Hotline 24/7
08983-08983

Khi các nguyên thủ uống nước, ăn cá để xử lý khủng hoảng môi trường

Sau khi thực hiện các biện pháp khoa học để giải quyết khủng hoảng, các nhà lãnh đạo thế giới còn trực tiếp sử dụng các sản phẩm để chứng minh và trấn an người dân.

Obama uống nước lọc ở Flint sau sự cố nước nhiễm chì

Cuộc khủng hoảng nước nhiễm chì ở thành phố Flint bắt đầu vào tháng 4/2014 khi bang Michigan quyết định tiết kiệm ngân sách bằng cách chuyển nguồn cung cấp nước cho Flint từ hồ Huron ở Detroit sang sông Flint, dòng sông chảy qua thành phố và nổi tiếng là nhiều rác.

Tháng 12/2015, Thị trưởng thành phố Flint, Karen Weaver, tuyên bố hệ thống cấp nước nhiễm chì. Vài tuần sau, thống đốc bang Michigan, Rick Snyder, triển khai lực lượng vệ binh quốc gia hỗ trợ phân phối nước đóng chai.

Tổng thống Obama uống nước lọc tại thành phố Flint sau sự cố nước nhiễm chì.

Khi tình trạng ô nhiễm nước chính thức được xác nhận, thành phố Flint bắt đầu thực hiện các giải pháp an toàn. Thành phố sử dụng lại nguồn nước hồ Huron, Detroit kể từ tháng 10/2015.

Tuy nhiên, đến giữa tháng 1/2016, khi những lo ngại về nước nhiễm chì vẫn chưa được giải quyết, Tổng thống Obama đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp về khủng hoảng nguồn nước tại thành phố Flint.

Chính quyền bang Michigan đã đồng ý chi 128 triệu USD để hỗ trợ thành phố Flint xử lý khủng hoảng nguồn nước. Một phần tiền sẽ được dùng để thay thế đường ống dẫn nước hiện nay bởi đó là một phần nguyên nhân khiến nước bị nhiễm chì.

Biện pháp được bổ sung trong khi chờ đợi thay thế xong đường ống dẫn nước là người dân dùng thêm máy lọc nước (bình thường nước ở Mỹ có thể uống luôn mà không cần đun hay dùng máy lọc).

Hôm 4/5/2016, khi đến thăm thành phố Flint, ông Obama đã uống một ly nước lọc tại đây để chứng minh rằng bằng việc áp dụng các biện pháp trên thì nước ở đây đã thực sự an toàn.

Ông cầm ly nước lọc lên vào nói: “Tôi muốn uống nước. Đây không phải là diễn”. Ông khẳng định: “Nếu người dân sử dụng thiết bị lọc nước, thì nước ở Flint vào thời điểm này là an toàn”.

Ông Obama cũng chỉ đạo các quan chức Flint tăng cường nỗ lực chống ngộ độc chì, tăng cường kiểm tra trẻ em có nguy cơ bị ngộ độc, nhanh chóng thay các đường ống dẫn nước.

Thủ tướng Nhật Bản ăn cá ở Fukushima

Hồi năm 2011, thảm họa động đất và sóng thần đã phá hủy nhà máy điện hạt nhân của tập đoàn Tokyo Electric Power Co (Tepco) đặt tại Fukushima, gây ra một trong những thảm họa môi trường tồi tệ nhất trong lịch sử nước này.

Ngay khi có sự cố xảy ra, Nhật Bản đã ngay lập tức áp dụng các biện pháp ngăn chặn rò rỉ phóng xạ và thanh lọc các nguồn nước, đồng thời áp dụng nhiều cách thức để làm sạch các nguồn lợi nông, lâm, ngư nghiệp quanh Fukushima.

Thủ tướng Nhật BảnShinzo Abe đã không ngần ngại ăn cá nướng ở Fukushima.

Nhiều hệ thống xử lý nước được xây dựng để giảm nồng độ phóng xạ của một số lượng lớn nước nhiễm xạ được cất trữ trong các bồn chứa. Chính phủ Nhật Bản cũng hỗ trợ dự án xây dựng một bức tường băng ngầm dưới lòng đất xung quanh nền móng của các nhà chứa lò phản ứng 1,2, 3 và 4 để ngăn nước ngầm chảy vào trong tòa nhà và nhiễm chất phóng xạ.

Dù vậy, Hàn Quốc và Trung Quốc vẫn cấm nhập khẩu các sản phẩm xuất xứ từ nhiều vùng quanh Fukushima.

Ngày 2/12/2014, trong chuyến thăm tới cảng cá Soma Haragama ở tỉnh Fukushima, ông Shinzo Abe đã không ngần ngại ăn cá nướng của địa phương trước đông đảo người dân. Hành động của ông đã mang đầy tính thuyết phục, thu hút được sự ủng hộ sâu sắc của người dân Fukushima.

Đến tháng 2/2015, ông Shinzo Abe còn mời Hoàng tử Anh William dùng các thực phẩm từ Fukushima.

Ngoài ông Shinzo Abe, tháng 9/2014, nữ Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Yuko Obuchi còn trực tiếp tới thăm Nhà máy điện hạt nhân Fukushima, thị sát trực tiếp tầng gác nhà chứa lò phản ứng số 4.

Hành động sát sao của giới chức Nhật Bản đã có tác động đáng kể trong việc làm an lòng dân chúng Nhật Bản nói riêng và người dân thế giới nói chung.

Singapore

Singapore là một quốc đảo nhỏ bé thuộc Đông Nam Á, dù kinh tế rất phát triển nhưng lại bị khan hiếm về tài nguyên nước. Chính vì đó mà quốc gia này luôn coi an ninh nguồn nước là vấn đề được ưu tiên hàng đầu.

Sự khan hiếm nước sạch ở Singapore khiến quốc đảo này phải phát triển công nghệ tái sử dụng nước thải và xử lý nước biển và họ đã đạt được những bước tiến đáng kể. Quá trình đó không thể nào quên được ấn tượng về Thủ tướng Lý Hiển Long.

Trong buổi khánh thành nhà máy lọc nước biển làm nước sinh hoạt vào năm 2005, thay vì rót rượu mừng, Thủ tướng Lý Hiển Long và các quan chức khác trong Chính phủ Singapore đã nâng ly nước biển tinh lọc.

Ông Lý Hiển Long đã gửi được thông điệp mạnh mẽ rằng, đây là nước sạch, mọi người hãy yên tâm dùng. Thủ tướng Singapore tất nhiên nhận được sự ủng hộ và sự tín nhiệm của người dân vì hành động ý nghĩa trên.

Theo Phạm Khánh - Infonet

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X