Giấy mời do ông Lê Quang Đạo, chánh văn phòng UBND tỉnh Hà Tĩnh ký với nội dung: “Thực hiện cuộc vận động ‘Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam’ do Bộ Chính trị phát động và Chỉ thị số 48 TU/CT ngày 12/8 của Ban thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường thực hiện cuộc vận động ‘Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam’; UBND tỉnh phối hợp với Tổng công ty Bia-rượu-nước giải khát Sài Gòn tổ chức lễ hội ‘Tôi yêu bia Sài Gòn’ năm 2015”.

Thành phần được mời gồm rất nhiều như: các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND tỉnh, Chủ tịch và các phó chủ tịch tỉnh, Chủ tịch UBMTTQVN, Giám đốc và thủ trưởng các sở ban ngành; Thường trực Thành ủy, Thị ủy, Huyện ủy và lãnh đạo UBND các thành phố, thị xã, huyện trong tỉnh…

Lễ hội sẽ được khai mạc vào chiều 5/9 tại sân vận động Hà Tĩnh .

Giấy mời nhấn mạnh: “Đây là hoạt động có ý nghĩa thiết thực góp phần thực hiện hiệu quả cuộc vận động ‘Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam’ do Bộ Chính trị phát động và chủ trương ưu tiên sử dụng hàng hóa sản phẩm sản xuất trong tỉnh; đề nghị các đại biểu tham gia đầy đủ và đúng thời gian nêu trên”.

Khuyến khích uống bia

Tổng công ty Bia-rượu-nước giải khát Sài Gòn có chi nhánh tại Hà Tĩnh là Công ty TNHH MTV Bia Sài Gòn - Hà Tĩnh. Công ty này xây dựng vào năm 2011 với tổng mức đầu tư khoảng 480 tỉ đồng, công suất thiết kế 50 triệu lít bia/năm, sản phẩm sản xuất chính là bia chai Sài gòn 355ml và bia lon 333.

Theo thông báo của công ty này, dự tính khi đi vào hoạt động nhà máy chạy đủ công suất sẽ đóng góp nguồn ngân sách tỉnh Hà Tĩnh khoảng 300 tỉ đồng/năm.

Với chủ trương ưu tiên sử dụng hàng hóa, sản phẩm sản xuất trong tỉnh, tỉnh Hà Tĩnh đã không ít lần thể hiện việc khuyến khích uống bia Sài Gòn bằng văn bản và hình ảnh.

Vào tháng 8/2014, chủ tịch tỉnh Hà Tĩnh Võ Kim Cự xuất hiện trên báo Hà Tĩnh với hình ảnh đang tặng một thùng bia Sài Gòn cho ngư dân.

Chuyến đi này của ông Cự với tư cách là Trưởng Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới kiểm tra tiến độ thực hiện xây dựng nông thôn mới tại xã Thạch Long (Thạch Hà) và làm việc với lãnh đạo, cán bộ cốt cán huyện Thạch Hà. Sau làm việc, ông Cự nói chuyện và tặng quà cho ngư dân Nguyễn Văn Yên ở xã Thạch Long là một thùng bia.

Ở cấp huyện, cũng vào tháng 8/2014, Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh Nguyễn Văn Bổng đã ký và ban hành văn bản ‘đẩy mạnh sử dụng, tiêu thụ sản phẩm bia Sài Gòn trên địa bàn huyện’.

Theo đó, ông Nguyễn Văn Bổng yêu cầu thủ trưởng các cơ quan, phòng, ban, đơn vị trong các cuộc hội thảo, hội nghị, tiếp khách theo quy định phải ưu tiên sử dụng đồ uống sản xuất trong tỉnh là bia Sài Gòn của nhà máy bia Sài Gòn - Hà Tĩnh, nước khoáng Sơn Kim…

Đối với các chủ nhà hàng, khách sạn, nhà nghỉ… phải ưu tiên giới thiệu, mời gọi và khuyến khích khách hàng sử dụng các sản phẩm bia Sài Gòn sản xuất tại Hà Tĩnh như bia lon Sài Gòn 333, bia chai Sài Gòn Lager, Expor…, nước khoáng Sơn Kim.

Tiếp đó, đến tháng 2/2015, huyện Kỳ Anh tiếp tục phát bản cam kết đến các chủ nhà hàng, khách sạn, karaoke về việc tăng cường số lượng tiêu thụ bia Sài Gòn, nước khoáng Sơn Kim.

Nội dung của bản cam kết là: “Kể từ ngày 10/2 trở đi, nhà hàng tăng số lượng tiêu thụ bia Sài Gòn (gồm bia Sài Gòn, bia 333…) và nước khoáng Sơn Kim. Giảm dần và tiến tới không tiêu thụ các hãng bia khác và các loại nước khoáng khác.

Ưu tiên sử dụng sản phẩm sản xuất trong tỉnh như bia Sài Gòn, bia 333…, nước khoáng Sơn Kim là góp phần tăng thu ngân sách tỉnh, chung tay xây dựng nông thôn mới”.

Nhiều người cho rằng, việc tỉnh Hà Tĩnh kêu gọi các cơ quan, ban ngành và người dân tăng cường sử dụng bia Sài Gòn thay vì các loại bia khác là đúng vì nhà máy bia Sài Gòn - Hà Tĩnh hằng năm đóng ngân sách lớn cho tỉnh.

Tuy nhiên, cũng có nhiều người cho rằng việc ‘khuyến khích’, ra văn bản, và ‘đôn đốc’ sử dụng bia Sài Gòn của lãnh đạo các cấp ở tỉnh này đang có biểu hiện ‘làm quá’.

Theo Lê Đình Dũng - Một thế giới