Hotline 24/7
08983-08983

Hà Nội lát vỉa hè bằng đá tự nhiên: Tiền đâu?

Các chuyên gia cho rằng chủ trương lát vỉa hè bằng đá tự nhiên của Hà Nội là tốt nhưng còn nhiều vấn đề cần phải xem xét lại.

Chủ trương tốt nhưng…

Liên quan đến việc Sở xây dựng Hà Nội cho biết 12 quận nội thành của thủ đô sẽ không chấp nhận dùng các loại gạch kém chất lượng như trước đây mà chủ yếu dùng đá tự nhiên để lát vỉa hè, trao đổi với Đất Việt, TS Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng khẳng định đây là một chủ trương tốt nhưng còn nhiều vấn đề phải lưu ý.

Theo TS Liêm, việc Hà Nội lát đá tự nhiên sẽ góp phần làm cho vỉa hè cũng như các tuyến phố trở nên đẹp hơn, hiện đại và văn minh hơn. Đặc biệt ở Việt Nam từ thời Pháp thuộc đã có nhiều con đường dùng đá tự nhiên để lát vỉa hè được duy trì trong một thời gian dài.

Ha Noi lat via he bang da tu nhien: Tien dau?
Các chuyên gia cho rằng chủ trương lát vỉa hè bằng đá tự nhiên của Hà Nội là tốt nhưng còn nhiều vấn đề cần phải xem xét lại. Ảnh: VTV

“Việc trơn hay không thì không đáng lo vì nó nằm ở chỗ chúng ta có mài bóng hay không thôi.

Dùng gạch tự nhiên khi lát sẽ khít hơn. Tuy nhiên không phải vì thế mà nước không thấm được. Thực tế vỉa hè không phải là nơi để cho nước ngấm vì còn phần mái hiên bên trên. Ở đây nước sẽ chảy xuống đường và mặt đường đó dẫn nước mưa đi đến những chỗ trũng hơn và nó vào những mặt cống, hồ, ao…”, TS Liêm nói.

Tuy nhiên, TS Liêm cho rằng để làm được như vậy không hề đơn giản và dễ dàng vì thực tế tình trạng lát đá vỉa hè thời gian qua tại thủ đô chưa tốt khiến dư luận, các chuyên gia nói rất nhiều.

“Tôi rất tán thành chủ trương này nhưng có 1 điều băn khoăn là liệu có phải thay cùng một lúc không? Chúng ta thay trong bao nhiêu năm? Hay là chủ trương như thế và cái nào đáng thì thay trước, cái nào còn sử dụng được thì thay sau.

Thực tế thời gian gần đây ở Hà Nội, nhất là dịp cận tết nhiều vỉa hè mới lát lại mà bên thi công họ dựng hết đá, gạch lên để thay mới. Tôi cho rằng như thế lãng phí và cũng không nên.

Thứ hai, việc lát đá tự nhiên phải lưu ý đồng bộ toàn bộ hạ tầng đi ở dưới phải. Nhiều tuyến đường hiện nay không có sự phối hợp đó. Có nơi lát xong rồi, sau này cần đục một đường ống, làm dây cáp ngầm chẳng hạn lại đục lên trông rất lơm nhơm. Làm gì có đường nào, nay vá một đường ngang, mai vá một đường khác , đổ nhựa vào như ở Hà Nội.

Vỉa hè là một công trình mang tính tổng hợp chứ không phải chỉ để đi. Đã đi thì phải làm cho nó trơn tru nhưng tôi thấy ở Hà Nội thỉnh thoảng lại có cốt thép nhô lên 5-7 phân hay như nắp cống, nắp gì đó nhô lên. Nếu sơ ý một tí là vấp”, TS Liêm phân tích.

Bên cạnh đó, TS Liêm cũng nhấn mạnh, cần phải có sự công khai, minh bạch, tránh những hiện tượng lợi ích nhóm mà người dân thường than phiền thời gian qua.

“Tôi hình dung là tự nhiên thành phố muốn mua mấy triệu viên gạch để lát mà có sẵn luôn, tức là có ai đặt hàng trước sau đó mới có chủ trương. Chứ sao có thể nhanh vậy. Những câu hỏi đó thì người dân cũng hỏi thôi. Việc lát đá tự nhiên là tốt nhưng kèm theo nhiều cái về mặt kỹ thuật và về mặt quản lý”, TS Liêm đặt vấn đề.

