Hotline 24/7
08983-08983

Khai ấn Đền Trần: Trong chỉn chu, ngoài ''chặt chém''

Dù đã loại bỏ được hình ảnh phản cảm ''đề đầu cưỡi cổ'' nhau để xin ấn nhưng du khách còn bực mình vì bị 'chặt chém, bắt chẹt.

Dân trật tự, khách còn chen lấn

Chứng kiến cảnh người dân tuần tự xếp hàng xin ấn ở Đền Trần sáng nay, ông Nguyễn Công Tiến (Hà Nội) xúc động: ''10 năm nay, năm nào tôi cũng đi Khai ấn Đền Trần và đây là năm đầu tiên tôi thấy mọi người xếp hàng trật tự như thế.

Không còn cảnh chen lấn, xô đẩy nghẹt thở như mọi năm. Một số phụ nữ còn được nhường lên lấy ấn trước. Đây mới chính là điều cần và phải có ở nơi tôn nghiêm''.

Khai ấn Đền Trần: Trong chỉn chu, ngoài 'chặt chém'Dòng người xếp hàng ngay ngắn chờ vào xin ấn

Cụ Phát (80 tuổi, trú tại Ba Sao, Kim Bảng, Hà Nam) cho biết: ''Tôi vượt hơn 50 cây số đến đây từ 5h sáng để xếp hàng 'xin' ấn. Tôi thấy năm nay cũng đông nhưng người dân có ý thức hơn, xếp hàng ngay ngắn, chen lấn xô đẩy cũng rất ít''.

Khai ấn Đền Trần: Trong chỉn chu, ngoài 'chặt chém'Cụ Phát năm nay 80 tuổi đã vượt 50 cây số đi xin ấn

Mặc dù 6h sáng nhà đền mới phát ấn nhưng từ 3 - 4h sáng, một số người đã đội mưa vào đền chờ xếp hàng.

Theo phản ánh của một người dân đến xin ấn, gần đến giờ phát ấn, có xảy ra tình trạng chen lấn, xô đẩy nhưng ngay sau đó lực lượng cảnh sát đã lập lại trật tự.

Khai ấn Đền Trần: Trong chỉn chu, ngoài 'chặt chém'Nhiều người đội mưa có mặt từ rất sớm

Trước đó, lúc hơn 23h ngày 4/3, cũng diễn ra cảnh các quan khách được mời, trong đó có những khách VIP, chen lấn, tranh cướp hoa ở kiệu rước và trên các ban thờ khi mở cửa Đền vào thắp hương làm lễ.

Hình ảnh này, theo một khách tham dự, vẫn còn phản cảm nhưng so với mọi năm thì đã đỡ nhiều.

''Tôi quan sát thấy số lượng khách mời có mặt ở sân Đền chứng kiến lễ rước kiệu, Khai ấn giảm, có lẽ vì thế cảnh chen lấn cũng không gay gắt như năm ngoái'', vị khách tham gia lễ Khai ấn cho biết.

Theo vị khách này, tình trạng ném tiền vào kiệu rước cũng giảm hẳn so với năm trước.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Trung Đức, đến từ Thanh Hóa vẫn phàn nàn: ''Sao đi đâu cũng thấy đại biểu có giấy mời, khách mời. Như thế thì những người dân bình thường như chúng tôi làm sao có cơ hội vào trong được''.

Theo quan sát thì hôm qua, rất nhiều khách có giấy mời đã không vào được Đền làm lễ Khai ấn vì khoảng 21h30, lực lượng bảo đảm an ninh trật tự đã khép tất cả các hàng rào bảo vệ, không cho ai vào.

Việc ''đóng cửa sớm'' và giải thích không rõ ràng của công an, dân phòng bảo vệ đã khiến không ít khách mời bực mừng vì chạy đôn đáo tìm cửa vào dự lễ mà vẫn không được.

Khai ấn Đền Trần: Trong chỉn chu, ngoài 'chặt chém'Lực lượng an ninh khép tất cả các hàng rào bảo vệ

Hơn 2 triệu đồng/phòng ngủ

Trái ngược với trật tự ở bên trong Đền, nhiều hàng hóa, dịch vụ ở TP Nam Định đêm qua tiếp tục trong tình trạng… ''chặt chém'' như mọi năm.

