Hotline 24/7
08983-08983

Hãng dược bắt tay với bác sĩ, bệnh nhân lãnh đủ

Nếu để ý người ta có thể bắt gặp những người tay xách cặp hay khoác túi xách, thi thoảng lẻn vào một phòng khám thảy vào một tập tài liệu và một túi nhỏ rồi bỏ đi nhanh.

Viên thuốc ở Việt Nam bị đẩy giá lên vì có sự bắt tay giữa hãng dược và bác sĩ.

Đó là các “trình dược viên” (TDV) mà theo quy định không được gặp bác sĩ trong giờ làm việc.

Nhưng cấm thì cấm, TDV vẫn không ngại. Bệnh viện C. một ngày của tháng 11/2016, hai cô gái đi chung với nhau từ khu khám tổng quát đến khu khám chuyên sâu ung bướu.

Đến phòng khám nào, một người nhìn vào xem ai đang khám bên trong, nếu đúng người cần tìm, người kia bước vào đưa một bìa hồ sơ và một bọc thuốc nhỏ cho bác sĩ rồi vội vã ra ngoài.

Cũng ở bệnh viện này, một buổi sáng khác đầu tháng 12/2016, trên cầu thang chen chúc người lên xuống các khoa, một TDV vừa đi vừa nhét vội vào túi một bác sĩ tờ giới thiệu và hộp thuốc trước khi nói với theo: “Vài hôm nữa em sẽ gọi bác sĩ”.

Nhưng T., một trưởng khoa của bệnh viện này nói: “Thường đó là cách làm ăn của các công ty dược nhỏ phân phối hàng Ấn Độ, Pakistan, Trung Quốc hay Đông Âu, chứ công ty dược lớn làm ăn bài bản không ai làm thế”.

T. nói đúng, các công ty dược tiếng tăm thường tiếp cận bác sĩ giới thiệu thuốc bằng những buổi hội thảo ngắn gọn vào giờ trưa, kèm theo một bữa ăn thịnh soạn tổ chức ở một nhà hàng nào đó gần bệnh viện.

Nh., phụ trách một nhãn hàng thuốc tim mạch có tiếng, nói về cách làm: “Chúng tôi mời một hai bác sĩ đầu ngành cập nhật các nghiên cứu mới về tác dụng của thuốc, sau đó cho nhóm bác sĩ ăn trưa rồi để họ quay về làm.

Cách làm này hay hơn vì không ai “dòm ngó”, không vi phạm quy định của bệnh viện, lại “đánh trúng” vào đối tượng cần nhắm đến. Dĩ nhiên, thỉnh thoảng TDV cũng phải tạt qua “chăm sóc” bác sĩ để họ đừng quên tăng cường kê thuốc của công ty mình”.

“Chăm sóc là gì?”, tôi hỏi. Nh. đáp: “Thì tặng quà cáp, bánh trái, phiếu mua hàng siêu thị. Có ai cấm biếu tặng bác sĩ những thứ này đâu. Làm thế bác sĩ mới nhớ đến mình”.

Thời đại bệnh tim mạch, tiểu đường, bệnh gút, rối loạn mỡ máu… nở rộ, nên các mặt hàng thuốc này cạnh tranh nhau khá gay gắt. Ở một bệnh viện không xa bệnh viện C., một TDV tranh thủ lúc bệnh ít, bước vào phòng khám tim mạch chào một bác sĩ đang khám bệnh.

Đang kê toa dang dở, bác sĩ dừng lại nói: “Yên tâm đi, sẽ kê “cờ” cho anh. Muốn “cờ” là có “cờ”, muốn “lờ” là có “lờ”!”. “Cờ”, “lờ” là chữ đầu của hai tên thuốc chính hãng nổi tiếng hạ mỡ máu có lẽ không dân trong nghề nào mà không biết.

Không chỉ cạnh tranh lẫn nhau, giờ đây thuốc chính hãng còn phải cạnh tranh gay gắt với các thuốc generic (thuốc gốc) đổ xô vào thị trường theo sự cổ xuý sử dụng của bộ Y tế.