Kinh phí lấy ở đâu?

Đồng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Văn Hùng - Nguyên Hiệu trưởng Đại học xây dựng Hà Nội thừa nhận, chủ trương chỉnh trang đô thị, làm thủ đô đẹp hơn là cần thiết và phải làm. Việc lát đá vỉa hè cũng nằm trong số đó. Tuy nhiên, ông Hùng tỏ ra băn khoăn trước việc Hà Nội triển khai lát đá tự nhiên trên toàn 12 quận nội thành.

“Đó chắc chắn là một khoản kinh phí không hề nhỏ. Chúng ta phải xem xét sẽ lấy từ đâu ra. Thứ hai là xác định xem có sâu sau cung cấp đá tự nhiên, vật liệu hay không? Vì vấn đề lợi ích nhóm thời gian qua được nhắc đến rất nhiều lần rồi.

Ngoài ra phải tính đến độ trơn trượt ra sao, dùng đá tự nhiên đã thật sự hợp lý chưa. Nó không những trơn trượt mà việc lát đá to cũng dễ vỡ hơn. Nếu nhỏ thì chúng sẽ tự điều chỉnh”, PGS.TS Hùng nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Nguyên Hiệu trưởng trường Đại học xây dựng Hà Nội cũng cho rằng thủ đô còn rất nhiều phải làm và quan tâm đầu tư, từ vấn đề an sinh xã hội, giáo dục, đến phát triển cơ sở hạ tầng. Vì vậy cần phải cân đối, tính toán lại cho phù hợp, tránh dồn cùng một lúc làm trên diện rộng ở 12 quận nội thành.

“Chỉnh trang đô thị ở Hà Nội không chỉ có vỉa hè. Chúng ta có thể nâng cấp hoặc lắp mới các hệ thống đèn, kẻ lại các vạch vôi, cân chính biển báo cho phù hợp. Ngoài ra còn thái độ ứng xử, văn hóa của người dân. Đó mới là những vấn đề theo tôi cần ưu tiên trước mắt chứ không phải làm vỉa hè”, PGS.TS Hùng nêu quan điểm.

Chỉ thí điểm ở diện nhỏ

Từ những phân tích trên, PGS.TS Hùng cho rằng Hà Nội chỉ nên làm thí điểm ở một vài tuyến phố quan trọng, từ đó để các chuyên gia xây dựng, người dân cùng đánh giá, phản biện.

“Việc lát toàn bộ 12 quận nội thành có thể sẽ dẫn đến lãng phí. Việc lát xuống rồi cậy lên là điều không nên. Chúng ta phải làm thử nghiệm. Nếu thực tế đi lại cho kết quả tốt thì sẽ xem xét thêm.

Ngoài ra tôi thấy sử dụng các loại gạch tự chèn, gạch vằn, gạch con sâu cũng rất tốt. Ở nhiều nước họ làm cẩn thận và bài bản, xe tăng đi lên cũng không vỡ nát gì cả. Ngoài ra loại gạch này sẽ rẻ hơn, phù hợp với điều kiện của Hà Nội hiện nay”, ông Hùng khẳng định.

Đưa thêm ý kiến đánh giá, TS Phạm Sỹ Liêm cho rằng việc lát đá tự nhiên trên vỉa hè cần phải có lộ trình đúng đắn. Những tuyến phố nào còn tốt thì nên giữ nguyên, chỉ sửa chữa ở những đoạn đã hỏng hóc, xuống cấp.

“Tôi đề nghị nếu làm thì nên làm ở những đường phố mới, ở các khu đô thị mới. Chúng ta làm ngay từ đầu để đồng bộ về cơ sở hạ tầng, tránh tình trạng lát đá rồi lại cậy lên. Xung quanh trung tâm hội nghị quốc gia đáng lẽ vỉa hè phải rất lý tưởng nhưng tôi thấy cũng chưa được như thế”, TS Liêm khẳng định.

Theo Hoàng Nam - Đất Việt

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X