Hotline 24/7
08983-08983

Hàng rong mong có chỗ bán đàng hoàng

Chiến dịch vỉa hè chủ yếu dọn dẹp những gánh hàng ăn, uống, nhưng các lãnh đạo địa phương đều đưa ra câu nói hết sức nhân văn: dẹp vỉa hè nhưng luôn nghĩ đến người bán hàng rong.


Để bớt đi gánh nặng cho những người nghèo bán hàng rong, cần có khu hàng rong trước chứ không thể theo quy trình ngược dẹp rồi mới tính.

Từ đây, hàng loạt “lời hứa” nào là sẽ sắp xếp chỗ mua bán cho người bán hàng rong; nào là sẽ hỗ trợ chuyển đổi nghề. Thế nhưng,việc này hoặc là chậm hoặc hứa cho có…

… Phải liều để sống

Ít nhất là hai tuần qua, hai vợ chồng buôn bán điểm tâm trên vỉa hè đường Lê Văn Sỹ (đối diện trường mầm non Sơn Ca 14, quận Phú Nhuận, TPHCM) không còn cách nào khác là phải vừa bán vừa canh công an. Người vợ phân bua: biết là sai nên đang cố gắng chiếm ít hơn - tức vẫn để lại một khoảng trống chừng nửa mét trên vỉa hè để dành lối cho người đi bộ.

“Giờ không buôn bán nữa thì lấy gì mà sống hả chú. Nghe các lãnh đạo từ thành phố đến quận này, quận khác hứa sẽ sắp xếp chỗ bán hàng cho những người mua gánh bán bưng nhưng chờ hoài là chết. Bởi buôn ngày nào xào ngày đó. Nghỉ một ngày là hụt tiền một ngày…”, chị vợ tên An, chia sẻ. Và cũng theo chị này thì thấy mình lấn chiếm vỉa hè để mưu sinh cũng thấy “dị”, nhưng muốn sống thì phải đành làm liều thôi!

Cả tuần qua, vợ chồng ông Hoài chuyên bán hủ tíu gõ ở ngã tư Bà Huyện Thanh Quan - Nguyễn Thị Diệu, cứ chiều đến là lại như người mất hồn. Cần câu cơm của bốn người trong gia đình là xe hủ tíu gõ phải xếp ở nhà, vì toàn quận 3 đang ra quân xử nghiêm ai lấn chiếm vỉa hè. “Hết tuần này chắc cũng phải liều tới đâu thì tới thôi, chứ chờ tới lúc được sắp xếp chỗ bán như lời nói của quận thì bây giờ lấy gì để sống”, ông Hoài nói.

Cách chỗ ông Hoài không xa, trên đường Bà Huyện Thanh Quan - đoạn ngay “xóm” lẩu cá kèo” cũng thuộc địa bàn quận 3, ít nhất hai gánh bán đồ ăn sáng đã đánh liều buôn bán bất chấp lệnh cấm. Bà chủ gánh hàng rong bán đồ chay nghĩ ra cách để nồi nước lèo trên vỉa hè, còn ghế thì xếp dọc theo hàng rào, biến hàng rào thành bàn để phục vụ khách.

“Làm vậy đâu có lấn vỉa hè bao nhiêu, người đi bộ vẫn vô tư đi lại”, chị bán hàng chay trần tình. Còn người bán bún chả giò chiên thì nghĩ ra cách để xe đẩy trên vỉa hè, trong xe đấy chứa tất tần tật, để khi lực lượng kiểm tra đến dễ bề tháo chạy. “Cực và đối phó chút nhưng có đồng ra đồng vào. Lỡ bị “hốt” cũng còn sướng hơn ở nhà chờ được bố trí chỗ bán như lời lãnh đạo quận đã hứa để rồi không biết tương lai thế nào”, một chị bán bún bò trên vỉa hè đường Âu Cơ, quận Tân Phú, chia sẻ.

Xin đừng đúng quy trình… ngược!

Trước thực trạng đó, UBND quận 1, TPHCM cho biết, quận đang hoàn chỉnh kế hoạch tổ chức lại vỉa hè giai đoạn 2, gồm ba điểm nhấn. Một là, chấn chỉnh nhưng đồng thời gắn với tuyên truyền sâu rộng để người dân và các hộ kinh doanh, doanh nghiệp tự giác thực hiện. Hai là giải quyết lao động cho những người buôn bán trên vỉa hè. Trung tâm dạy nghề của quận sẽ tổ chức dạy nghề miễn phí, thậm chí hỗ trợ mỗi ngày 50.000 - 100.000 đồng/người, bù vào số tiền mà ngày hôm đó không buôn bán được; đồng thời sẽ cho vay vốn để phát triển các ngành nghề. Liên quan đến việc này, thành phố hiện đã đồng ý về mặt chủ trương cho quận tổ chức khu buôn bán tập trung theo giờ, có kiểm soát quản lý an toàn thực phẩm, giá cả và trang bị bảo hộ lao động, đảm bảo mỹ quan, tạm gọi là phố hàng rong.

Tương tự, UBND TPHCM cũng đang quyết liệt đề nghị các sở ngành liên quan nghiên cứu tìm địa điểm - có thể là khu hàng rong như quận 1, có thể là lấy một phần những vỉa hè có chiều rộng lớn - để sắp xếp chỗ bán cho người bán hàng rong, nhằm tránh xáo trộn cuộc sống của họ.

Tuy nhiên, tất cả các dự tính trên hoặc chậm, hoặc bị “xem nhẹ”, người bán hàng rong vẫn cứ thế mất phương hướng mưu sinh. Cụ thể, khu vực kinh doanh ăn uống theo thời gian quy định ở một số tuyến đường tại quận 1, dù đã có chủ trương và kế hoạch hơn một năm, nhưng đến nay vẫn chưa thể thống nhất được địa điểm tổ chức. Bằng chứng là khu hàng rong về công viên bến Bạch Đằng nhưng chưa được UBND TPHCM thông qua.

Bình luận về vấn đề này, ThS kinh tế Nguyễn Hải Hà cho rằng đúng ra trước khi giành lại vỉa hè, chính quyền thành phố phải thực hiện quy hoạch sẵn những nơi buôn bán tập trung để quy tụ những người bán hàng trên vỉa hè giúp họ không bị gián đoạn mưu sinh. Đằng này chính quyền đang làm theo quy trình ngược là giành trước sắp xếp sau.

Bây giờ, để bớt đi gánh nặng cho những người nghèo hàng rong, cần có khu hàng rong. Bởi không thể ngày nào các lãnh đạo địa phương cũng có thể xuống đường; và lãnh đạo cũng không thể cùng lúc xuống hết các tuyến đường trên địa bàn mình quản lý… “Như thế sẽ tạo thành một cuộc rượt đuổi qua lại gây phản cảm mà thôi. Bởi như tâm sự của những người bán hàng rong mà chúng tôi biết thì họ không thể không làm liều vì miếng cơm manh áo”, ThS Hải Hà nhấn mạnh.

Theo Giang Thanh - Đằng Giang - Thế giới tiếp thị

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X