Hotline 24/7
08983-08983

Hi sinh vì Campuchia: Mãi mãi nằm lại trên nước bạn

Để giúp đất nước Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng, và cũng để ngăn đội quân Khmer Đỏ tiến vào Việt Nam, lớp lớp chàng trai Việt đã xung phong lên đường.

Cho đến nay, vẫn còn hàng ngàn người ngã xuống ở Campuchia mà hài cốt vẫn chưa về với đất mẹ.

Lễ quy tập hài cốt liệt sĩ hi sinh trên chiến trường Campuchia được tổ chức long trọng - Ảnh: Ngô Minh Chánh

Chưa có con số chính thức nào xác nhận con số lính tình nguyện Việt Nam hi sinh ở Campuchia.  

Theo Chuyên đề công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ thuộc ngành chính sách quân đội, từ năm 1975 - 1993, cả nước đã đưa 36.813 hài cốt liệt sĩ ở Campuchia về nước, và từ năm 1994 - 2012 là 14.549 hài cốt liệt sĩ (trong số này bao gồm cả các liệt sĩ thời chống Mỹ và chống Khmer Đỏ). 

Hiện nay, công tác quy tập hài cốt liệt sĩ Việt Nam từ chiến trường Campuchia vẫn đang được tiếp tục.

Chết vì nghĩa lớn

Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Ngọc Diệp (75 tuổi, quê huyện Bình Tân, Vĩnh Long) giọng run run khi có người bất ngờ hỏi về người con trai lớn của mình. “Thằng Tuấn nhà tôi, nó tên Lê Văn Tuấn, nó rất mạnh mẽ à...”.

Người mẹ già mắt sáng rực khi nhắc về người con trai lớn mà bà rất đỗi tự hào. Dù rằng, tháng 10 qua là lần thứ 38 người mẹ già này phải thắp cho con những nén nhang trong ngày giỗ. 

“Thằng Tuấn nó máu lửa. 12 tuổi đã làm giao liên, làm dân y. Đến lúc nó 17 tuổi thì biên giới có giặc Khmer Đỏ. Nó lên huyện đăng ký đi đánh giặc. Mấy anh trên huyện ủy không cho nó đi, nói nó còn nhỏ. Nó còn thuyết phục mấy ảnh. Nó nói nếu nó đi thì chỉ đánh giặc ở biên giới, có hi sinh cũng được. Còn nếu không, để giặc tràn sang xóm làng thì còn nhiều người chết hơn...”.

Mẹ Nguyễn Ngọc Diệp nói Tuấn về nhà nằng nặc xin mẹ cho đi. Nghe con thuyết phục bà cũng đồng ý cho con lên đường ra trận.

Thế nhưng, chỉ chừng ba tháng sau, đồng đội về báo tin con bà đã anh dũng hi sinh ở chiến trường biên giới. Tin như sét đánh. Nỗi đau quá sức chịu đựng. Bà ngã quỵ xuống đất. Vậy là chiến tranh đã cướp đi của gia đình bà hai người đàn ông yêu quý, chồng bà trong chiến tranh chống Mỹ và con trai bà trong chiến tranh chống Khmer Đỏ. Không nỗi đau nào lớn hơn nỗi đau đã mất chồng rồi lại mất con. 

Gần 10 năm sau, hài cốt của anh Tuấn mới được đưa về an nghỉ tại nghĩa trang huyện Bình Minh (Vĩnh Long).

Ông Trần Việt Bắc (ấp Vàm Đình, xã Phú Thuận, huyện Phú Tân, Cà Mau) - người em đang thờ cúng liệt sĩ Trần Hùng Dũng, hi sinh năm 1978 khi đánh quân Khmer Đỏ ở chiến trường biên giới tỉnh Kampot - nói gia đình ông từ nhiều năm nay vẫn luôn trông tin tức về hài cốt của người anh mình.