Ông Lê Minh Hòa, một chủ doanh nghiệp ở Hà Nội phàn nàn: ''Tôi về Nam Định từ trưa 4/3 nhưng mãi đến chiều tối mới thuê được một phòng nghỉ.

''Gõ cửa khách sạn, nhà nghỉ nào cũng được thông báo hết phòng. May quá, cuối cùng tôi cũng tìm được một phòng trống ở sâu trong thành phố. Ở Hà Nội, phòng này chỉ đáng giá 250.000/đêm nhưng tôi vẫn phải vui vẻ trả 2 triệu đồng theo thông báo của chủ nhà nghỉ'', ông Hòa nói.

Một vị chủ doanh nghiệp sở tại thừa nhận: ''Nam Định luôn bị cháy phòng từ rất sớm trong ngày diễn ra lễ Khai ấn. Giá thuê phòng khách sạn cũng tăng 5 thậm chí 10 lần so với ngày thường. Đêm 4/3, dù có trả 3 thậm chí 5 triệu đồng/phòng cũng không có mà thuê''.

Mấy năm trước, Nhà đền phát ấn ngay sau lễ Khai ấn nên nhiều người xin xong ấn là về nhà ngay trong đêm, dù họ sống ở các tỉnh khác.

Nay, việc Ban tổ chức chỉ phát ấn từ sáng hôm sau. Tuy giải pháp này đã làm giảm lượng người khổng lồ đổ dồn vào giờ cao điểm Khai ấn nhưng ngược lại đã ''tạo điều kiện'' cho các chủ khách sạn, nhà nghỉ thi nhau chặt chém vì khách buộc phải nghỉ qua đêm chờ sáng đến xin ấn.

Trước đó, Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành, liên tục yêu cầu các chủ nhà hàng, khách sạn, dịch vụ trên địa bàn thành phố Nam Định không được nâng giá, ép khách.

Thế nhưng, các chủ khách sạn, nhà nghỉ vẫn thu bộn tiền vì tình trạng khan hiếm phòng nghỉ.

Tương tự, nhân viên trông giữ ôtô, xe máy mọc lên nhan nhản ở các tuyến đường cách Đền Trần 3km cũng thi nhau ''chặt chém'' với giá từ 15.000 - 20.000 đồng/xe máy, 50.000 - 300.000 đồng/ôtô.

Khai ấn Đền Trần: Trong chỉn chu, ngoài 'chặt chém''Chặt chém' giá gửi ôtô, xe máy

Anh Nguyễn Đức Hùng (Hà Nội) bức xúc: ''Tình trạng tăng giá đột biến phòng nghỉ diễn ra nhiều năm nay nhưng Nam Định vẫn thờ ơ với việc này''.

'Tại sao không vận động, khuyến khích người dân cho khách trọ? Tại sao không tận dụng cơ sở hạ tầng sẵn có khi tổ chức giải thể thao quy mô lớn ở đây để cho thuê?

Tại sao không tổ chức cho thuê lều bạt di động…? Nếu thực hiện giải pháp này, giá thuê phòng sẽ giảm hẳn', anh Hùng nói.

Thừa nhận còn có những người dân, doanh nghiệp chụp giật, bà Cao Thị Tính, Phó Chủ tịch thường trực UBND thành phố Nam Định, Trưởng ban tổ chức lễ hội Đền Trần cho biết:

'Mỗi một đợt lễ hội đều phải đón ít nhất 4 - 5 vạn khách nên vấn đề BTC đặt lên hàng đầu luôn là sự an toàn cho du khách'.

Theo bà Tính, cần phải đánh giá nhiều chiều về vấn đề bảo đảm nơi ăn nghỉ cho du khách về dự Lễ Khai ấn.

Ví như đầu tư lều bạt sẽ lãng phí vì mỗi năm Lễ Khai ấn Đền Trần chỉ diễn ra trong 1 canh giờ (2 tiếng). Lễ hội rất nổi tiếng khác của Nam Định là Chợ Viềng cũng chỉ diễn ra trong 1 ngày...

Theo Anh Phương - Đất Việt

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X