Hotline 24/7
08983-08983

Hạ đê sông Hồng làm đường giao thông: Khó nhất bức tường chống lũ

Nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho rằng, điều khó nhất trong đề xuất hạ đê sông Hồng là làm sao hạ đê xuống khoảng 1m, thay bằng tường bê tông mà vẫn an toàn.

Liên quan đến đề xuất hạ đê sông Hồng làm đường giao thông được Hà Nội đề xuất mới đây, trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, GS.TS Vũ Trọng Hồng - nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam đã chỉ ra những điểm quan trọng Hà Nội cần lưu ý khi thực hiện hạ đê.

GS.TS Vũ Trọng Hồng cho biết, những nội dung mà Hà Nội đề xuất xung quanh việc hạ đê sông Hồng đã có từ cách đây mấy tháng và đã được cơ quan chức năng tính toán, cân nhắc nhiều.

Theo GS.TS Vũ Trọng Hồng, trong đề xuất này có hai phần quan trọng. “Thứ nhất là hạ đê làm sao Hà Nội vẫn giữ cao trình chống được mực nước lũ thiết kế như Thủ tướng phê duyệt là 13,4m. Riêng phần đất xin được hạ đê dài khoảng 1.100m từ khách sạn Thắng Lợi đến An Dương hạ xuống khoảng 1m thì cũng đã có tính toán cụ thể, thay thế bằng kết cấu tường chắn bê tông đảm bảo an toàn, nằm trong phần chống mực nước lũ thiết kế và chiều cao sóng, gió, mực nước dâng.

Khó nhất trong việc hạ đê sông Hồng là làm bức tường chắn bê tông ngăn lũ - (Ảnh: NLĐ).

Khó nhất trong việc hạ đê sông Hồng là làm bức tường chắn bê tông ngăn lũ - (Ảnh: NLĐ).

Tiếp nữa là phần cầu vượt, thành phố sẽ chịu trách nhiệm xây dựng và chỉ xin Bộ Nông nghiệp cho ý kiến, Bộ Nông nghiệp đã đồng ý thì không có vấn đề gì phải lo ngại”. GS.TS Vũ Trọng Hồng cho hay.

Tuy nhiên, theo Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam, điều khó nhất trong đề xuất này là làm sao để khi hạ đê xuống khoảng 1m, thay thế bằng tường bê tông mà vẫn an toàn, không trượt, không lật.

Ông cũng nhấn mạnh, Hà Nội cần phải giải thích rõ cho người dân để họ có thể yên tâm là khi tiến hành công trình này thì đê vẫn đủ sức để chống đỡ được mực nước lũ thiết kế và vẫn an toàn cho người dân trong mùa mưa lũ.

GS. Hồng phân tích, về đề xuất thay khối đất ở giữa về công tác chống lũ thì quan trọng nhất là bức tường. Hiện nay, Hà Nội cũng đang tiếp tục xin ý kiến các chuyên gia, thiết kế để làm sao bức tường được an toàn.

“Hà Nội thực hiện chỉnh trang đô thị thì đó nằm trong thiết kế quy hoạch, còn việc chỉnh trang này có gây tốn kém mà có hiệu quả hay không thì lại thuộc về lĩnh vực khác”, GS. Vũ Trọng Hồng bày tỏ quan điểm.

Theo GS. Hồng, quá trình thi công, các đơn vị thực hiện cũng phải có những phương án để báo cho các chuyên gia tham vấn, phải đảm bảo đường dân sinh ở hai bên như cũ, hoạt động của dân hai bên đường không thay đổi, nghĩa là không có giải tỏa, chủ yếu chỉ liên quan đến khối đất ở giữa mà hiện nay đang có đường đi chính.

Trong khi đó, dù đồng tình với phương án Hà Nội đưa ra song Bộ NN&PTNT cũng nhấn mạnh: Đê Nghi Tàm là tuyến đê cấp đặc biệt có vai trò quan trọng trong đảm bảo an toàn chống lũ cho khu vực trung tâm thủ đô nên đề nghị TP chỉ đạo các cơ quan liên quan phải có phương án thiết kế đảm bảo cao trình mặt đê đất sau khi hạ thấp không được thấp hơn mực nước lũ thiết kế tương ứng tại vị trí công trình.

“Phải tổ chức khảo sát địa chất công trình để tính toán, lựa chọn giải pháp gia cố phù hợp, đảm bảo an toàn chống lũ, đặc biệt là giải pháp gia cố chống thấm nền đê; kiểm tra rà soát việc tính toán ổn định đê, tường chắn, cửa khẩu… Bộ NN&PTNT đề nghị TP Hà Nội xây dựng phương án hộ đê, quản lý vận hành đảm bảo an toàn khi có lũ, đặc biệt là trường hợp tường chắn, cửa khẩu bị sự cố”, Bộ NN&PTNT nêu trong văn bản số 10309/BNN-TCTL do Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng ký.

Bên cạnh đó, Bộ NN&PTNT đề nghị TP Hà Nội tiếp tục tiếp thu, giải trình các ý kiến góp ý của Hội Thủy lợi Việt Nam, ý kiến của các chuyên gia trong lĩnh vực đê điều, thủy lợi tại các Hội nghị lấy ý kiến góp ý, tư vấn thẩm tra và cử Sở NN&PTNT Hà Nội để hoàn chỉnh phương án thiết kế, xây dựng biện pháp và tiến độ thi công phù hợp đảm bảo an toàn chống lũ và giao thông trong quá trình thi công.

Theo Nhất Nam - Đỗ Huệ - Người đưa tin

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X