Hotline 24/7
08983-08983

Giấc mơ công nghiệp phụ trợ Việt: Ốc vít mơ mặt bằng

Doanh nghiệp đủ vốn lại thiếu mặt bằng, có vốn lại thiếu dây chuyền sản xuất.. nếu liên kết lại sẽ tạo chuỗi thúc đẩy tốt.

Doanh nghiệp đơn lẻ loay hoay tìm nguồn hỗ trợ

Một số doanh nghiệp trong ngành công nghiệp hỗ trợvừa chia sẻ những khó khăn hiện nay trong sản xuất sản phẩm phụ trợ chủ yếu bởi thiếu vốn, không có thị trường đầu ra, giá nguyên liệu nhập cao, máy móc và trình độ kỹ thuật chưa đảm bảo đúng yêu cầu của đối tác, chất lượng nhân sự thấp...

Tuy nhiên, một một doanh nghiệp thành công trong ngành công nghiệp hỗ trợ và đưa sản phẩm của mình ra thị trường thế giới - ông Phạm Trung Hiếu, Giám đốc Công ty CP Sông Nam thường được biết đến là "Hiếu ốc-vít" chia sẻ những điều khó khăn khác.

Giac mo cong nghiep phu tro Viet: Oc vit mo mat bang
"Hiếu ốc vít" thành công trên con đường đưa sản phẩm Việt Nam ra thế giới.

Trao đổi với Đất Việt, ông không cho rằng vốn và công nghệ lại là những khó khăn.

"Một DN mà nói tới thiếu vốn thì tôi cho là không phù hợp bởi khi đã bắt tay vào làm kinh tế, đó là chuyện đương nhiên phải tính toán và làm sao để xoay vòng được vốn. Công nghệ kỹ thuật dây chuyền cũng vậy. Khi DN muốn phát triển và mở rộng sản xuất đều phải xoay vòng tiền để đầu tư công nghệ, nâng cao chất lượng sản xuất. Do vậy, công nghệ là thứ có thể đầu tư dần dần. Máy móc có thể nâng cấp dần" - ông Hiếu chia sẻ.

Ông Hiếu chia sẻ, doanh nghiệp của ông hiện nay chỉ gặp khó ở chỗ không có đủ mặt bằng để sản xuất.

"Ở Việt Nam, mặt bằng là tốn kém nhất. Vốn hay công nghệ có thể đầu tư dần dần nhưng mặt bằng thì không như vậy được. Mỗi lần đầu tư mặt bằng phải tốn kém rất nhiều tiền. DN vừa và nhỏ đa phần phải đi thuê mặt bằng để sản xuất. Khi phải đi thuê, sẽ có nhiều vấn đề phát sinh, giá đất tăng khi đầu tư sinh lời, vấn đề phát sinh của chủ đất..." - ông Hiếu nói.

Ông Hiếu mong mỏi, nếu nhà nước tạo được điều kiện cho DN về mặt bằng, quy hoạch, cho vay lãi suất 0% đã là các điều kiện đặc biệt thuận lợi cho doanh nghiệp. Còn về vốn và công nghệ thì đó là việc đương nhiên doanh nghiệp phải xoay sở và tính toán sao cho có hiệu quả.

"Nếu có mặt bằng sản xuất, vấn đề nào cũng xong"- ông Hiếu chia sẻ.

Mặt khác, ông Hiếu nhận định, nhiều công ty hiện nay được đầu tư hỗ trợ lớn nhưng không có hiệu quả mà vẫn được tiếp tục gỡ rối, gỡ khó. Có công ty làm ăn chân chính, cần được hỗ trợ lại không được với được cho tới các gói hỗ trợ. Doanh nghiệp ngày nay lẫn lộn, nhộm nhoạm nên cần có đánh giá năng lực doanh nghiệp cụ thể để thanh lọc thị trường và đảm bảo các chính sách của Nhà nước tới được các doanh nghiệp thực sự có nhu cầu.

Làm ốc vít cũng cần liên kết

Theo GS. TS. Đặng Đình Đào - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển, Đại học KTQD Hà Nội- vốn, công nghệ hay mặt bằng... chỉ là một phần trong những vấn đề khó khăn của mỗi doanh nghiệp. Mỗi doanh nghiệp có lợi thế về điểm này nhưng lại gặp khó ở điểm khác nên không thể nói lý do nào là lý do quan trọng hơn của tổng thể các doanh nghiệp ở Việt Nam.

