Hotline 24/7
08983-08983

Giải Nobel Hòa bình năm 2015: Vì sao bốn tổ chức Tunisia được giải?

Tunisia đã rơi vào cảnh nồi da xáo thịt nếu không có nhóm đối thoại quốc gia.

Giải Nobel Hòa bình năm 2015 đã được trao cho bốn tổ chức thuộc nhóm đối thoại quốc gia ở Tunisia (Bắc Phi) do công lao đóng góp quyết định trong thời kỳ quá độ dân chủ sau cách mạng hoa nhài năm 2011. Ngày 9/10, Ủy ban Nobel đã công bố như trên.

Như vậy giải Nobel Hòa bình năm nay được trao cho tập thể chứ không phải cá nhân và đây là lần đầu tiên Tunisia được trao giải Nobel Hòa bình.

Bốn tổ chức thuộc nhóm đối thoại quốc gia ở Tunisia gồm Tổng Liên đoàn Lao động Tunisia (đại diện người lao động), Liên minh Công nghiệp, Thương mại và Thủ công nghiệp Tunisia (đại diện chủ doanh nghiệp), Liên đoàn Luật sư Tunisia và Hội Nhân quyền Tunisia.

Cách mạng hoa nhài ở Tunisia (hoa nhài là biểu tượng của quốc gia Tunisia) đã lật đổ Tổng thống Ben Ali sau 23 năm cầm quyền.

Ngày 28/12/2010, Tổng thống Ben Ali (thứ hai từ trái sang) vào bệnh viện thăm nạn nhân Mohamed Bouazizi. Tối đó, ông tuyên bố bọn cực đoan đã biểu tình gây rối

Sau đó tình hình Tunisia hết sức rối ren. Đất nước Tunisia có 98% dân số theo đạo Hồi. Ngày 17/1/2011, chính phủ đoàn kết dân tộc được thành lập. Đảng Hồi giáo Ennahda (trước đó bị cấm hoạt động) đã thắng cử và lên cầm quyền.

Do trong chính phủ có một số người của đảng Tập hợp Hiến pháp Dân chủ (đảng của Tổng thống Ben Ali) nên biểu tình bạo lực lại bùng nổ.

Tình trạng khẩn cấp ban hành từ đầu năm 2011 vẫn phải tiếp tục duy trì.

Đến tháng 7/2012, bạo động bùng nổ ở Tunis sau khi bộ phim Sự ngây thơ của người Hồi giáo do Mỹ sản xuất được công chiếu. Các nhóm Hồi giáo kéo đến đập phá và đốt đại sứ quán Mỹ. Chính quyền điều động quân đội và vệ binh trấn áp.

Năm 2013 đã xảy ra hai vụ Hồi giáo cực đoan ám sát hai nhân vật đối lập của cánh thế tục là ông Chokri Belaid (ngày 6/2/2013) và ông Mohamed Brahmi (ngày 25/7/2013). Các văn phòng của đảng Hồi giáo Ennahdha bị đốt.

Trung tâm thủ đô Tunis trở thành chảo lửa. Người biểu tình đòi giải tán chính phủ (đa số là người Hồi giáo), giải tán Quốc hội. 42 nghị sĩ đối lập rút khỏi Quốc hội. Quốc hội phải ngừng hoạt động.

Sau đó chính phủ phải chấp thuận cho bốn tổ chức nêu trên tổ chức cho các đảng thương lượng với nhau để thành lập chính phủ kỹ trị.

Đến tháng 3/2014, tình trạng khẩn cấp được dỡ bỏ. Các đảng đã nhất trí lộ trình để cuối cùng thông qua được hiến pháp trong năm 2014. Cuối năm, ông Beji Caid Essebsi thuộc đảng thế tục được bầu làm tổng thống.

Báo Le Monde (Pháp) nhận định bốn tổ chức được trao giải Nobel Hòa bình đã có công giải tỏa xung đột giữa phe Hồi giáo và phe thế tục, nhờ vậy Tunisia đã tránh được hỗn loạn.

Cao ủy Đối ngoại EU Federica Mogherini đánh giá các tổ chức Tunisia được trao giải Nobel đã mở lối thoát cho khủng hoảng khu vực.

- 17/11/2010: Người dân bất bình sau khi thanh niên Mohamed Bouazizi (tốt nghiệp đại học nhưng thất nghiệp) bán rau cải ở Sidi Bouzid tự thiêu vì xe đẩy và cân bị tịch thu.

- 19/12: Cảnh sát trấn áp biểu tình.

- 22/12: Một thanh niên thất nghiệp tự sát bằng điện. Biểu tình lan rộng. Cảnh sát bắn đạn thật gây chết người.

- 28/12/2010: Tổng thống Ben Ali lên truyền hình khẳng định các phần tử cực đoan đã biểu tình gây rối.

- 6/1/2011: Hàng ngàn luật sư đình công, kế đến là giới chức tòa án.

- 10-1: Toàn bộ trường học bị đóng cửa. Bộ trưởng Nội vụ bị sa thải. Giới nghiêm ở Tunis.

- 14/1: Tổng thống Ben Ali giải tán chính phủ, thông báo bầu cử Quốc hội trước thời hạn. Giới nghiêm toàn quốc. Thủ tướng Mohamed Ghannouchi tuyên bố tổng thống không còn quyền hạn và ông sẽ tạm quyền.

- 15/1/2011: Tổng thống Ben Ali và gia đình chạy sang Saudi Arabia, chấm dứt 23 năm cầm quyền. 100 người chết trong biểu tình.


Theo Hoàng Duy - Pháp luật TPHCM

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X