Hotline 24/7
08983-08983

Không có lý do để dừng tiêm vắc xin Quinvaxem

Ngày 29/11, tại Đà Nẵng, Bộ Y tế đã phối hợp với WHO, Quỹ nhi đồng Liên hiệp quốc (Unicef) tổ chức hội thảo với cơ quan báo chí về truyền thông trong công tác tiêm chủng.

Hội thảo đã đánh giá những thành tựu và tồn tại sau 28 năm thực hiện chương trình tiêm chủng mở rộng tại Việt Nam. Ngoài ra, tại hội thảo, các chuyên gia của Bộ Y tế, Tổ chức Y tế thế giới khẳng định: những trường hợp trẻ em tử vong tại Việt Nam thời gian qua “không liên quan đến vắc xin” và “không có lý do để dừng tiêm vắc xin Quinvaxem”.


GS Nguyễn Trần Hiển phát biểu tại hội thảo

Cứu sống 42.900 trẻ nhờ tiêm chủng mở rộng

Cục Y tế dự phòng cho biết, sau 28 năm thực hiện chương trình tiêm chủng mở rộng, Tổ chức Y tế thế giới đánh giá Việt Nam là quốc gia điểm sáng về tiêm chủng, sớm đạt mục tiêu thiên niên kỷ về chăm sóc sức khỏe trẻ em.

Từ 6 loại vắc xin ban đầu, đến nay Việt Nam đang triển khai tiêm miễn phí 11 loại vắc xin phòng chống các loại bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho trẻ em và phụ nữ như: Lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, sởi, bại liệt, viêm gan B, viêm phổi/viêm màng não mủ do Hib, viêm não Nhật Bản B, tả, thương hàn.

Sau 28 năm triển khai chương trình tiêm chủng mở rộng, 6,7 triệu trẻ em được tiêm vắc xin miễn phí, 42.900 trẻ em được cứu sống nhờ tiêm chủng. Tỉ lệ trẻ em dưới 5 tuổi tử vong giảm đáng kể trong vòng 20 năm qua, từ mức 51,2%o năm 1990 xuống 23%o năm 2011, tỉ lệ trẻ em dưới 1 tuổi tử vong giảm từ 23%o năm 1990 xuống còn 12%o năm 2011. Hiện nay, mỗi năm có 1,7 triệu trẻ em, chiếm 96% được tiêm chủng.


GS Nguyễn Trần Hiển, Trưởng Ban quản lý Dự án tiêm chủng mở rộng, cho biết chương trình tiêm chủng mở rộng được đánh giá "rất hiệu quả”.

“Việt Nam là một trong những nước đầu tiên ở châu Á thanh toán bệnh bại liệt vào năm 2000, loại trừ bệnh uốn ván sơ sinh vào năm 2005. Nhiều bệnh khác như sởi, viêm gan đã giảm đáng kể. Việt Nam tự sản xuất được 10/11 loại vắc xin cho chương trình tiêm chủng mở rộng, nhằm chủ động đảm bảo nguồn vắc xin phục vụ chương trình”, ông Hiển đánh giá.

Trẻ tử vong sau tiêm chủng, vắc xin vô can

Tại hội thảo, ông Nguyễn Trần Hiển cho biết, mỗi năm ở Việt Nam có khoảng 10 - 15 trường hợp tử vong sau khi tiêm vắc xin.

Tuy nhiên, ông Hiển khẳng định kết quả điều tra của ngành y tế cho thấy không có bằng chứng liên quan giữa các trường hợp tử vong với chất lượng vắc xin.

Ông dẫn chứng trường hợp cháu bé tử vong sau tiêm vắc xin Quinvaxem ở Bạc Liêu là do sốc phản vệ. Lô vắc xin đó tiêm cho 250.000 trẻ khác thì không gặp vấn đề.

Theo ông Hiển, trẻ tử vong do nguyên nhân khác, không phải do vắc xin hoặc do sai sót tiêm chủng. Ông khẳng định: “Nếu tiêm vắc xin không được bảo quản đúng điều kiện thì tiêm vào cũng không dẫn đến tử vong, tiêm không đúng vị trí trên cơ thể cũng không dẫn đến tử vong”.

Quang cảnh buổi hội thảo

Theo BS Trần Minh Như Nguyện, Đại diện tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam, không có loại vắc xin nào hiệu quả 100% và không có vắc xin nào an toàn 100%.

Tỉ lệ trẻ tử vong sau tiêm chủng ở Việt Nam tương đương với mức trung bình của thế giới.Theo BS Nguyện, việc nhập khẩu vắc xin ở Việt Nam được theo dõi, quản lý chặt chẽ, an toàn. Hệ thống vận chuyển, bảo quản đến cơ sở tiêm chủng cũng được trang bị hiện đại, đảm bảo chất lượng đến tận cơ sở.

Ông Nguyễn Trần Hiển cho biết, việc thay thế vắc xin Quinvaxem trong chương trình tiêm chủng mở rộng rất khó thực hiện vì kinh phí rất lớn.

Hiện có khoảng 90 nước trên thế giới vẫn sử dụng loại vắc xin này. “Một số nước không sử dụng Quinvaxem nữa do họ có điều kiện kinh tế tốt.

Tỉ lệ phản ứng nặng sau tiêm là 0,17/1 triệu, thấp hơn so với loại vắc xin tương tự sử dụng trước đó, đặc biệt khi VN sử dụng tới 4,5 triệu liều Quinvaxem/năm. Dần dần khi kinh tế phát triển sẽ thay thế vắc xin an toàn hơn nhưng ở thời điểm này không có lý do gì để dừng tiêm vắc xin Quinvaxem”, ông Hiển nói.

AloBacsi.vn
Theo Đình Thức - Phụ Nữ Online

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X