Hotline 24/7
08983-08983

Kênh Tân Hóa - Lò Gốm: Mở cửa ra thấy dòng kênh xanh

Từ một dòng kênh thối, giờ đây dọc hai bên bờ kênh Tân Hóa - Lò Gốm cuộc sống đang thay da đổi thịt từng ngày.

Con kênh thối giờ đã trở thành dòng kênh xanh, giúp cả triệu người có cuộc sống tốt hơn. Trong ảnh: Trẻ em vui chơi, người già ngồi hóng mát trên con đường dọc kênh Tân Hóa - Lò Gốm chiều 28/3 - Ảnh: Hữu Khoa

Có những căn nhà sau giải tỏa vẫn chưa kịp sửa, có những khúc cầu đường chưa kịp đặt tên... nhưng người dân nơi đây đang thấy cuộc đời mình thay đổi.

Đường sá mới thông thoáng, cửa tiệm mới khang trang và nhộn nhịp người mua bán. Sau bao năm nhọc nhằn sống cùng con kênh đen, nay người dân mở cửa ra đã thấy cây xanh rì rào bên dòng nước mát.

“Giờ ra mặt tiền, phải làm chủ”

Cuối tháng 3, trời Sài Gòn nắng như thiêu như đốt. Đục đẽo, dọn dẹp cửa hiệu mãi hơn 12g anh Quang mới chịu nghỉ tay. Anh vừa thuê lại căn nhà của người bà con trên đường Kênh Tân Hóa (P.Phú Trung, Q.Tân Phú) để mở tiệm sửa xe máy.

166,6 triệu USD và 1.714 tỉ đồng

Kênh Tân Hóa - Lò Gốm dài 7,5km và các nhánh phụ dài 1,2km là một phần mạng lưới đường thủy và kênh thoát nước trong hệ thống kênh rạch TP. Tháng 12/2011, công trình được khởi công và dự kiến khánh thành vào ngày 5/4/2015.

Tổng vốn đầu tư dự án là 166,6 triệu USD vốn vay từ Ngân hàng Thế giới, chưa kể 1.714 tỉ đồng vốn ngân sách chi bồi thường, giải tỏa - tái định cư.


“Hồi trước tôi mở tiệm ở đường Trường Chinh suốt 10 năm. Mặt bằng bên đó vừa tăng giá, đúng lúc con đường này mở ra. Tôi đi khảo sát dọc cả tuyến này, thấy chưa có nhiều tiệm nên thuê mở chỗ làm ăn. Mong là mai mốt đường đông, mình sẽ làm ăn được” - anh Quang nói.

Mảnh đất 60m2 anh Quang thuê là diện tích còn lại sau khi giải tỏa làm đường Kênh Tân Hóa. Ngày kênh Tân Hóa vẫn còn là “kênh thối”, mảnh đất này bỏ không, chẳng ai thuê mướn. Giờ con kênh nước đen ngòm, bốc mùi hôi thối đã nằm gọn dưới lòng đường trải nhựa, rộng bốn làn xe.

Đoạn đường này mới thông xe vào dịp 2/9 vừa rồi, đến nay đã thấy dọc hai bên đường những tiệm cà phê xinh xắn, những tiệm tạp hóa nhỏ, dịch vụ rửa xe, vài hàng cơm tấm đêm, quán nhậu...

“Hồi trước, mở cửa ra là thấy lòe xòe mấy cây dại ngả xuống dòng kênh đen. Tối tăm lắm. Nay mở cửa ra thấy đường trải nhựa, trồng cây trồng hoa, sáng rực cả lên. Tui sống ở đây gần bốn chục năm rồi, chứng kiến dòng kênh khi nó được đào lên, rồi nạo vét, rồi bây giờ là lấp lại làm cống hộp.

Bây giờ là đẹp nhất, sướng nhất đó” - ông Năm Răng (71 tuổi, có ba căn nhà trên đường Kênh Tân Hóa, đoạn qua P.Tân Thới Hòa, Q.Tân Phú) nói chuyện một cách “văn vẻ”. Ông đang khề khà một chén rượu trưa với những người hàng xóm, ngay dưới tán cây trứng cá ven đường.

Một người góp chuyện: “Mười năm trước chứ đâu, đất này 160m2 mua có hơn 1 tỉ đồng. Hôm rồi đường thông, có người tới trả 5 tỉ người ta còn chưa muốn bán nè”. Câu chuyện về những đổi thay khi “ra lộ” của những người đàn ông này cứ rôm rả.

Và một lời cho tương lai: “Trước toàn làm thuê làm mướn, giờ ra mặt tiền rồi, mình phải làm chủ chớ. Cả tuyến kênh này thành đường hết, xe cộ đông, mình không kinh doanh được cũng cho người ta thuê kinh doanh, chắc chắn là khá hơn trước”.

Bà Nguyễn Thị Bé Năm (65 tuổi) nói: “Lúc làm con đường này tui mừng muốn chết. Ở bốn chục năm, sinh sáu đứa con cũng ở đây. Người ta đi qua thì bịt mũi, mình ở đây không lẽ bịt mũi cả ngày. Rồi thì nước ngập, chuột bọ, muỗi mòng... Vậy mà vẫn cứ sống.

Giờ thì khỏe rồi”. Tâm tư lớn nhất của bà Bé Năm bây giờ là nghe nói còn đợt giải tỏa nữa, mong Nhà nước công bố rõ ràng để tính chuyện làm ăn ổn định, lâu dài.