Riêng về vốn, hiện nay Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Nếu tiếp tục hỗ trợ vốn nữa thì sẽ vi phạm các nguyên tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), không đảm bảo tính cạnh tranh và năng lực tự thân của doanh nghiệp Việt.

Chưa kể, nhiều DN ở Việt Nam làm ăn theo kiểu "chộp giật" tức là thương vụ đầu tiên làm được, "ăn" được. Nhưng tới thương vụ sau thì không còn được chất lượng, chữ "Tín" như vậy nữa. Còn hiện tượng, làm ăn kinh doanh không theo được quy tắc của thị trường có nghĩa doanh thu được tạo ra không bằng việc mở rộng thị trường, nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm chi phí... mà bằng luồn lách, gian lận để có nguồn thu. Sự không minh bạch như vậy khiến DN Việt không làm ăn lâu dài với nước ngoài được. Như vậy, yếu tố con người là đặc biệt quan trọng và là yếu tố quyết định.

Song có thể nói rằng, phương hướng để giải quyết tất cả các khó khăn mà DN trong lĩnh vực công nghệ phụ trợ đang thiếu thốn là ở 3 hướng: Thị trường trong nước, thị trường xuất khẩu, thị trường cho các doanh nghiệp nước ngoài đang đầu tư ở Việt Nam (xuất khẩu tại chỗ).

Hiện nay, về mặt chính sách Nhà nước đã tạo được điều kiện tối đa cho doanh nghiệp phụ trợ ở Việt Nam, vấn đề nằm ở chỗ doanh nghiệp phải tự thân vận động.

Từ việc mỗi DN kêu khó ở mỗi vấn đề, người kêu khó chỗ này, người kêu khó chỗ khác cho thấy thực sự cần một nơi để liên kết các doanh nghiệp, vừa tận dụng được nguồn lực của nhau, vừa khắc phục những điểm yếu.

Giac mo cong nghiep phu tro Viet: Oc vit mo mat bang
Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam không thiếu chính sách, chỉ thiếu đồng bộ.

"Hãy hình dung một nhà 5 tầng mà không có công trình phụ, xây một khu chung cư rộng lớn nhưng không có trường học, nhà trẻ, công viên, bệnh viện... Ngành công nghiệp phụ trợ của chúng ta đang như vậy. Ở các nước Hà Lan, Pháp, Ý... dọc tuyến quốc lộ, họ có các trung tâm Logistics. Cứ 40-50km lại có một trung tâm đầy đủ các phương tiện vận tải, cơ sở sản xuất, thúc đẩy được tiêu thụ, giảm chi phí lưu thông... Nhưng ở Việt Nam hiện nay, đi suốt 1.700 km đường từ Hà Nội tới TPHCM không có một trung tâm nào" - GS.TS. Đặng Đình Đào chia sẻ.

Cùng chia sẻ như vậy, PGS.TS Nguyễn Văn Nam - nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu thương mại cho rằng, Nhà nước đã có rất nhiều chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp: chính sách về vốn, về đầu tư thiết bị khoa học công nghệ, đầu tư cơ sở hạ tầng... nhưng thực hiện lại tùy nghi, chưa đồng bộ nên chưa có hiệu quả sát thực.

"Muốn đồng bộ trong thực hiện thì phải có một Khu công nghiệp phụ trợ tập trung phân phối ở nhiều khu vực. Khu đó có đầy đủ các chính sách vốn, khoa học, mặt bằng.. thì doanh nghiệp mới hưởng lợi từ đó mà vận hành hiệu quả, có quản lý, đánh giá, kiểm soát. Địa phương nào xét thấy nhu cầu doanh nghiệp còn thiếu cái gì thì vận dụng chính sách đó sao cho hiệu quả từ dưới lên trên" - PGS.TS Nguyễn Văn Nam nhận định.

 
Trung tâm logistics sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp ở nhiều địa phương.

Vị chuyên gia cho hay, trước đây, Việt Nam đã có các Nghị quyết về việc xây dựng một KCN phụ trợ cho ngành dệt may song buộc phải bỏ ngang vì có một số vấn đề vi phạm quy định thuộc điều kiện gia nhập WTO.

Như vậy, hiện nay, cần có nghiên cứu về luật kỹ càng để tạo được điều kiện thành lập khu công nghiệp phụ trợ quy mô vừa và nhỏ ở các địa phương sao cho hỗ trợ tối đa doanh nghiệp Việt đồng thời không vi phạm các quy tắc, nguyên tắc mà tổ chức thương mại thế giới chúng ta hiện đã trở thành thành viên.

Theo Cúc Phương - Đất Việt

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X