Hotline 24/7
08983-08983

Khi ông thầy trồng rau sạch bị hành

Cơ sở sản xuất của ông thầy giáo Phong không được phép ghi chữ sạch khi xin giấy phép thành lập, không được ghi FARM vì sử dụng tiếng Anh dù thầy đã “rát họng” giải thích.

Thầy Phong quyết trồng rau sạch, trước nhất là để bảo vệ người thân của mình. Ảnh: Hoàng Lan.

“Đừng để chết thèm trước khi chết thiệt! Cái nào ăn được cứ ăn. Bây giờ mà nói kiểu đó là ‘giỡn mặt’ với tử thần”, ông Nguyễn Văn Phong, vốn là một thầy giáo, người thực hiện thành công mô hình thuỷ canh và sẵn sàng chia sẻ với cộng đồng ở Cần Thơ, hiểu điều này theo kiểu phải hành động để bảo vệ người thân của mình, nhưng chưa đủ…

Lần đầu tiên, tháp rau thuỷ canh của thầy Phong trưng bày tại diễn đàn Mekong Connect - CEO Forum 2016, ông bắt gặp nhu cầu “vô cùng lớn”, thế là hẹn với mọi người ngày 20/11 tới sẽ là ngày mở cửa trang trại thuỷ canh để mọi người có lòng tin mắt thấy tai nghe.

Ít nhất mười năm thực hành vườn rau sạch, thầy Phong bắt đầu làm rau thuỷ canh hơn một năm nay và tiếp tục chia sẻ với các nông dân chân đất lẫn nông dân “sân thượng” năm mô hình trồng rau, trái trong nhà kính, nhà lưới, giá thể trong bọc, ngoài trời, thuỷ canh… theo triết lý tối giản “trồng như nhà mình ăn”.

Nông sản thực phẩm không thể làm một sớm một chiều. Theo thầy Phong thì phải “chậm mà chắc”.

Hôm nay có mười người khách cũng được, ngày mai thêm nữa, cả năm cũng được 100 khách, không cần gấp, ồ ạt quá dễ mất kiểm soát, phải bảo đảm bây giờ công thức này tốt, ngày mai phải tốt hơn.

Quê ở Đồng Tháp, ông Phong từng xây dựng mô hình nuôi heo rừng, từng nuôi hy vọng xây dựng một nông trại trồng rau củ quả ở Hòn Đất…

Đến khi lập gia đình ở Cần Thơ, ông Phong nuôi ý tưởng biến những điều nói trong sách vở thành cái gì đó có thực, “nói được, làm được” với những môn sinh theo học tại trung tâm giáo dục thường xuyên Bình Thuỷ, TP Cần Thơ.

“Làm nông nghiệp không thể một lúc là thành công mà phải thực hành, trải nghiệm”, ông nói một cách tự an ủi khi nhắc về trải nghiệm để làm chủ kỹ thuật, làm chủ công thức dinh dưỡng đúng cách cho khoảng 20 loại rau trái, nếu tính cả tiền thuê đất, làm nhà kính đã ngốn non 1 tỉ đồng. Đó là học phí làm nông của ông.

Tốn kém và đầy thử thách, nhưng thầy Phong vẫn “máu lửa” khi nói rằng sắp tới hợp tác với các bạn bè ở viện Công nghệ sinh học làm một khu nhà kính vi khí hậu “Đà Lạt thu nhỏ” để trồng những loại rau ôn đới.

Vẫn mới chỉ một vài điểm bán rau, heo rừng, gà vườn cho người dùng, chưa có kế hoạch bán cho người mua đi bán lại vì không thể kiểm soát được số lượng bán của họ.

Thầy Phong cho biết ngoài nông trại rau, việc xây dựng nông trại nuôi heo rừng rặt giống, quy mô 1.600 con/năm, định hướng phát triển từ con giống tới sản phẩm thương mại (cung cấp 100 con/tháng) đang dẫn ông tới nhu cầu chia sẻ kinh nghiệm và cơ hội cho những nông hộ liên kết phát triển heo, gà giống bản địa.

Tới nay, cơ sở có thể nhận đơn đặt hàng “đặt bao nhiêu làm bấy nhiêu, nhưng chưa đặt ra mục tiêu lợi nhuận ngay, chỉ muốn chứng minh hiệu quả tăng sinh khối xoay vòng khi nông trại phát triển theo chiều đứng, kiểm soát chất lượng từ đầu vào tới đầu ra”.

Ông Phong tự tìm tới các hợp tác xã (HTX) trồng rau an toàn của thành phố, đưa ra ý tưởng và mời các HTX cùng thực hiện mô hình trồng rau sạch: mô hình thuỷ canh màng mỏng làm ba tầng, mỗi tầng 3m2, không chỉ tăng sinh khối mà còn trang trí, làm đẹp không gian sống. 1m2 thuỷ canh trồng xàlách, chỉ 180 - 200g hạt, thu hoạch 7 - 10 ký rau.

Mỗi năm làm 14 vụ chứ không phải hai vụ như thổ canh. Một giàn rau thuỷ canh rộng  9m2, mỗi năm  làm ra 1,2 tấn rau muống.

Trồng nhiều tầng hơn, mật độ dày hơn, có thể làm được hết. Còn rau mùi? “Đã trồng rồi! Năng suất cao, tinh dầu rất tốt”.

Dù vậy, có nông dân tham quan xong “phán” liền: “mô hình này không làm được. Vì đây là công nghệ cao”. Có thật như thế?

“Công nghệ cao tại đây chính là cân đong đo đếm được nhu cầu của cây trồng, cho ăn đúng và đủ nhu cầu dinh dưỡng, tiết kiệm chi phí. Trồng theo cách này, nếu lấy sản phẩm xét nghiệm, có dư lượng tôi sẽ bồi thường”, thầy Phong nói.

Nhưng điều đó cũng cho thấy làm hàng sạch sao phải chứng minh quá nhiều (đăng ký sản xuất, thử mẫu, mô tả quy trình), phải đi thuê nước ngoài chứng nhận, phải tiếp đoàn kiểm tra…

Cơ sở sản xuất của ông thầy giáo Phong không được phép ghi chữ sạch khi xin giấy phép thành lập, không được ghi FARM vì sử dụng tiếng Anh dù thầy đã “rát họng” giải thích chỉ là tên giao dịch trên giấy phép thành lập cơ sở, còn tất cả sản phẩm đều phải xét nghiệm theo đúng quy định mới được chào bán ngoài thị trường.

Vậy mà người có quyền cấp giấy phép nói: cứ đi làm xét nghiệm đi rồi mang giấy lại đây cấp giấy phép. Họ nói mà không cần biết trong đầu người khởi nghiệp nghĩ gì.

“Khởi đầu không suôn sẻ, nhưng phải chấp nhận. Nếu không thì phải đi tìm chỗ khác đầu tư. Cần Thơ không được thì qua Đồng Tháp, chứ không thể không làm. Làm cả đời mình, không làm được thì đời con sẽ làm”, ông Phong nói suy nghĩ lúc đó.

Theo Hoàng Lan - Thế giới tiếp thị

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X