Hotline 24/7
08983-08983

Hà Nội không có quyền cấm xe máy ngoại tỉnh

“Hà Nội là Thủ đô của cả nước nên chính quyền không có quyền cấm xe máy. Chỉ khi nhà nước quy định xe máy tỉnh nào đi ở tỉnh đó thì mới cấm được” - ông Hùng bày tỏ.

Xung quanh việc Sở GTVT Hà Nội đặt lộ trình đến năm 2021 sẽ dừng hoạt động xe máy ngoại tỉnh vào khu vực nội đô, ông Nguyễn Mạnh Hùng - nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN cho rằng, không khả thi và... hài hước.

Ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cũng nêu, chỉ có thể cấm xe máy khi người dân tự nguyện từ bỏ phương tiện cá nhân. Muốn vậy thì vận tải công cộng phải phục vụ người dân đi lại thuận tiện.

cấm xe máy ngoại tỉnh, Hà nội cấm xe máy, thu phí ô tô, vận tải công cộng

Nhiều chuyên gia cho rằng Hà Nội khó thực hiện cấm xe máy vào nội đô. Ảnh: Lê Anh Dũng

Tuy nhiên, ông Liên cũng nhìn nhận thực tế hiện nay vận tải công cộng chưa thu hút người dân, số người đi xe buýt đang có xu thế giảm.

Các phương thức vận tải công cộng khác như: đường sắt trên cao, tàu điện ngầm, buýt nhanh (BRT)... lại chưa đưa vào khai thác.

Thậm chí, ngay như tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông theo kế hoạch phải đến năm 2017 mới có thể đưa vào sử dụng, nhưng khi đưa vào khai thác cũng chưa thể phát huy hiệu quả được ngay.

Theo ông Liên: "Nói và làm là hai chuyện khác nhau, do vậy việc cấm xe máy và hạn chế phương tiện cá nhân đi vào nội đô chỉ là ý chủ quan thôi".

Kiểm tra chứng minh thư mới cho đi?

Anh Ngô Văn Du, sống ở Mỹ Đình cho biết, nghe thông tin cấm xe máy ngoại tỉnh khiến anh không khỏi ái ngại.

Vận tải công cộng Hà Nội hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân, 5-7 năm tới Hà Nội vẫn khó mà thực hiện được.

cấm xe máy ngoại tỉnh, Hà nội cấm xe máy, thu phí ô tô, vận tải công cộng
Nhiều người dân thắc mắc, biển xe ngoại tỉnh nhưng sống ở Hà Nội thì làm thế nào? Ảnh: Lê Anh Dũng

Anh Du cho hay, hàng ngày anh đi làm từ Mỹ Đình đến quận Đống Đa. Do làm công việc văn phòng, không phải đi lại nhiều nên rất muốn sử dụng xe buýt, nhưng việc tiếp cận lại không thuận tiện.

“Điểm dừng đỗ xe buýt xa nhà, vỉa hè bị chiếm dụng không có lối đi, thái độ phục vụ của lái, phụ xe chưa tốt... và đặc biệt thời gian dài nên tôi vẫn phải chọn xe máy là phương tiện đi lại”, anh Du nói.

Anh Du cũng thắc mắc, thành phố có rất nhiều xe máy mang biển số ngoại tỉnh nhưng sở hữu lại là những người đang sinh sống tại Hà Nội.

Việc này nếu thực hiện vô tình lại gây khó cho người dân, vì nếu là xe biển ngoại tỉnh không được đi vào thì sẽ xác minh như thế nào. Kiểm tra CMND hay chứng minh cơ quan làm việc mới cho đi?

Ông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, so với thành phố của các nước Thái Lan, Hàn Quốc... ô tô ở Hà Nội chưa nhiều nên nếu nói giao thông nội đô ùn tắc do ô tô là chưa khách quan.

Vấn đề mấu chốt là do quy hoạch, tổ chức giao thông chưa tốt, hạ tầng còn kém nên ùn tắc là tất yếu.

Còn việc thu phí ô tô vào nội đô, Hà Nội cũng nói mãi rồi, nhưng là giao thông bàn cờ nên việc này sẽ không khả thi và thiếu thực tế.

Để giảm ùn tắc, theo ông Hùng, cùng với phát triển vận tải công cộng, Hà Nội cần tổ chức lại giao thông, phân luồng hợp lý, tạo điều kiện cho người dân đi bộ, đi xe đạp. 

“Nhiều nước ô tô, xe máy rất rẻ nhưng người ta vẫn khuyến khích được người dân đi xe đạp, sao Việt Nam không làm được”, ông Hùng đề xuất.

Theo Gia Văn - VietNamNet

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X