Hotline 24/7
08983-08983

Khi tàu điện nhanh hơn cả máy bay

Khi chiếc Shinkansen phá kỷ lục về đường sắt tốc độ cao khai trương vào năm 1964, nước Nhật trở nên danh chấn thế giới. Liệu tiếng tăm ấy có quay lại với Nhật với con tàu Maglev siêu nhanh.


Năm 1964 cũng là năm Tokyo tổ chức Thế vận hội mùa hè, nước Nhật càng có lý do rộn ràng hơn để khai trương con tàu cao tốc thương mại đầu tiên trên thế giới.

Vào năm 2020, thủ đô Tokyo sẽ lại tổ chức Thế vận hội mùa hè và nếu bạn đã từng trải qua cảm giác lần trước, lần này người Nhật lại rộn ràng với không khí phá kỷ lục tốc độ đường sắt một lần nữa.

Chiếc tàu siêu tốc Maglev của Nhật trở thành con tàu nhanh nhất thế giới sau khi chạy đạt vận tốc 603km/giờ trong một lần chạy thử nghiệm gần núi Phú Sĩ hồi năm ngoái, phá kỷ lục của chính nó vào tuần trước đó với vận tốc 590km/giờ.

Những con tàu Maglev - đã hoạt động với tốc độ chậm hơn ở Thượng Hải bên Trung Quốc, và ở Incheon bên Hàn Quốc - sử dụng lực từ để nâng con tàu lên khỏi mặt đất nhằm giảm ma sát, đồng thời đẩy nó tới trước. Maglev của Nhật có lẽ là sự đổi mới táo bạo nhất trong lĩnh vực đường sắt của Nhật Bản.

Rút ngắn chuyến đi dài

Tuyến Maglev Chuo Shinkansen sẽ nối Đông Kinh với thành phố Nagoya ở phía nam trong vòng 40 phút - rõ ràng có thể nói là chuyến đi còn nhanh hơn cả đi máy bay, chưa kể thời gian phải di chuyển tới sân bay và người ta đang có các kế hoạch nối tuyến đến tận Osaka. Con tàu 16 toa sẽ đưa đón 1.000 hành khách trên tuyến đường 256km.

Tomoaki Seki, một người làm quản lý tại công ty Đường sắt trung tâm Nhật Bản, người chịu trách nhiệm phát triển tuyến đường Maglev, cho biết công ty đã thử nghiệm con tàu từ năm 1997.

Vào thời điểm khai trương tuyến đường sắt năm 2027, dịch vụ này đã mất 30 năm cải tiến. Tại sao xây dựng tuyến đường sắt phải mất thời gian lâu như vậy?

Trong một cuộc chạy thử nghiệm năm 1997, con tàu đạt đến tốc độ 550km/giờ, nhưng công ty cho rằng họ cần làm nhiều thử nghiệm hơn để đưa kỹ thuật đạt được các tiêu chuẩn an toàn cần thiết, và làm cho giá dịch vụ hiệu quả hơn.

“Chúng tôi đang cải tiến công nghệ và xác định những biện pháp để hạ chi phí vận hành, bảo trì và xây dựng,” Seki nói. “Nhiều người dân muốn có dịch vụ Maglev càng sớm càng tốt, nhưng việc xây dựng đòi hỏi thời gian”.

Thời điểm để “ta đây” Nhật Bản

Vậy thì, đường sắt sẽ đột phá như thế nào vào kỳ Thế vận hội 2020 so với con tàu hình viên đạn được ra mắt hồi Thế vận hội 1964 tại Tokyo?

Nói gì nói, cả hai đều là các động thái mang tính chính trị. Đường sắt cao tốc đầu tiên của Nhật Bản từ Tokyo đi Osaka chỉ được xây dựng hoàn toàn vì lợi ích cải thiện giao thông nội địa.

Đó cũng là cơ hội để Nhật Bản có thể qua mặt các nước phương Tây trong lĩnh vực kỹ thuật, sau khi nền kinh tế bị tàn phá đến kiệt quệ vào cuối Thế chiến 2. Chắc chắn là thế giới đã phải gờm.

Nước Pháp lật đật theo đuôi Nhật Bản với các bước xây dựng lắp đặt con tàu cao tốc viết tắt bằng tiếng Tây TGV vào những năm 1970, đạt kỷ lục về vận tốc vào năm 2007.

Tàu nhanh Intercity-Express khởi đầu dịch vụ ở Đức vào năm 1985, vẫn còn đang hoạt động giữa các đô thị lớn trong nước; những con tàu này nằm trong số những tàu cao tốc nhanh nhất thế giới.

Với Nhật Bản hiện nay, nhu cầu phục hồi danh tiếng tiên phong trong ngành đường sắt cao tốc hết sức quan trọng.

Với kỷ lục thế giới qua tên gọi, Maglev - mặc dầu phải đến năm 2027 mới hoạt động – sẽ báo hiệu một kỷ nguyên mới của kỹ thuật Nhật Bản. Thế vận hội 2020 là cơ hội hoàn hảo để đánh bóng thành tựu này trước thế giới.

Nó cũng sẽ đem lại những hậu quả về kinh tế. Nhật đang tìm cách để bán công nghệ lại cho Mỹ, Seki cho biết.

“Thủ tướng Nhật Shinzo Abe là một fan lớn của dự án này. Ông đang gợi ý một tuyến đường từ Boston đến New York, [với tốc độ] tương đương với Tokyo đi Nagoya”.

Xuôi chèo mát mái

Cũng như tốc độ, Nhật Bản còn nổi tiếng thế giới về sự an toàn không có gì để tranh cãi. Những con tàu cao tốc của nước này lập kỷ lục về tai nạn - dẫn đến thương vong hoặc tử vong nghiêm trọng trong vòng sáu thập kỷ.

Seki cho biết những người được mời tham gia chạy tàu Maglev thử đã phản hồi hết sức tích cực, những người lái tàu nhận định tàu chạy “rất trơn tru”. Hành khách trên tàu Maglev và cư dân hai bên đường tàu không phải lo lắng về ô nhiễm tiếng ồn, vì các quy định tiếng ồn ở Nhật rất nghiêm.

“Chúng tôi đang xây dựng một cái  mui tròn quanh con tàu, tiếng ồn sẽ giảm đúng theo quy định,” Seki nói.

Phải đào sâu

“Để xây dựng Chuo Shinkansen, phải đào rất nhiều hầm”, Seki nói. Thay vì xây dựng xuyên qua các vùng núi, 85% đường tàu được xây sâu bên dưới đất.

Luật của Nhật thông qua năm 2001, quy định các hãng phát triển xây dựng các không gian ở dưới sâu
40m không phải mua đất ở phía trên nơi xây dựng.

“Hoàn thành tuyến đường Maglev này, tôi cho rằng chính phủ đang kỳ vọng kinh tế Nhật sẽ phát triển hơn. Con tàu rút ngắn thời gian di chuyển, kích thích sự di chuyển giữa các đô thị”, Seki nói.

“Điều đó sẽ làm thay đổi hoạt động kinh doanh và lối sống của người dân”.

Theo Khởi Thức - Thế giới tiếp thị/ CNN

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X