Hotline 24/7
08983-08983

Giành lại vỉa hè cho người đi bộ, cớ sao phải lắp barie?

"Nếu tai nạn xảy ra thì ai chịu trách nhiệm? Chúng ta muốn ngăn chặn việc vi phạm pháp luật nhưng nếu có tai nạn thì lại vi phạm pháp luật", TS Phạm Sanh nói.

Chiều 13/2, ông Đoàn Ngọc Hải, Phó chủ tịch UBND quận 1 (TPHCM) cùng Đội quản lý trật tự đô thị, tổ công tác Cảnh sát trật tự đã phối hợp tổ chức kiểm tra, xử phạt các trường hợp lấn chiếm lòng lề đường, vỉa hè trên địa bàn phường Đa Kao, Tân Định (quận 1).

Quyết "giành lại" vỉa hè

Đó là buổi kiểm tra đầu tiên mà lãnh đạo UBND quận 1 trực tiếp xuống các tuyến đường xử lý hành vi lấn chiếm vỉa hè ở các phường. Sắp tới, một tuần hai lần, lãnh đạo quận 1 sẽ trực tiếp đi xử phạt; đồng thời, Đội quản lý trật tự đô thị quận 1 kiểm tra thường xuyên, với quyết tâm "đòi lại" vỉa hè cho người đi bộ.

Gianh lai via he cho nguoi di bo, co sao phai lap barie? hinh anh 1
Phó chủ tịch UBND quận 1 (TPHCM) Đoàn Ngọc Hải trao đổi với lãnh đạo phường Tân Định về tình trạng lấn chiếm vỉa hè trên đường Trần Quang Khải chiều 13/2. Ảnh: Hoàng Bình.

Ông Đoàn Ngọc Hải cho biết tình trạng vi phạm trật tự đô thị tại quận 1 đã tồn tại từ rất lâu, nay chính quyền vào cuộc quyết liệt để xử lý, lấy lại bộ mặt văn minh, hiện đại, an toàn sạch đẹp cho quận trung tâm của thành phố.

"Vỉa hè phải trả lại đúng chức năng của nó dành cho người đi bộ. Quận đang nỗ lực từng chút một để chấn chỉnh tình trạng này", ông Đoàn Ngọc Hải nói.

"Chúng tôi sẽ không đánh trống bỏ dùi hay làm theo phong trào trong công tác chấn chỉnh vỉa hè. Đích thân lãnh đạo quận sẽ trực tiếp kiểm tra 2 lần mỗi tuần, còn Đội quản lý trật tự đô thị quận 1 và các phường sẽ làm thường xuyên để “đòi lại” vỉa hè cho người đi bộ", ông Hải khẳng định.

Đầu tháng 1, UBND Phường Bến Nghé (quận 1) phối hợp với Khu quản lý giao thông đô thị số 1 (Sở Giao thông vận tải) tổ chức thí điểm lắp barie trên vỉa hè các tuyến đường Lý Tự Trọng, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Pasteur... để ngăn chặn xe máy chạy lên lề đường.

Theo ông Võ Quốc Hưng, Phó chủ tịch UBND phường Bến Nghé (quận 1), hiện nhiều tuyến đường trung tâm TP có rất đông du lịch quốc tế, học sinh đi lại trên vỉa hè hàng ngày. Tuy nhiên, vào giờ cao điểm, cứ thấy giao thông ùn tắc là nhiều người điều khiển xe máy leo lên vỉa hè, gây nguy hiểm cho du khách, học sinh.

Gianh lai via he cho nguoi di bo, co sao phai lap barie? hinh anh 2
Dù vỉa hè được lắp barie rồi nhưng nhiều xe máy vẫn cố lách qua khoảng trống để lên vỉa hè. Ảnh: Tùng Tin.

Tai nạn xảy ra, ai chịu trách nhiệm?

TS Phạm Sanh, chuyên gia giao thông, giảng viên Đại học Giao thông vận tải TPHCM, cho biết các giải pháp "đòi lại" vỉa hè của quận 1 rất tốt. Tuy nhiên, TS Phạm Sanh phản đối việc lắp barie ở vỉa hè ở trung tâm TP.

Ông Sanh cho biết việc lắp barie ở vỉa hè nhằm ngăn chặn người tham gia giao thông vô ý thức. Nhưng chính barie làm ảnh hưởng đến người đi bộ, đặc biệt là người khuyết tật, đi xe lăn.

"Nếu tai nạn xảy ra thì ai chịu trách nhiệm? Chúng ta muốn ngăn chặn việc vi phạm pháp luật nhưng nếu có tai nạn thì lại vi phạm pháp luật", TS Phạm Sanh nói.

Theo TS Phạm Sanh, cơ quan chức năng cần xử phạt thật mạnh, nghiêm minh những người lái xe lên vỉa hè thì người dân sẽ dần dần nâng cao ý thức. "Luật đã quy định rồi thì cứ thế xử phạt", ông Sanh nói.

Gianh lai via he cho nguoi di bo, co sao phai lap barie? hinh anh 3
"Chúng ta muốn ngăn chặn việc vi phạm pháp luật nhưng nếu có tai nạn thì lại vi phạm pháp luật", TS Phạm Sanh nói. Ảnh: Tùng Tin.

Đồng quan điểm với TS Phạm Sanh, KTS Ngô Viết Nam Sơn cho rằng giải pháp lắp barie chưa phù hợp với cảnh quan đô thị, tình hình giao thông hiện nay. Việc lắp barie thấp, ít màu phản quang sẽ gây tai nạn cho trẻ em, du khách. Các barie chắn vỉa hè sẽ làm mất sự thông thoáng, thoải mái, làm ảnh hưởng đến việc đi lại của du khách và người khuyết tật.

"Hành vi đi xe lên vỉa hè là một thói quen. Về ngắn hạn để thay đổi thói quen xấu ấy, cơ quan chức năng cần đẩy mạnh công tác kiểm tra xử phạt. Còn giải pháp lâu dài là việc quy hoạch hạ tầng đô thị thông thoáng, ít kẹt xe thì người dân sẽ giảm việc lái xe lên vỉa hè", ông Sơn đề xuất.

Ông Hưng cho biết việc lắp barie được phường phối hợp với Khu Quản lý giao thông đô thị số 1 thực hiện thí điểm, nếu hiệu quả sẽ đề xuất lên quận và thành phố. Trong quá trình thí điểm, nếu người dân góp ý bất tiện hay gây nguy hiểm cho người đi bộ, chúng tôi sẽ lắng nghe, thảo luận và điều chỉnh cho hợp lý.

Chạy xe trên vỉa hè bị xử phạt từ 300.000-400.000 đồng

Theo nghị định 46 về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, người điều khiển môtô, xe máy (các loại xe tương tự) không đi bên phải theo chiều đi của mình, đi không đúng phần đường, làn đường quy định hoặc đi xe trên hè phố (vỉa hè), trừ trường hợp đi qua hè phố để vào nhà, sẽ bị phạt 300.000-400.000 đồng.

Nghị định 46 cũng nêu rõ nhiều cơ quan chức năng có thẩm quyền xử phạt khi phát hiện người đi xe vi phạm khi đi trên vỉa hè, gồm: Chủ tịch UBND các cấp, cảnh sát giao thông, cảnh sát trật tự, cảnh sát phản ứng nhanh, cảnh sát cơ động, cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, trưởng công an xã (phường)...


Theo Phước Tuần - Zing.vn

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X