Hotline 24/7
08983-08983

Giáo sư Trương Nguyện Thành đã thắng

Cần phải cảm ơn thái độ ầm ĩ quan tâm của dư luận, thậm chí còn mong mọi người hãy ầm ĩ thêm nữa đi, càng nhiều càng tốt.

Những tranh cãi quanh việc GS Trương Nguyện Thành - Phó Hiệu trưởng ĐH Hoa Sen (TPHCM) - mặc áo thun, quần đùi giảng dạy trước sinh viên vẫn chưa “hạ nhiệt”. Tôi không có ý định lên tiếng về chuyện này vì bản thân đã nghĩ chẳng có gì để phải bàn hay tranh cãi về chuyện một giáo sư ăn mặc thế nào lên lớp, trừ khi sinh viên trong lớp học của thầy la ó và phản đối.

Song, ngay cả khi sự việc đã được giải thích và làm rõ một cách rất thuyết phục và hợp tác từ phía nhà trường và chính giáo sư, rằng cách ăn mặc đó là để minh họa cho bài dạy của mình, thì nhiều người vẫn không chấp nhận, vẫn quyết tâm "ném đá" giáo sư nên tôi cũng muốn góp vào đây một cách nhìn.

Giáo sư Trương Nguyện Thành mặc trang phục
GS Trương Nguyện Thành mặc trang phục "phá cách" để minh họa: "Muốn sáng tạo phải phá bỏ giới hạn". Ảnh: Facebook Vũ Anh

Lúc đầu, tôi vẫn thấy có điều rất lạ là mỗi giây mỗi phút trong xã hội có biết bao nhiêu chuyện xảy ra, chuyện bạo hành có, chuyện quan lại tham nhũng có, chuyện bày trò hãm hại người có…, vậy mà thiên hạ lại nhắng cả lên chỉ vì mỗi chuyện một vị giáo sư mặc áo thun quần đùi giảng bài.

Cả khi có chuyện đó đi nữa thì cũng đâu đến mức phải ầm ĩ lên giống như muốn quy cho giảng viên thành tội đồ vậy. Nếu như năng lượng quan tâm chu đáo này được chuyển hóa sang sự quan tâm đến công việc họ đang làm, những người thân của họ thì xã hội này sẽ tốt đẹp lên biết bao nhiêu.

Sau đó, tôi nghĩ khác đi rằng, cần phải cảm ơn thái độ ầm ĩ quan tâm của dư luận, thậm chí còn mong mọi người hãy ầm ĩ thêm nữa đi, càng nhiều càng tốt. Vì sao như vậy? Bởi chính nhờ sự ầm ĩ thái quá ấy mà bài học chỉ dành cho một đối tượng sinh viên của Đại học Hoa Sen có được cơ hội mở rộng ra toàn xã hội, mở rộng ra nhiều lớp người, cả trí thức và những người bình dân. Vậy chẳng phải chính nhờ sự ồn ào của đám đông hay sao!

Ít nhất có hai thông điệp đã được gửi đi từ bài giảng mặc áo thun, quần đùi của giáo sư. Thông điệp thứ nhất đó chính là phá bỏ định kiến mà theo giáo sư đó là rào cản của sự sáng tạo.

“Chẳng hạn tôi đưa cho bạn một quả trứng, tôi nói bạn không được ăn, không làm thực phẩm, thì bạn làm gì với quả trứng? Bạn phải nghĩ ra những gì người khác chưa bao giờ làm, còn những gì người khác làm rồi thì đừng hy vọng.

Hay hằng ngày, chúng ta vận đồ bình thường, thì bây giờ có thể làm gì khác hơn không? Tôi để slide đó và nói với sinh viên của tôi, "chờ thầy một phút".

Một phút sau, tôi bước ra, tôi mặc áo vest và quần đùi. Sinh viên của tôi bắt đầu cười nói, rồi ồ lên. Các em không bao giờ nghĩ thầy làm như thế. Không ai nghĩ thầy lại mặc áo vest và cái quần đùi đó.

Tôi nói với sinh viên: Tại sao các em lại cười? Thầy có làm gì phạm pháp đâu? Các em cười như thế là trong đầu các em đang có định kiến. Giờ tôi muốn nói lại điều đó với dư luận”. (Chia sẻ của giáo sư Thành).

Song, bản thân tôi lại thấy, định kiến không chỉ là rào cản của sự sáng tạo mà còn là rào cản của thái độ tôn trọng người khác, tôn trọng sự khác biệt. Nếu một xã hội mà chỉ cần thấy ai đó khác mình là nhảy xổ vào thiếu đường ăn tươi nuốt sống thì làm sao nói đến chuyện tạo cơ hội cho sự sáng tạo, cho cái mới phát triển.

Thông điệp thứ hai đó phải tìm hiểu thấu đáo một vấn đề khi đánh giá và bàn luận. Nhiều người chỉ nghe nói giáo sư mặc quần đùi áo thun dạy học và bắt đầu làm “thánh phán, thánh chửi” chứ chẳng cần biết ông mặc trong ngữ cảnh nào, nhằm mục đích gì.

Rõ ràng đối tượng phản đối và la ó ông trước hết phải là sinh viên có mặt trong lớp học hôm đó, sao họ say sưa với bài học mà những người đứng ngoài thì lại thương vay khóc mướn rằng các em ấy bị xúc phạm, bị thiếu tôn trọng…

Thật quá lạ kì. Một tấm hình chụp cá chết la liệt tràn bờ biển bị hàng ngàn bình luận người Việt chửi bới vào vụ cá chết năm ngoái trong khi sự thật thì tấm hình đó chụp một hồ ở Mỹ cách đây đã hơn 50 năm.

Giáo sư Trương Nguyện Thành đã cho chúng ta một bài học về định kiến và chính bài học đã vấp phải định kiến trong xã hội. Và chính vì vấp phải định kiến mà thông điệp từ bài giảng của ông đã vượt ra khỏi lớp học để đến được với nhiều người.

Cảm ơn giáo sư và cũng cảm ơn sự ầm ĩ của những “anh hùng bàn phím” đã giúp cho tôi vượt qua định kiến của chính mình để có được bài viết này.

Theo Thủy Lâm - Lao động

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X