Hotline 24/7
08983-08983

Hàng chục người mất mạng vì... muỗi

Đã có ít nhất gần 30 người chết oan uổng từ đầu năm đến nay mà nguyên nhân sâu xa là coi thường tác hại của muỗi.

Trong khi bệnh tay chân miệng không ngừng gia tăng thì bệnh sốt xuất huyết cũng vào mùa. Hiện ở cả hai miền Bắc, Nam, số ca sốt xuất huyết (SXH) đều tăng mạnh. Nhiều người dân lo lắng về khả năng sẽ phải đối phó với dịch chồng dịch trong những tháng cuối năm.

Đông nghẹt bệnh nhân

Thống kê của Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, 7 tháng đầu năm nay cả nước có hơn 23.000 ca mắc SXH, 22 trường hợp tử vong. Nhưng đến cuối tháng 8, con số mắc đã tăng lên hơn 32.000 ca (như vậy, riêng tháng 8 đã có 9.000 ca, gấp gần ba lần các tháng trước đó) và thêm 5 trường hợp tử vong. Địa phương có số người mắc SXH cao là TPHCM hơn 6.000 ca; Cà Mau hơn 2.000 ca; An Giang, Đồng Nai, Bình Dương trên 1.000 ca… Tại Hà Nội, tính đến 31/8 đã có 631 ca SXH, tập trung ở các quận huyện như Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai.

Điều trị SXH tại BV Nhi Đồng 1. Ảnh: Ngô Đồng

Theo khảo sát, số người nhập viện gần đây vì SXH tăng chóng nhanh. Tại Bệnh viện Nhi Đồng 1, mỗi ngày khoa SXH tiếp nhận khoảng 100 trường hợp trẻ mắc SXH, trong đó tỉ lệ mắc bị biến chứng nặng gần 20%.
 
Đáng lưu ý là tình trạng sốc SXH ở trẻ béo phì đang có chiều hướng gia tăng, mỗi ngày có khoảng 2 - 3 trường hợp nhập viện. Tương tự, tại Bệnh viện Nhi Đồng 2, mỗi ngày có khoảng 300 trường hợp đến khám SXH. 

BS Nguyễn Đắc Thọ, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP HCM, cũng cho biết, mặc dù mới bước vào đầu mùa dịch SXH nhưng số ca mắc hiện đang tăng nhanh chóng. Tính đến đầu tháng 8, thành phố đã có gần 6.000 ca SXH, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng lưu ý là đã có hai ca tử vong và nhiều ca biến chứng nặng (cùng kỳ không có ca tử vong).

Xuất hiện nhiều ca nặng

Tại Hà Nội, ThS Nguyễn Hồng Hà, Phó Giám đốc BV Bệnh nhiệt đới Trung ương, cho hay trước đây cả tháng bệnh viện chỉ ghi nhận vài ca SXH thì hiện nay mỗi ngày đã có gần 10 ca nhập viện.
 
Điều nguy hiểm là miền Bắc đã bắt đầu xuất hiện những ca có dấu hiệu tăng thấm thành mạch. Với những ca này, bệnh nhân sẽ xuất hiện nhiều triệu chứng nặng như đau bụng dữ dỗi, nôn nhiều, li bì, mê sảng, xuất huyết niêm mạc, gan to, nước tiểu ít, tiểu cầu giảm nhanh…
 
Bệnh nhân ở giai đoạn này nếu không được cấp cứu kịp thời sẽ gây biến chứng sốc, xuất huyết nặng, suy đa phủ tạng, thậm chí tử vong.

Bệnh viện đang điều trị cho bệnh nhân L., 14 tuổi ở Hà Nội, bị sốc nặng, phải truyền máu do tiểu cầu giảm. Mẹ của L. chia sẻ: “Thấy con sốt cao, tôi nghĩ cháu bị sốt thông thường nên tự mua thuốc hạ sốt về cho cháu uống.
 
Năm ngoái cháu đã từng bị SXH nên cả nhà chẳng ai nghĩ tới khả năng cháu bị mắc lại. Đến khi thấy cháu kêu đau bụng dữ dội, nôn nhiều, nôn cả ra máu, huyết áp giảm mạnh, chân tay lạnh … gia đình mới đưa đi viện. Chẳng ngờ kết quả xét nghiệm dương tính với SXH. Bác sĩ còn nói tiểu cầu của cháu đã giảm, đã có xuất huyết niêm mạc, may mà đưa đi cấp cứu kịp không sẽ nguy hiểm đến tính mạng”.

Cán bộ y tế đang phun hóa chất phòng SXH tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Ảnh: Châu Anh

Cũng trong tuần qua, khoa Hồi sức Cấp cứu BV Nhi đồng 1, TPHCM tiếp nhận một trường hợp trẻ bị sốc SXH nặng. Bé trai K. 6,5 tháng tuổi nhập viện trong tình trạng li bì, xuất hiện biến chứng suy hô hấp, rối loạn đông máu, xuất huyết tiêu hóa, nôn ra máu,...
 
Theo lời của người nhà, vì chủ quan, thấy trẻ sốt, họ cứ tưởng viêm đường hô hấp hay rối loạn tiêu hóa nên đưa trẻ nhập viện trễ, dẫn đến sốc SXH. Thống kê của ngành y tế cho thấy, 51% ca tử vong SXH là do phát hiện bệnh chậm.

Các chuyên gia y tế dự báo, nhiều khả năng SXH sẽ bùng phát và lan rộng trong năm nay do thời tiết thay đổi, nhiều công trình xây dựng còn dang dở.
 
Thạc sĩ Nguyễn Hồng Hà nhận định: “Học sinh, sinh viên là đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao. Bởi ở các xóm trọ dễ xảy ra tình trạng thiếu nước nên nảy sinh thói quen tích nước. Đây là điều kiện lý tưởng để muỗi sinh sôi nảy nở, truyền mầm bệnh ra cộng đồng”.

Không tự ý phun hóa chất

Đề phòng diễn biến phức tạp của bệnh SXH, tiến sĩ Nguyễn Văn Bình, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, cho biết Bộ đã chỉ đạo các sở y tế đẩy mạnh tuyên truyền các biện pháp phòng, chống dịch bệnh như vệ sinh môi trường, thu gom phế thải, phế liệu, diệt bọ gậy...

Bộ cũng khuyến cáo người dân không nên tự ý mua hóa chất về phun tràn lan mà phải theo chỉ đạo của các cơ quan y tế chức năng. Chỉ duy nhất một đơn vị y tế là trung tâm y tế dự phòng tỉnh, thành phố được tiến hành phun hóa chất trên diện rộng.

Các trung tâm y tế quận, huyện chỉ được phun tại ổ dịch trên địa bàn khi có xuất hiện ổ dịch. Công tác phun dập dịch này hoàn toàn miễn phí, người dân không phải đóng tiền mua hóa chất.

 
Theo N.Đồng, M.Hương - Báo Đất Việt

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X