Hotline 24/7
08983-08983

Kinh hoàng nạn cướp thận ở Nepal

Nhu cầu thay thận quá cai khiến các băng đảng tội phạm hoạt động liều lĩnh hơn. Bài điều tra trên CNN ngày 26/6 đã bóc trần nạn “cướp thận” ở Nepal.

* Sức khỏe Nawaraj Pariyar nay đang yếu dần khi tuổi càng cao * Những người đàn ông bị cướp thận ở Nepal Ảnh trích từ video của CNN
* Sức khỏe Nawaraj Pariyar nay đang yếu dần khi tuổi càng cao * Những người đàn ông bị cướp thận ở Nepal Ảnh trích từ video của CNN

Theo ước tính của Tổ chức Minh bạch tài chính toàn cầu, hiện mỗi năm có đến 7.000 quả thận được mua bán trên thị trường chợ đen. Buôn lậu nội tạng là phạm pháp, nhưng ngành kinh doanh siêu lợi nhuận này vẫn thu hút các băng nhóm vì đem đến lợi nhuận từ 514 triệu đến 1 tỉ USD mỗi năm.

“Thịt sẽ lành lại”

Ngân hàng thận

Kavre, một huyện nhỏ nằm gần thủ đô Kathmandu, được mệnh danh là “ngân hàng thận của Nepal” bởi nguồn thận cung cấp cho những bệnh nhân trên khắp Nepal hơn 20 năm qua chủ yếu từ người dân nghèo ở các làng thuộc huyện này.

Diễn đàn bảo vệ quyền con người ở Nepal cho biết trong năm năm gần đây, chỉ tính riêng huyện Kavre đã có hơn 300 người trở thành nạn nhân của bọn buôn lậu nội tạng. Tuy nhiên, một số chuyên gia khẳng định con số thực tế còn cao hơn.



Nawaraj Pariyar là một trong nhiều nạn nhân Nepal bị bọn buôn lậu nội tạng cướp thận. Giống như nhiều thanh niên khác ở huyện Kavre, Pariyar kiếm sống bằng nghề bán sữa bò và làm công việc thời vụ cho các nông trại quanh vùng. Nghèo và ít học, tài sản chỉ có hai con bò sữa, một căn nhà nhỏ và ít đất trồng trọt, Pariyar thường lên thủ đô Kathmandu để làm phụ hồ.

Năm 2000, chàng thanh niên vạm vỡ Pariyar đang làm việc ở công trường thì quản đốc rỉ tai anh với lời đề nghị “nếu để bác sĩ cắt một tảng thịt từ cơ thể của anh sẽ được trả 30.000 USD”. Ông này dĩ nhiên không cho Pariyar biết “tảng thịt” đó chính là quả thận của anh.

“Ông ta nói rằng thịt sẽ lành lại. Lúc đó tôi nghĩ nếu thịt lành lại và được khoảng 30.000 USD, sao mình không thử nhỉ. Tôi có hỏi ông quản đốc là nếu mình chết thì sao, ông ta bảo đảm sẽ không có chuyện gì xảy ra. Ông ta còn cho tôi ăn ngon, mặc đẹp và đưa tôi đi xem phim” - Pariyar kể lại.

Sau đó, người quản đốc này đưa Pariyar đến một bệnh viện ở Chennai, bang miền nam của Ấn Độ. Tại đây, những kẻ buôn lậu đã đặt cho Pariyar một tên giả và thông báo với bệnh viện anh là người thân của bệnh nhân cần ghép thận.

“Bọn buôn lậu thận đã chuẩn bị sẵn một bộ hồ sơ nhân thân giả cho tôi. Các bác sĩ ở bệnh viện này hỏi tôi có phải là em trai của bệnh nhân hay không. Lúc đó vì nghe lời dụ dỗ của bọn buôn lậu, tôi đã nói dối mình đúng là em trai của bệnh nhân. Tôi nghe họ nhiều lần nói đến chữ “thận” nhưng lúc đó tôi có biết “thận” là cái gì đâu” - Pariyar nhớ lại.

Pariyar nói vì không biết tiếng Ấn Độ nên anh không thể hiểu nội dung đối thoại giữa bọn buôn lậu và êkip y tế thực hiện ca mổ. Sau khi bị lấy mất thận, Pariyar bị bọn buôn lậu đưa về và chỉ đưa 20.000 rupee (206 USD) với lời hứa anh sẽ nhận được phần còn lại khi về tới quê nhà. Nhưng Pariyar không nhận thêm được đồng nào và cũng không bao giờ tìm thấy bọn người mất nhân tính trên.

Về đến Nepal, Pariyar đi bệnh viện mới biết mình đã bị cắt mất một quả thận. Sức khỏe anh hiện rất xấu và ngày càng tồi tệ. Pariyar chỉ là một trong rất nhiều trường hợp ở Kavre bị cướp thận mà không hề hay biết.

Lỗ hổng pháp luật

Các băng nhóm buôn lậu nội tạng hoạt động rất tinh vi và chặt chẽ. Chúng phân cho các chân rết chịu trách nhiệm từng công đoạn rõ ràng để đưa con mồi vào tròng. Trước hết sẽ có một người tiếp cận nạn nhân, một người khác chịu trách nhiệm lập hồ sơ giả “hiến tạng” và một chân rết khác đưa nạn nhân đến nơi để cắt thận.

Thông thường chúng không cướp thận của nạn nhân ở Nepal mà đưa họ qua biên giới Ấn Độ để hành động. Rajendra Ghimire, giám đốc Diễn đàn bảo vệ quyền con người ở Nepal, khẳng định chính những lỗ hổng trong việc kiểm tra nhân thân người hiến tạng ở các bệnh viện tại Ấn Độ đã tạo kẽ hở cho bọn buôn lậu thận người đưa nạn nhân sang đây và cắt thận của họ.

Trước khi phẫu thuật ghép thận, các bệnh viện ở Ấn Độ chỉ yêu cầu người cho thận viết giấy cam kết không kiện tụng, một lá thư do đại sứ quán của Nepal ở New Delhi xác nhận người cho thận là người thân của bệnh nhân.

Tuy nhiên, họ lại không đòi hình ảnh chứng minh người hiến thận và người được cho thận là quan hệ ruột thịt với nhau. Chính sự lỏng lẻo này đã tạo điều kiện cho bọn buôn lậu thận người hoành hành vì những loại giấy tờ này đều có thể làm giả dễ dàng.


AloBacsi.vn
Theo Mỹ Loan - Tuổi trẻ

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X