Hotline 24/7
08983-08983

Hàng không vét khách đường sắt?

Đang có một cuộc tranh luận trên các diễn đàn về việc có hay không chuyện đường hàng không vét hết khách của đường sắt và có nên hạn chế phát triển hàng không hay không.

Đề tài quá nóng, nhưng không phải chuyện giật gân chóng qua mà liên quan đến chiến lược phát triển kinh tế của đất nước. Hàng không phát triển là mong muốn của mọi quốc gia, bởi vì không chỉ phục vụ nhu cầu đi lại văn minh của người dân, mà liên quan đến các sự phát triển của thương mại, du lịch và nhiều ngành khác.

Đi máy bay an toàn, tiết kiệm thời gian, sức khỏe, nếu giá vé hợp lý, dứt khoát người dân lựa chọn máy bay. Rất đáng vui khi các hãng hàng không trong nước những năm qua kinh doanh giỏi, hạ giá vé, nên có nhiều người “xách túi nylon lên máy bay”. Làm ăn giỏi như vậy cần phải phát huy và tất nhiên xứng đáng được khen ngợi.

Từ một quốc gia máy bay là phương tiện xa xỉ dành cho người giàu, nay người dân đi máy bay chật cả nhà ga, thử hỏi đáng mừng hay đáng trách ngành hàng không? Còn anh đường sắt, bao nhiêu năm vẫn cứ lôi thôi, không chịu thay đổi, mất khách là phải. Những năm trước, mỗi dịp tết tàu lửa đắt khách, nhưng dần dần hàng không giành bớt thị phần. “Lỗi tại đường sắt mọi đàng”. Và đó là quy luật của thị trường, không áp đặt bằng ý chí cá nhân và mệnh lệnh hành chính.

Dịp tết, chắc chắn sân bay Tân Sơn Nhất quá tải, cần phải tăng cường các biện pháp quản lý điều hành để phục vụ hành khách đi máy bay an toàn, thuận lợi. Tuy nhiên, đừng vì sự căng thẳng trong ngắn hạn làm nảy sinh những tư duy ảnh hưởng đến chiến lược phát triển kinh tế của đất nước. Theo Trung tâm Nghiên cứu hàng không khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (CAPA), Việt Nam có 142 tàu bay đang khai thác, trong khi đó Indonesia 627 chiếc, Malaysia 282 chiếc, Singapore rất ít dân so với Việt Nam cũng có tới 198 chiếc.

Thế thì chẳng lẽ vì sợ đường sắt hết khách mà hạn chế phát triển hàng không?

Về vấn đề này, trao đổi trên báo chí ngày 4.12, ông Nguyễn Minh Đức (Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) nêu quan điểm: “Nếu nói rằng hàng không ‘vét’ khách của đường sắt, vậy nên phải hạn chế hàng không. Chẳng khác nào bảo rằng máy cày làm cho trâu bị thất nghiệp nên phải hạn chế máy cày”.

Giả sử như có sân bay Long Thành thì sự phát triển của ngành hàng không đã khác, sẽ không có tình trạng quá tải tại Tân Sơn Nhất và những tranh luận có hạn chế phát triển hàng không hay không. Đó chính là giới hạn của tầm nhìn khi chậm xây sân bay Long Thành. Đừng lặp lại giới hạn của tầm nhìn ở một việc tương tự.

Theo Lê Thanh Phong - Lao động

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X