Nghiên cứu công bố trên tạp chí khoa học có tiếng JAMA Internal Medicine vào giữa năm nay, cho thấy những bữa ăn trưa miễn phí lại thuyết phục thành công bác sĩ Mỹ trong việc kê toa các thuốc chính hãng, thay vì các thuốc generic rẻ tiền.

Nghiên cứu trên 280.000 bác sĩ nhận được 63.500 chi trả từ công ty dược, người ta nhận thấy 95% bữa ăn trưa miễn phí do công ty dược cung cấp có giá từ 12 – 18 USD. Trong  số này, bác sĩ nào ăn bữa trưa đi kèm với hoạt động giới thiệu thuốc của công ty dược, sẽ có xu hướng kê thuốc biệt dược nhiều hơn thuốc generic.

Cụ thể, Crestor (thuốc hạ cholesterol chính hãng) được kê tăng 18%, Bystolic (thuốc hạ huyết áp) tăng 70%, Benicar (thuốc hạ huyết áp) tăng 52%, và Pristiq (thuốc chống trầm cảm) tăng đến gấp đôi. Nhìn chung, theo nghiên cứu, bác sĩ nào càng được ăn trưa miễn phí nhiều thì càng kê toa nhiều… các thuốc quảng cáo!

Bình luận về nghiên cứu này, TS R. Adams Dudley, giáo sư y khoa của đại học California, cho rằng thông tin thuốc được cung cấp qua những bữa ăn trưa này không thể tránh khỏi lệch lạc và phục vụ lợi ích thương mại của hãng dược.

Ông đặt câu hỏi: “Tại sao có hình thức như thế trong hệ thống giáo dục dành cho bác sĩ? Cái giá của một hệ thống giáo dục thuốc không chính thống như thế thật tầm thường”.

Ở một nước phát triển như Mỹ, làm một nghiên cứu như trên có thể nhìn thấy được nhiều chuyện; còn ở nước ta, nơi thông tin chưa rõ ràng và minh bạch, e khó nhận diện được mọi chuyện phía sau. Vì thế, câu chuyện “TDV cầm tay bác sĩ kê toa”, “bác sĩ kê đơn ăn hoa hồng” mãi là câu chuyện chưa có hồi kết.

Bình luận về chuyện này, một bác sĩ làm việc tại bệnh viện Đ. ở TPHCM (giấu tên) cho biết: “Việc TDV tiếp thị để bác sĩ nhớ tên chọn thuốc hãng của mình chứ không phải hãng khác là bình thường, vì đó là công việc kinh doanh. Cùng một loại thuốc, vô số tên trên thị trường, bác sĩ cũng phải chọn một tên thuốc để kê toa cho bệnh nhân. Đáng sợ là nếu bệnh nhân không có chỉ định mà bác sĩ vẫn kê thuốc”.

Đó là một góc nhìn không sai, nhưng câu hỏi là ai sẽ chi trả những món quà và bữa ăn cho bác sĩ, vì trên đời này không có gì cho không. Bác sĩ là người nhận, hãng dược là người cho, tuy nhiên không có bữa ăn nào miễn phí cả. Chi phí đó sẽ được tính vào giá thuốc cho bệnh nhân, không gì khác hơn, với tên gọi là … “chi phí tiếp thị”.

Trả lời báo chí giữa năm nay, PGS.TS.DS Phạm Khánh Phong Lan, phó giám đốc sở Y tế TPHCM, băn khoăn nhiều vì giá thuốc ở Việt Nam bị đẩy lên quá cao so với giá sản xuất. Bà nêu ba lý do cho vấn nạn này: “Chưa kiểm soát giá độc quyền, tầng nấc trung gian quá nhiều vì có đến gần 2.000 công ty trung gian phân phối thuốc, và tiêu cực trong ngành khi dược sĩ và bác sĩ bắt tay nhau đẩy giá thuốc lên cao ở một số mặt hàng”.

Theo Phan Sơn - Thế giới tiếp thị

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X