Hotline 24/7
08983-08983

Hành động nóng ở Biển Đông: Trung Quốc tàn phá môi trường biển

"Với tham vọng chủ quyền biển, đảo Trung Quốc lại đang phá hoại môi trường biển – nơi cư trú của các loài sinh vật, trong đó có loài người".

Đó là nhận định của PGS.TS Nguyễn Chu Hồi, Chủ tịch Hội thiên nhiên và môi trường biển, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam với báo Đất Việt.

Đẩy nhanh tiến độ độc chiếm Biển Đông

PV:- Trung Quốc vừa tuyên bố đang tiến gần hơn đến việc hoàn thiện các nhà máy điện hạt nhân trên biển tại khu vực Biển Đông. Trước đó, Tập đoàn Công nghiệp đóng tàu Trung Quốc cũng đã tiết lộ rằng, họ đang phát triển các bến cảng nổi đa chức năng để triển khai đến các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.

Như vậy có thể thấy rõ Trung Quốc đang gấp rút hoàn thiện hệ thống hạ tầng cơ sở để cung cấp mọi dịch vụ cho các hoạt động phi pháp trên biển Đông từ khai thác tài nguyên biển cho đến hàng không dân dụng, quân sự…

Tuy nhiên, Tòa trọng tài thường trực vừa ra phán quyết về tranh chấp trên biển Đông, theo ông, điều này có tác động đến ý đồ trên của Trung Quốc hay không?

PGS.TS Chu Hồi: - Trung Quốc tôn tạo các bãi cạn thành đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa là một bước đi quan trọng trong âm mưu "quân sự hóa" để đẩy nhanh tiến độ độc chiếm Biển Đông của họ.

Việc xây dựng cơ sở hạ tầng và trang thiết bị bảo đảm các hoạt động phi pháp lâu dài ở các đảo nhân tạo này được Bắc Kinh ưu tiên đẩy nhanh đầu tư.

Trong đó có các bến cảng, sân bay, các cơ sở công nghiệp và "hậu cần" hỗ trợ cũng được tiến hành đồng bộ, bao gồm dự án nhà máy điện hạt nhân trên biển mà Bắc Kinh tuyên bố sẽ đặt tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Các hành động trên cho thấy ý đồ mở rộng chiếm đóng lâu dài quần đảo Trường Sa của Bắc Kinh và luôn miệng lập luận vô lý rằng họ có chủ quyền đối với các đảo này từ cổ đại, bất chấp phản đối của các nước.

Hanhdong nong o Bien Dong:Trung Quoc tan pha moi truong bien

Mô phỏng nhà máy điện hạt nhân nổi của Trung Quốc.

Việc Tòa trọng tài thường trực (PCA) vừa ra phán quyết về các yêu sách phi lý là hành vi bất hợp pháp của Trung Quốc trên Biển Đông và ở quần đảo Trường Sa.

Mặc dù Bắc Kinh đã nhiều lần tuyên bố "nước này không chấp nhận cũng như không tham gia vào tiến trình trọng tài do Philippines đơn phương khởi xướng" và bác bỏ phán quyết, nhưng chắc chắn phán quyết vẫn sẽ tác động đến ý đồ của Trung Quốc theo hướng có lợi cho các nước và hòa bình trong khu vực.

PV:- Được biết, các bến cảng nổi đa chức năng này có thể dùng làm nơi neo đậu cho các tàu quân sự và dân sự có trọng tải tới 1.000 tấn của Trung Quốc hoạt động trái phép trong vùng biển Trường Sa tranh chấp; làm trạm bảo dưỡng và sửa chữa cho các tàu cá; đặt máy phát điện, kho trữ nước và cung cấp nước sạch, khử muối nước biển, thu gom nước mưa và kho chứa thiết bị, vật tư...

Với quy mô hoạt động lớn như vậy, công nghệ xử lý chất thải của Trung Quốc lại lạc hậu ngay cả trên đất liền, vậy khi Trung Quốc làm trên Biển Đông thì sẽ gây họa cho môi trường biển đến đâu? Có cơ chế nào để kiểm soát họ không, thưa ông?

PGS.TS Chu Hồi: - Ở Trường Sa, các công trình hạ tầng, các thiết bị lắp đặt (cố định hoặc nổi) của Trung Quốc đều có tính "đa dụng".

Rõ ràng, Trung Quốc chuẩn bị cho nhiều mục đích, cả dân sự và quân sự, cả lúc thắng thế, lẫn lúc "thất thế", nếu cần có thể "nổ máy" chuồn. Trung Quốc đang phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng về môi trường trên đất liền, trước hết do tham vọng tăng trưởng "nóng" với công nghệ vẫn còn lạc hậu.