Một đoạn kênh Tân Hóa - Lò Gốm nay đã trong xanh và đường sá, nhà cửa tinh tươm đẹp đẽ - Ảnh: Quang Định

1,2 triệu người hưởng lợi

Dự án cải tạo kênh Tân Hóa - Lò Gốm sắp hoàn thành, cuộc sống của hơn 1,2 triệu người cư ngụ hai bên dòng kênh, thuộc các quận 6, 11, Tân Phú, Tân Bình đã có nhiều đổi thay. Ông Lê Thanh Liêm - giám đốc Ban quản lý đầu tư xây dựng công trình nâng cấp đô thị TPHCM - cho biết dự án đã đầu tư cơ sở hạ tầng như lắp đặt cống thoát nước, nạo vét dòng kênh giải quyết chống ngập và còn giảm thiểu sự tác động của triều cường với 45 cửa xả thoát nước được lắp đặt van ngăn triều.

Ông Lê Thanh Liêm cho biết hai tuyến đường ven kênh Tân Hóa - Lò Gốm đã mở ra một không gian đô thị mới. Không những đã xóa được ùn tắc giao thông mà còn tăng thêm diện tích giao thông, tạo thuận lợi cho người dân đi lại từ đường Âu Cơ, Q.Tân Bình ra đến cầu Lò Gốm nối thông với đại lộ Võ Văn Kiệt hướng về các tỉnh miền Tây.

Những chiếc cầu Ông Buông 1 và 2, cầu Hậu Giang được xây dựng trên cao giúp dòng xe hai bên đường Tân Hóa - Lò Gốm lưu thông nhanh hơn.

Có đường mới, người dân ở hai bên đường đã mở rộng dịch vụ kinh doanh khiến tuyến đường trở nên sầm uất. Giá trị nhà đất ở hai bên đường tăng lên gấp 5-7 lần. Cuộc sống cư dân ổn định nên bà con ở hai bên kênh đã có ý thức về giữ gìn vệ sinh môi trường hơn trước.

Đặc biệt nhất là dự án đã đầu tư mở rộng đường Lũy Bán Bích - Tân Hóa (Q.6, 11 và Tân Phú) dài 4,8km, rộng 23m cho bốn làn xe lưu thông, tạo thành trục giao thông xuyên suốt từ nút giao thông Phú Lâm đến Âu Cơ - Lũy Bán Bích hướng về Bà Quẹo đi đường Trường Chinh về quốc lộ 22.

Suốt hơn ba năm xây dựng công trình, hơn 1.300 cán bộ quản lý, kỹ sư và công nhân đã miệt mài thi công cả ngày lẫn đêm. Có những lúc công trình thiếu mặt bằng thi công phải thu hẹp dòng chảy, gặp thời điểm mưa nhiều và triều cường khiến nhiều tuyến đường quanh khu vực công trình đều bị ngập nước.

Lúc đó, không chỉ người dân bức bối mà những người thi công trên công trường càng thấy rõ những khó khăn, càng nhận rõ trách nhiệm lao động quên mình để sớm hoàn thành công trình. “Việc hoàn thành dự án tạo nên một dòng kênh Tân Hóa - Lò Gốm sạch đẹp và những tuyến đường mới mở đã làm đẹp cảnh quan TP, trong đó có phần đóng góp và chia sẻ từ người dân” - ông Liêm nói.

Phải đẹp hơn Nhiêu Lộc - Thị Nghè

Ông Lê Thanh Hải - ủy viên Bộ Chính trị, bí thư Thành ủy TPHCM - đã đặt ra yêu cầu như vậy sau khi đi thị sát và nghe báo cáo quá trình triển khai dự án đường và kênh Tân Hóa - Lò Gốm (thuộc dự án nâng cấp đô thị TP) sáng 28/3.

Theo Ban quản lý đầu tư xây dựng công trình nâng cấp đô thị TP, dự án trên cơ bản hoàn thành, sẽ khánh thành vào đầu tháng 4.

Ông Lê Thanh Hải cho rằng dự án đường Kênh Tân Hóa - Lò Gốm triển khai sau dự án kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè nên có những lợi thế nhất định, chẳng hạn như diện tích công cộng, mảng xanh lớn hơn... “Chủ trương của TP là đã làm tốt dự án Nhiêu Lộc - Thị Nghè thì các đơn vị phải chăm chút, làm sao cho dự án này không những bằng mà phải hơn Nhiêu Lộc - Thị Nghè” - ông Hải nhấn mạnh.

Tuy nhiên Bí thư Lê Thanh Hải cũng lưu ý khi hạ tầng đô thị thay đổi theo hướng hiện đại, văn minh hơn thì hành xử của người dân xung quanh cũng phải thay đổi cho phù hợp. Vì vậy, chính quyền địa phương làm sao tổ chức tốt vận động, tuyên truyền người dân giữ gìn vệ sinh, môi trường, không xả rác, chung tay chăm sóc cây xanh... cùng thực hiện nếp sống văn minh đô thị.

“UBND TP và các sở ngành chú ý trong quy hoạch phát triển đô thị sắp tới theo hướng thiết kế đô thị phù hợp với cảnh quan, không gian dọc tuyến kênh này, xây dựng quy chế quản lý bờ kè, công viên, không để tình trạng nhếch nhác, nhà siêu mỏng, siêu méo làm mất đi vẻ mỹ quan đô thị” - Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải yêu cầu.


Theo Ngọc Ẩn - Quang Khải - Mai Hoa - Tuổi Trẻ

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X