“Mười mấy năm trước, gia đình tôi có nghe tin tìm được hài cốt anh tôi, về quy tập ở nghĩa trang Bạc Liêu. Nghe tin ba tôi mừng lắm. Vậy là cuối cùng anh tôi cũng về được với quê hương. Nhưng khi gia đình đến nơi thì không tìm thấy mộ của anh. Đến giờ, gia đình vẫn trông ngóng tin tức. Không biết bao giờ anh mới được về an nghỉ ở quê nhà” - ông Bắc rưng rức nói.

Các đội quy tập hài cốt liệt sĩ hi sinh trên chiến trường Campuchia từ nhiều năm nay vẫn không ngừng hi vọng tìm kiếm để đưa các tình nguyện quân Việt Nam về an nghỉ nơi đất mẹ -  Ảnh: NGÔ MINH CHÁNH

Không ngừng tìm kiếm

Cho đến nay, vẫn chưa có số liệu chính xác còn bao nhiêu người lính tình nguyện Việt Nam gửi thân lại nơi đất bạn. Từ năm 2001, QK9 đã thành lập bốn đội tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ (gọi là K90, K91, K92, K93) trên đất Campuchia. 

Từ ấy đến nay, các đội này đã tìm gặp và đưa về nước 6.724 hài cốt liệt sĩ, nhưng chỉ có 564 hài cốt là xác định được tên.

Ước tính hiện nay vẫn còn trên 4.000 hài cốt liệt sĩ trong các cánh quân của QK9 sang giúp bạn Campuchia chưa được đưa về nước. Công việc tìm kiếm vẫn đang tiếp tục.

Đại tá Ngô Minh Chánh - phó phòng chính sách, QK9, nguyên đội trưởng đội công tác K92 và K90 - cho biết theo thời gian, địa hình, tình hình tại Campuchia có nhiều thay đổi đã ảnh hưởng lớn đến việc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ ở các chiến trường trên đất Campuchia. 

Bước chân của những người lính QK9 vẫn đi tìm hài cốt đồng đội không mệt mỏi trong hàng chục năm trời. Các anh không sợ vất vả, chỉ sợ những thay đổi xóa đi dấu tích của những anh hùng tình nguyện quân nằm xuống trên đất bạn.

Đại tá Chánh nói các đội tìm kiếm hài cốt chủ yếu dựa vào tài liệu của những trận đánh và lời kể của nhân chứng, chỉ dẫn của người dân. Nhưng thời gian làm vật đổi sao dời. Có khi địa điểm đóng quân của bộ đội ngày trước, đội tìm kiếm đến nơi thì đã biến thành vùng đầm lầy nước trũng.

Nghe có tin tức hài cốt liệt sĩ ở đâu, các đội đều bằng mọi cách phải tìm đến. Không ít lần đi lần theo thông tin tìm hài cốt liệt sĩ, đội tìm kiếm của ông Chánh đã kẹt hàng chục ngày trong rừng.

Vất vả là thế, nhưng cũng chưa nói hết những gì mà các đội tìm kiếm phải đối diện. Đó là rừng thiêng nước độc, là bom, mìn còn sót lại sau chiến tranh đe dọa những bước chân băng rừng vượt suối. 

“Quân Pol Pot biết mình sẽ quay lại tìm kiếm đồng đội, nên chúng hay gài vật nổ trước khi rút đi. Bây giờ, không chỉ địa hình mà những thay đổi khác cũng khiến công tác tìm kiếm quy tập liệt sĩ của chúng ta khó khăn gấp bội phần” - ông Chánh nói.

Đại tá Nguyễn Văn Lâm (Bộ Tổng tham mưu QĐND Việt Nam) nói: “Người trẻ thế hệ sau này hay hỏi chúng tôi tại sao xương máu chiến sĩ tình nguyện Việt Nam lại đổ xuống chiến trường Campuchia nhiều như thế? 

Bởi cuộc chiến tranh ở Campuchia không giống bất cứ cuộc chiến tranh nào khác vì kẻ thù không bắt, không giữ tù binh, thương binh. Ai rơi vào tay chúng là chết! Bất cứ người Việt nào đứng trước mũi súng của chúng cũng phải chết!".

Theo Tiến Trình - Quốc Việt - Tuổi trẻ

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X