Hotline 24/7
08983-08983

Hiến tạng: Người cho ít, vướng mắc nhiều

Tại Việt Nam, việc cho và nhận nội tạng vẫn còn nhiều vướng mắc khiến không ít tấm lòng thiện nguyện nhụt chí.

Bài 1: Những người hùng thầm lặng

“Nếu bây giờ có sinh viên nào bị mù mà vượt khó học tập, giúp ích cho đời, tôi sẵn sàng hiến giác mạc của mình ngay” - đó là tâm tư của chị Tư Bến Tre (tên gọi trìu mến mà bạn bè, hàng xóm đặt cho chị Nguyễn Kiều Hoa, 48 tuổi, ngụ tại TP.HCM). Và cách đây không lâu, chị cũng đã làm thủ tục hiến thận, hiến tim cho Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, đăng ký hiến xác cho Đại học Y Dược TP.HCM. Nhờ những người hiến nội tạng thầm lặng như chị mà bao nhiêu cuộc đời tưởng đã khép chặt, lại được mở ra.

Dù kiếm sống bằng nghề nuôi bệnh, nhưng chị Tư Bến Tre sẵn sàng hiến nội tạng để cứu người

Một người cho, nhiều người sống

Chị Hoa hẹn gặp chúng tôi trong một ngôi nhà trên đường An Dương Vương, Q.5, TP.HCM, nơi chị đang chăm sóc hai bệnh nhân (BN) cao tuổi nằm liệt giường. Hỏi ra mới hay: “Nhà của người ta, tôi ở để nuôi bệnh thôi”. Gia tài của chị dường như chẳng có gì đáng giá nhưng tấm lòng hào hiệp của chị khó ai sánh bằng.
 
Chị kể, chị còn sống đến nay là nhờ các bác sĩ BV Chợ Rẫy đã sinh ra chị lần hai sau khi mổ lấy khối u thành công trong não. “Tôi sống nhờ vào… hộp sọ của người đã khuất”, chị Hoa nói. Để tạ ơn ân nhân không biết mặt, chị quyết định đăng ký hiến xác. Chị cũng đề nghị bệnh viện cho chị được hiến bộ não của mình cho bệnh nhi bại não.
\
Nhiều bệnh nhi phải chạy thận nhân tạo suốt đời tại BV Nhi đồng 2 TP.HCM

Mỗi ngày, chị làm thêm nghề nuôi bệnh để có tiền giúp trẻ em bất hạnh. Chị nói vui: “Bây giờ tôi có nhiều con quá, không nhớ nổi tên các con lang thang cơ nhỡ”. Ngoài tâm nguyện hiến xác, chị còn dự tính, sau khi chết, chị sẽ tặng ngôi nhà đang ở cho quỹ từ thiện.

Nghĩa cử hào hiệp của người cho đã mang lại cuộc đời mới cho những BN đang sống trong ngắc ngoải, đau đớn vì bệnh tật. Thân thể họ tuy về với cát bụi nhưng nội tạng của họ vẫn còn đang hòa cùng nhịp sống với những người xa lạ gọi họ là ân nhân. Như trường hợp bà Trần Thị H., 68 tuổi (Bình Dương), bà Đào Thị T., 54 tuổi (Q.8, TP.HCM), chủ doanh nghiệp đã hiến thận để cứu được bốn BN suy thận mạn giai đoạn cuối. Gần đây nhất, BV Chợ Rẫy đã “đổi đời” cùng lúc cho bốn BN dựa trên nguồn thận từ hai nam thanh niên 22 tuổi và 28 tuổi bị chết do tai nạn giao thông và tai nạn sinh hoạt.

Ngoài hiến thận, phổi, tim, da, gan, hiến giác mạc cũng đã đem đến những phép màu. Khoảng 95% người được nhận mắt hiến tặng có thể sáng mắt trở lại.


BN Bùi Hồng Nh. 27 tuổi (đang nằm trên giường) đã được ghép thận thành công
 tại BV Nhân dân 115 TP.HCM

Nhiều năm sống trong tăm tối, mới đây anh L.V.H. (29 tuổi) đã bắt đầu nhìn thấy ánh sáng sau ca phẫu thuật ghép giác mạc. Anh hạnh phúc, khóc không thành tiếng. Bỗng dưng bị mù do sẹo giác mạc, anh - trụ cột gia đình - phải bỏ nghề lái xe, suốt ngày thui thủi trong nhà. Mắt sáng không chỉ giúp bản thân anh hòa nhập với đời mà còn cứu cả gia đình anh đang trong cơn túng bấn. Nỗi mừng vui của chị Nguyễn Thị Kim Phượng, vợ BN Đ.Tr.Ch. (48 tuổi, ngụ Nhà Bè) cũng tương tự, sau ca ghép giác mạc, anh Ch. đã nhìn được bình thường, trở lại nghề lái xe ôm, kiếm tiền nuôi vợ con.

Mòn mỏi chờ người cho

“Mô giác mạc của cháu đã bị rách nát, gây xuất huyết toàn bộ mắt phải, do đó, chúng tôi phải ghép màng ối đông lạnh để bảo tồn, tránh mắt bị teo lại. Chờ khi nào có nguồn hiến giác mạc mới giúp cháu sáng mắt trở lại”. Anh Lý Bảo, cha của bé Lý Khánh Hưng (15 tháng tuổi) ngụ Bạc Liêu nghe vị bác sĩ ở Khoa Mắt nhi, BV Mắt TP.HCM nói mà lòng quặn thắt.

Mỗi năm, cả nước có thêm 15.000 người bị mù do bệnh lý giác mạc. Bé Lý Khánh Hưng sẽ là một tên mới bổ sung vào danh sách 300.000 người đang chờ đợi thoát khỏi “bóng tối”. Hạnh phúc chỉ đến khi có người hiến tặng, nhưng không phải ai cũng may mắn. Danh sách BN mù đợi được ghép giác mạc ngày càng dài thêm.

Bé Lý Khánh Hưng mòn mỏi chờ người cho giác mạc

TS Trần Thành Long - Chủ tịch Hội Bảo trợ Bệnh nhân nghèo TP.HCM cho biết, cách đây một tháng, Hội đã thành lập Ngân hàng Mắt để giúp BN mù do hư giác mạc. Vì mới thành lập nên ít nhất phải mất ba năm nữa mới có giác mạc để ghép cho người bệnh.

Hàng chục ngàn BN khác vẫn mong chờ được ghép thận, gan. Chỉ tính riêng BV Chợ Rẫy đang có 1.000 BN suy thận nặng, phải lọc máu liên tục…

Tại Việt Nam, việc hiến nội tạng dựa trên sự tự nguyện, người hiến phải trên 18 tuổi và được người thân đồng ý. Khi cho nội tạng phải thông báo sớm cho cơ sở nhận nội tạng, vì thận chỉ bảo quản được trong 24 giờ, còn giác mạc chỉ trong sáu giờ sau khi người hiến tử vong. Nếu hiến tặng giác mạc, thân nhân người chết có thể liên hệ đến Ngân hàng Mắt TP.HCM qua số điện thoại: 01227966277 hoặc 0906422854, hiến thận thì liên hệ số: 0983723493.

AloBacsi.vn (Theo Phụ nữ TPHCM)

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X