Hotline 24/7
08983-08983

Hà Nội đề xuất hạ đê sông Hồng phục vụ giao thông

Để thuận tiện cho hoạt động dân sinh và giao thông, Hà Nội đề nghị Bộ Nông nghiệp hạ cốt đê sông Hồng xuống cao độ dương 12,4 mét, đoạn từ khách sạn Thắng Lợi đến cửa khẩu An Dương.

Với cách làm trên, mặt đường Nghi Tàm sau khi cải tạo sẽ tương ứng với cao độ đường gom dân sinh và hai bên nhà dân, thuận lợi cho người dân dọc tuyến đường tiếp cận ra vào an toàn. Phương án còn tạo điều kiện mở rộng mặt cắt ngang đường Nghi Tàm thêm một làn xe..., tạo cảnh quan đô thị cho tuyến phố.

Trước lo lắng khi mùa lũ về, UBND Hà Nội cho rằng thượng nguồn Sông Hồng đã xây dựng một số đập thủy điện như Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu... đều có chức năng điều tiết lưu lượng nước, hạn chế nguy cơ lũ lụt. Vì thế, tuyến đê hiện trạng có thể xem xét hạ cao trình để phục vụ giao thông thành phố.

"Đơn vị thiết kế đã tham khảo ý kiến giới khoa học để đưa ra giải pháp chống thấm, trượt, đảm bảo khả năng chống lũ và an toàn đê điều trong khai thác và sử dụng", văn bản của Hà Nội nêu.

ha-noi-de-xuat-ha-de-song-hong-phuc-vu-giao-thong

Hà Nội đề xuất hạ cao trình để phục vụ dân sinh và giao thông. Ảnh: CTV.

Ông Vũ Xuân Thành, Vụ trưởng Quản lý đê điều (Tổng cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, thực chất Hà Nội không muốn hạ đê mà là muốn thay thế một phần kết cấu đê đất bằng đê bê tông cốt thép. Trong văn bản gửi Bộ, Hà Nội cũng có nói đến việc này.

Đây là lần thứ 2 Hà Nội gửi văn bản liên quan phương án xây dựng cầu vượt tại núi giao An Dương - Thanh Niên tới Bộ Nông nghiệp. Lần thứ nhất vào cuối tháng 10/2016.

Tháng 12/2016, trong văn bản hồi âm, Bộ Nông nghiệp thống nhất với đề nghị của Hà Nội điều chỉnh kết cấu đoạn đê hữu sông Hồng đoạn từ khách sạn Thắng Lợi đến cửa khẩu An Dương, chiều dài khoảng 1.100 m. Trong đó thay thế một phần kết cấu đê đất bằng kết cấu tường chắn bê tông cốt thép dạng chữ L, đảm bảo an toàn chống lũ, kết hợp giao thông, cải tạo cảnh quan đô thị.

Khẳng định đây là tuyến đê cấp đặc biệt quan trọng trong việc đảm bảo an toàn lũ trong khu vực trung tâm Hà Nội, Bộ Nông nghiệp đã đề nghị Hà Nội chỉ đạo thực hiện phương án thiết kế phải đảm bảo cao trình mặt đê đất (đỉnh đê hiện là dương 15,6 mét) sau khi hạ không được thấp hơn mực nước lũ thiết kế tương ứng tại vị trí công trình, tức là dương 13,5 mét.

Ngày 24/1/2017 Hà Nội lần thứ hai có văn bản đề nghị Bộ Nông nghiệp cho hạ cao trình mặt đê đoạn từ khách sạn Thắng lợi đến cửa khẩu An Dương xuống cao độ dương 12,4 mét và muốn Bộ Nông nghiệp xem xét. "Về đề nghị này chúng tôi sẽ họp bàn với sự tham gia của nhiều chuyên gia và đưa ra ý kiến sau, trong đó an toàn đê điều phải đưa lên đầu tiên", ông Thành nói.

Đề xuất trên của Hà Nội nhận nhiều ý kiến trái chiều từ giới chuyên gia. Theo tiến sĩ Đào Trọng Tứ, cố vấn Mạng lưới sông ngòi Việt Nam, phương án Hà Nội đưa ra khả thi, bởi nó giống như đoạn đường Trần Quang Khả, Yên Phụ. Theo đề xuất Hà Nội chỉ thay đổi mặt cắt đê, vẫn đảm bảo cao trình đê, không phá hoại kết cấu hay cảnh quan. Trong khi đó một chuyên gia thủy lợi khác cho rằng, đê đoạn sông Hồng là điểm đê điểm trọng yếu, nếu hạ đê có thể gây ra hậu quả khi mùa lũ đến.

Hầu hết các nhà khoa học không đồng tính với lý giải thượng nguồn sông Hồng các hồ thủy điện có thể điều tiết lũ của Hà Nội, bởi thực tế các hệ thống đập thủy điện cắt lũ nhỏ chứ không thể ứng phó khi lũ lớn xảy ra. "Khi gặp sự cố nhà máy thủy điện còn phải xả lũ, lúc đó sẽ gây ra hậu quả khó lường", một chuyên gia kinh nghiệm 20 năm trong lĩnh vực thủy lợi nói và đề nghị việc xây dựng của Hà Nội nên đảm bảo an toàn tiêu chuẩn chống và điều tiết lũ.

Theo Phạm Hương - VnExpress

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X