Hotline 24/7
08983-08983

"Không gây hậu quả cho VietinBank, sao bị xử lý hình sự?"

Đây là ý kiến luật sư Phan Hồng Việt, bào chữa cho bị cáo Đoàn Lê Du (17 năm tù, nguyên trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ, VietinBank chi nhánh TP.HCM).

Bị cáo Huỳnh Thị Huyền Như tại tòa - Ảnh: Thuận Thắng

Quyết định 069 không phải là văn bản quy phạm pháp luật?

Luật sư Việt cho rằng căn cứ để buộc tội đối với Đoàn Lê Du là vi phạm quyết định 069 của Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) bởi quyết định này không phải là một văn bản quy phạm pháp luật mà chỉ là văn bản hướng dẫn nghiệp vụ ngân hàng.

“Điều 2 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật có 12 khoản cho thấy không còn có quyết định, quy định, quy chế, hướng dẫn của Ngân hàng nhà nước. Bởi vậy từ ngày 1/1/2009 các văn bản, quy định, quyết định của Ngân hàng Nhà nước không thể coi là văn bản qui phạm pháp luật.

VietinBank là ngân hàng thương mại, không phải là cơ quan nhà nước có thẩm quyền nên không thể coi quyết định 069 là văn bản pháp quy, vậy nên văn bản này không phải là VB quy phạm  pháp luật nên không thể làm căn cứ để kết Du bị kết tội theo điểm c, khoản 1 điều 179 Bộ luật Hình sự”, luật sư Việt lập luận.

Theo luật sư Việt, Quyết định 069 ra đời ngày 25/1/2010 trước Luật các tổ chức tín dụng (ra đời ngày 16/6/2010) nên không phải VietinBank căn cứ vào Luật các Tổ chức tín dụng để ban hành quyết định 069, và thực chất quyết định 069 chỉ là văn bản hướng dẫn nghiệp vụ.

Ngoài ra, luật sư cũng cho rằng không có quy định nào của pháp luật cho thấy, nếu cho vay không có mặt người vay thì bị xử lý trách nhiệm, nhất là hình sự.

Do đó, việc vi phạm quyết định 069 không thể coi là vi phạm quy định cho vay, giống như kết luận tại bản án sơ thẩm, cùng lắm chỉ xử lý về mặt hành chính như kỷ luật.

Luật sư Việt cũng nói bản án sơ thẩm còn nhập nhằng, chưa rõ ràng, nếu khi chưa có quy định pháp luật thì chỉ có thể xử lý bị cáo  phía cho vay không bảo đảm, vậy nên không thể vi phạm điều 179 Bộ luật Hình sự.

Không có hậu quả, sao bị buộc tội?

Đây là câu hỏi của Luật sư Việt, bởi luật sư này cho rằng, bản án sơ thẩm, lời khai của bị cáo Như, xác nhận của đại diện VietinBank tại phiên tòa phúc thẩm cho thấy VietinBank chi nhánh TP.HCM và phòng giao dịch Điện Biên Phủ không bị thiệt hại gì, chỉ có 2 ngân hàng là NaviBank và ACB là bị thiệt hại.

Luật sư Việt đặt câu hỏi với Hội đồng xét xử (HĐXX): “Nếu VietinBank không xảy ra hậu quả, không mất tiền thì tại sao các nhân viên của phòng giao dịch Điện Biên Phủ lại bị buộc tội?”.

Theo đó, bản án sơ thẩm tuyên Huỳnh Thị Huyền Như phải hoàn trả tiền cho các nguyên đơn và bị hại, và VietinBank cũng không chịu trách nhiệm, như vậy dù có lỗi cố ý về hành vi thì cũng chỉ là lỗi giữa ACB và NaviBank.

Luật sư Việt cũng đưa ra dẫn chứng cho thấy sau khi bản án sơ thẩm được tuyên, chủ tịch Hội đồng quản trị VietinBank đã có văn bản chính thức đề nghị Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM và Viện phúc thẩm 3, Viện KSND Tối cao tại TP.HCM xem xét lại tội danh của các bị cáo tại phòng giao dịch Điện Biên Phủ và Đinh Tiên Hoàng, bởi những nhân viên này chỉ thiếu sót trong quá trình làm việc.

Luật sư Việt đề nghị HĐXX xem xét hủy phần tội danh đối với bị cáo Du, trả hồ sơ để điều tra xét xử lại để không làm oan người vô tội.

Ngoài phần bào chữa cho bị cáo Đoàn Lê Du, sáng 27/12, các luật sư bào chữa cho bị cáo Vũ Nguyễn Xuân Tiên, Huỳnh Trung Chí cũng đã có bài bào chữa cho các bị cáo này. Theo đó, các luật sư đề nghị HĐXX tuyên bị cáo Tiên vô tội hoặc hủy án điều tra lại, bị cáo Chí không vi phạm quy định về cho vay.

Hành vi vi phạm quy định về cho vay của các tổ chức tín dụng của Đoàn Lê Du, Trưởng Phòng giao dịch Đinh Tiên Hoàng

Đoàn Lê Du là trưởng phòng giao dịch Đinh Tiên Hoàng thuộc VietinBank chi nhánh TP.HCM. Từ ngày 13-5-2011 đến tháng 10-2011, khi được Huỳnh Thị Huyền Như đặt vấn đề giải quyết cho khách hàng của Như vay tiền tại đây, thế chấp bằng thẻ tiết kiệm gửi tiền tại Vietinbank chi nhánh TP.HCM, nhưng khách hàng không có mặt do bận, đề nghị cho vay trước rồi bổ sung thủ tục hồ sơ sau.

Đoàn Lê Du đã chỉ đạo nhân viên Phòng giao dịch lập 51 hồ sơ tín dụng cho vay đứng tên 16 cá nhân vay tổng cộng 239,94 tỷ đồng; thế chấp bằng 37 thẻ tiết kiệm mang tên 12 cá nhân là nhân viên Ngân hàng ACB và NaviBank có tiền gửi tại Vietinbank chi nhánh TP.HCM.

Tài liệu điều tra xác định 37 thẻ tiết kiệm mang tên 12 cá nhân là ký hợp đồng tiền gửi tại Vietinbank chi nhánh TP.HCM nhưng không nhận các thẻ tiết kiệm, mục đích dùng thế chấp vay tiền tại Phòng giao dịch Đinh Tiên Hoàng.

10 cá nhân đứng tên vay tiền và 12 người đứng tên tài sản bảo lãnh đều không làm thủ tục vay tiền và bảo lãnh việc vay tiền nêu trên tại Phòng giao dịch Đinh Tiên Hoàng; chữ ký của những người này trên các Hợp đồng tín dụng là do Như tự ký giả.

Hành vi của Đoàn Lê Du chỉ đạo việc cho vay không có mặt khách hàng vay; người có tài sản bảo lãnh đã vi phạm quy định tại Hướng dẫn cho vay tiêu dùng có bảo đảm bằng số dư tiền gửi, sổ/thẻ tiết kiệm, giấy tờ có giá; được ban hành theo Quyết định số 069/QĐ-NHCT19 ngày 25/1/2010 của Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam dẫn đến việc Như thực hiện trót lọt việc lừa đảo chiếm đoạt được 239,94 tỷ đồng.


Theo Hoàng Điệp - Tuổi trẻ

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X