Tức là họ đang "‘phá" trên đất liền, và với tham vọng chủ quyền biển, đảo Trung Quốc lại đang phá hoại môi trường biển – nơi cư trú của các loài sinh vật, trong đó có loài người.

Toà PCA cho rằng "Trung Quốc đã vi phạm quyền chủ quyền của Philippines trong vùng đặc quyền kinh tế của nước này và rằng Trung Quốc đã gây hại nghiêm trọng đối với môi trường của các rạn san hô và vi phạm nghĩa vụ bảo tồn và bảo vệ các hệ sinh thái dễ bị tổn thương và môi trường sống của các loài đang suy yếu, bị đe doạ và bị huỷ diệt".

Và Bắc Kinh đã không thực hiện các nghĩa vụ của nước này trong việc ngăn chặn và chấm dứt các hoạt động này.

Nếu Trung Quốc không tự dừng lại, thì sẽ phạm tội đối với 300 triệu dân thuộc 9 quốc gia và một vùng lãnh thổ (Đài Loan) ven Biển Đông, bao gồm nhân dân Trung Quốc, có sinh kế hàng ngày phụ thuộc vào nguồn tài nguyên của biển này.

Thế giới đang trông đợi một Trung Quốc gương mẫu, có trách nhiệm và thượng tôn pháp luật, minh bạch hóa thông tin và chịu sự giám sát quốc tế về môi trường.

PV:- Theo cảnh báo của nhiều chuyên gia về hải dương học, việc xây dựng các nhà máy điện hạt nhân, các bến cảng, hiện nay các nước trên thế giới cũng chưa phát triển nhiều, chính vì thế, nguy cơ ô nhiễm môi trường và an ninh trên biển là rất cao.

Theo ông, nguy cơ ô nhiễm môi trường, cũng như vấn đề đảm bảo an ninh trên biển của các dự án trên nếu triển khai sẽ như thế nào?


PGS.TS Chu Hồi: - Các dự án trên khi triển khai, trước hết sẽ vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa, sẽ làm nảy sinh vấn đề môi trường, an toàn hạt nhân.

Nguy cơ gây ô nhiễm môi trường biển sẽ cao, nhất là ở một khu vực biển có điều kiện động lực học mạnh và lan tỏa rộng.

Khi đó, việc xây dựng các nhà máy điện hạt nhân, các bến cảng của phía Trung Quốc sẽ không chỉ dừng ở vấn đề ô nhiễm môi trường biển, mà còn sẽ trở thành vấn đề an ninh môi trường biển với những xung đột môi trường ở mức cao.

Một mặt do công nghệ chưa hoàn toàn cao, mặt khác rủi ro trên biển thường rất lớn. Trung Quốc phải dừng ngay ý đồ nói trên và phải minh bạch hóa các hoạt động của mình liên quan đến môi trường biển nếu không muốn trở thành "tội phạm môi trường".

PV:- Với Việt Nam chúng ta cần ứng xử và có những hành động cụ thể ra sao? Xin ông phân tích cụ thể?

PGS.TS Chu Hồi: - Chính phủ Việt Nam đã kịp thời ra tuyên bố hoan nghênh kết quả phán quyết của PCA, và khẳng định lập trường nhất quán của Đảng và Nhà nước ta trong giải quyết vấn đề biển đảo là sử dụng các giải pháp hòa bình, trên cở tuân thủ Công ước luật biển 1982 của Liên hiệp quốc.

Kết quả phán quyết của PCA có những ảnh hưởng tích cực từ chính những kết quả phán quyết như khẳng định tính phi lý của yêu sách "Đường lưỡi bò"của phía Trung Quốc; khẳng định các thực thể địa lý ở Trường Sa không thuộc "chủ quyền lịch sử"của Trung Quốc.

Phán quyết cũng làm sáng tỏ quan điểm nhất quán của Việt Nam về việc giải quyết vấn đề chủ quyền trên Biển Đông bằng con đường hòa bình, kiềm chế không sử dụng vũ lực.

Việt Nam cũng có thể chịu các tác động tiêu cực do Trung Quốc phản ứng phán quyết bằng các hành động đơn phương, phiêu lưu như ngụy tạo để chiếm bãi cạn, tôn tạo đảo nhân tạo ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam; lập "Vùng nhận dạng phòng không" trên Biển Đông; và sử dụng "hạn chế" quân sự để "dằn mặt" các nước nhỏ trong khu vực. Cho nên, Việt Nam cũng phải chủ động ứng phó trong các tình huống xấu như vậy.

- Xin cảm ơn PGS.TS đã chia sẻ!

Theo Châu An - Đất Việt

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X