Hotline 24/7
08983-08983

Khi ngư dân đặt tên Năn, Nỉ, Nguyện, Cầu…

Câu chuyện “Khi ngư dân đặt tên Năn Nỉ Cầu Nguyện” kể về gia đình một ngư dân có chồng đi biển mà người vợ ở nhà mãi cầu nguyện.

Trong khi “Má ơi má, con về đây má ơi!” đúng mùa Vu lan, là mùa “bông hồng cài áo” hầu tưởng những người đã cho ta một quê hương để trở về trong tình thương mà đứa con nào cũng hằng khát.

Hết bị bão lốc đánh đắm, đến bị phía Malaysia tịch thu (do vi phạm vùng biển của họ), rồi bị Trung Quốc đâm chìm… ngư dân Võ Văn Lựu đã trắng tay, không còn nổi một chiếc thúng chai. Ảnh minh họa.

Trưa ngày 9/7/2016, tàu cá QNg 90479 của ngư dân Võ Văn Lựu trong khi đang đánh bắt, đã bị hai tàu Trung Quốc quây lại đâm chìm mất dấu giữa vùng biển Hoàng Sa.

Cả năm ngư dân vật lộn giữa sóng lớn, kêu cứu. Chiếc tàu cá cùng làng chài Bình Châu, Bình Sơn (Quảng Ngãi) với họ ở gần đó muốn lao tới cứu vớt, nhưng bị tàu Trung Quốc quyết liệt chặn đuổi không cho cứu.

Mãi đến khi trời tối, lính Trung Quốc bỏ đi, những ngư dân mới được kéo lên.

Những con người từ thân thể tới linh hồn đã lạnh ngắt, lạnh toát khi bị bàn tay thần chết vờn đuổi, vầy vò suốt hàng chục tiếng đồng hồ…

Năm con người mang thân phận ngư dân ấy, là người một nhà. Người lớn nhất 72 tuổi. Hai con trai của ông, một là thuyền trưởng Lựu, một là thuyền viên.

Nhỏ tuổi nhất là con trai thuyền trưởng, cháu nội ông lão – cậu học trò Võ Văn Cầu vừa học qua lớp 10 đang nghỉ hè. Người thứ năm trên chuyến tàu định mệnh là con rể của thuyền trưởng, đang là một thầy giáo.

Ông lão 72, cùng hai anh em - thầy trò kia là những ngư dân bất đắc dĩ, khi làng biển không còn bóng ngư dân…

Ở nhà, vợ con thuyền trưởng Lựu đứng ngồi thắt thẻo ruột gan. Nhà sáu đứa con, bốn gái hai trai, thì tên của mẹ và tên của các con bỗng được sắp xếp như một lời khấn nguyện: Năn(g) - Nỉ - Cầu - Nguyện - Niềm - Nở.

Lấy chồng ngư dân, đẻ sáu đứa con, thì bà Nguyễn Thị Năng cả sáu lần một mình vượt cạn. Và gần một đời bám biển khơi, cũng vừa tròn sáu lần vợ chồng bà mất tàu, trắng tay.

Hết bị bão lốc đánh đắm, đến bị phía Malaysia tịch thu (do “vi phạm” vùng biển của họ), rồi bị Trung Quốc đâm chìm…

Hôm qua, tôi gọi lại cho người vợ ngư dân có gương mặt phúc hậu ấy. Tôi hỏi rằm Vu lan này, gia đình có dâng lễ cầu nguyện thần Nam Hải, xin ơn trên thần linh phù trợ cho bớt khổ nạn với nghiệp biển không?

Giọng bà Năng đượm buồn. Bà bảo không biết nơi khác sao, chứ dân biển miền Trung như quê bà không kiêng cữ gì tháng 7 âm lịch. Ngư dân không có tháng xấu tháng tốt, mà chỉ có thời tiết và con người tốt hay xấu thôi.

Như những kẻ cướp vừa đâm chìm tàu, vừa muốn giết hết ngư dân. Chứ năm nào cũng vậy, qua tết cho đến hết năm, những người đàn ông như chồng bà ở suốt ngoài khơi, vợ đẻ con về bồng trên tay mấy bữa lại đi tiếp.

“Cứ năn nỉ cầu nguyện hoài, ông trời vẫn chưa thương” - người đàn bà làng biển Gành Cả - Bình Châu thở dài. Chồng bà suốt mấy tháng nay phải nằm nhà dù đang giữa mùa đánh bắt, biển lặng cá nhiều. Không phải sợ bị đánh bị đâm.

Mà vì “kình biển” Võ Văn Lựu đã trắng tay, không còn nổi một chiếc thúng chai. Bà Năng bảo, chờ mãi chưa thấy phía bảo hiểm nói năng gì.

Tiền bảo hiểm nếu được đền sẽ khoảng trên 800 triệu, trong khi đóng mới chiếc tàu cá, bây giờ phải trên 3,5 tỷ rồi. Gần đây đóng cửa rừng, gỗ kh an hiếm hơn nên giá đóng tàu đắt lên mấy trăm triệu.

“Giờ không biết tính làm sao đây chú ơi…”, giọng người đàn bà Gành Cả chợt như lạc đi…

Tôi chợt nhớ Miếu Bà toạ lạc trên khu đất cao giáp biển Gành Cả linh thiêng. Nơi ấy, những người dân làng biển nghèo miền Trung trước bão tố, tai ương đã quỳ xuống nguyện cầu suốt trăm năm.

Tháng bảy Vu lan, nguyện cầu nào đây, cho người mẹ làng biển?

Theo Trần Tuấn - Thế giới tiếp thị

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X