí nghiệm hay không, lấy lí do là đảm bảo quyền sở hữu trí tuệ, tránh bị ăn cắp giống (??)

Vào năm 2009, báo New York Times đã đưa tin về việc 29 nhà khoa học từ các trường đại học ở Mỹ cùng lên tiếng về việc này, cho rằng với quy định hiện tại thì "không có một nghiên cứu độc lập nào có thể thực hiện được" .

Có nhiều nghiên cứu đang trong giai đoạn thực hiện đã bị đình chỉ do các công ty không cấp phép sử dụng hạt giống GMO. Một số nhà khoa học còn bị kiện hoặc mất việc sau khi công bố kết quả nghiên cứu, do áp lực từ phía các công ty vốn đổ rất nhiều tiền vào tài trợ và có chân rết ở khắp nơi, từ các tạp chí khoa học uy tín cho đến cơ quan công quyền.

Trong khi đó các công ty với thế mạnh về tài chính cũng không ngừng đổ tiền vào các viện nghiên cứu và trường đại học, lại càng làm cho con số các nghiên cứu độc lập càng trở nên nhỏ bé và các nghiên cứu có phần bị "bóp méo" có lợi cho các công ty cũng ngày càng tăng lên (Ở đây tôi không có ý cho rằng cứ nhận tiền tài trợ của các doanh nghiệp thì nghiên cứu không còn tính độc lập nữa, nhưng nhìn chung là sẽ bị ảnh hưởng - HKH).

Chúng ta không phủ nhận khoa học nhưng phải nhìn nhận một thực tế rằng trong vấn đề GMO và cụ thể là nghiên cứu về tính an toàn của GMO thì khoa học có những hạn chế nhất định, nếu không nói rằng gần như là đã bị "khống chế" bởi các công ty CNSH. Do đó chúng ta cần thận trọng khi dựa trên các nghiên cứu khoa học khi đánh giá về tính an toàn của GMO. Con số không nói sai sự thật nhưng những người sử dụng con số ấy thì rất có thể.

Một hạn chế nữa đối với các nghiên cứu về tính an toàn của GMO xuất phát từ việc GMO không bị dán nhãn ở Mỹ, do đó rất khó để phân tách được đâu là ảnh hưởng do ăn thực phẩm biến đổi gen do chúng lẫn với các sản phẩm thông thường khác.

Các nghiên cứu hiện tại cũng chủ yếu dừng ở mức độ ngắn hạn (thí nghiệm 90 ngày trên chuột) chứ gần như chưa có một nghiên cứu nào đánh giá tác động của việc sử dụng GMO trong dài hạn đối với người.

Tuy vậy, một vài con số thống kê gần đây ở Mỹ cho thấy tỉ lệ số người bị dị ứng thực phẩm, tự kỉ, ung thư và một số bệnh mãn tính liên quan tới thận, cao huyết áp… tăng song song với lượng glyphosate sử dụng trong thuốc trừ sâu RoundupReady dùng cho ngô và đậu tương trong suốt 20 năm qua.

biến đổi gen, thực phẩm, sinh vật, GMO, cấp phép, giống ngô, Việt Nam, Mỹ, kinh nghiệm, bài học
Biểu đồ so sánh mức độ sử dụng glyphosate cho ngô và đậu tương và số trẻ em (6-21 tuổi) mắc bệnh tự kỉ

Liệu GMO có phải là căn nguyên gây ra các bệnh này hay không? Chúng ta cần thời gian để trả lời, nghiên cứu cũng cần thời gian và đủ số liệu đáng tin cậy để đưa ra kết luận, nhưng những con số này rất đáng để chúng ta suy nghĩ khi mà sự thật vẫn còn nằm ở đâu đó trong tương lai.

(còn tiếp)

Theo Hoàng Khánh Hòa - VietNamNet

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X