Hotline 24/7
08983-08983

Giả chân hoại tử để xin tiền tái xuất trên đường phố Hà Nội

Từng bị đuổi đánh vì làm giả chân hoại tử để xin tiền, những ngày qua “cái bang” này tiếp tục xuất hiện trên đường phố Hà Nội khiến nhiều người phẫn nộ.

Nam thanh niên cố tình để lộ chiếc chân giả bị hoại tử để cầu xin sự giúp đỡ của mọi người (ảnh cắt từ clip do bạn đọc cung cấp).
Nam thanh niên cố tình để lộ chiếc chân giả bị hoại tử để cầu xin sự giúp đỡ của mọi người (ảnh cắt từ clip do bạn đọc cung cấp)

Clip sốc về “cái bang hoại tử chân”

Một kịch bản xin tiền của “cái bang” đã cũ nhưng thời gian gần đây lại xuất hiện trên tuyến đường mới của Hà Nội. Cứ đến giờ cao điểm, tại khu vực ngã tư Tôn Đức Thắng - Quốc Tử Giám (quận Đống Đa, TP.Hà Nội), người dân lại chứng kiến hình ảnh một nam thanh niên với bộ dạng đau đớn bởi một bên chân bị hoại tử. Sau khi hỏi chuyện và biết người này có hoàn cảnh khó khăn, không ít người hảo tâm đã cho tiền, động viên anh này sớm có điều kiện chữa bệnh.

Sự việc diễn ra trong suốt nhiều ngày thì bất ngờ, khoảng đầu tháng 6/2016, cư dân mạng xôn xao với đoạn video “bóc mẽ” thủ đoạn tinh vi của “cái bang” này. Theo đó, đoạn video dài khoảng 3 phút ghi lại cảnh người đàn ông mặc quần short ngắn đi giày thể thao tóc cắt cua đến hỏi thăm một nam thanh niên đang ngồi đếm tiền tại đoạn công viên thuộc Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Trong clip, “nhân vật chính” có bề ngoài rất khỏe mạnh, nước da đen, cơ thể hoàn toàn lành lặn. Phía bên dưới, cái chân được buộc gạc trắng và bông băng nhưng vẫn để lộ ra phần chân đang bị hoại tử nhìn rất sợ hãi.

Khi người đàn ông tiến đến hỏi thăm về vết thương và ngỏ ý muốn xem vết thương có nặng lắm không sẽ giúp đỡ thì người thanh niên “hoại tử chân” trả lời đã đi chụp chiếu, nhưng vết thương còn rất nặng và không đủ tiền chạy chữa nên phải đi xin mọi người giúp đỡ. Anh ta cũng sướt mướt nói rằng nếu không có tiền chạy chữa, chân sẽ bị hoại tử và sẽ phải cưa bỏ. Vừa nói người thanh niên vừa kéo chiếc quần dài để lộ ra vết thương hở đang bị hoại tử vừa rộng, vừa dài nhìn rất đáng sợ.

Bóc mẽ chiêu trò cũ

Thực chất, đây là một người khỏe mạnh, giả bệnh tật để kiếm tiền từ tình thương của người đi đường.
Thực chất, đây là một người khỏe mạnh, giả bệnh tật để kiếm tiền từ tình thương của người đi đường

Người đàn ông trong clip đề nghị thanh niên ăn xin cho mượn lọ thuốc sát trùng. Ngay lập tức nam thanh niên lấy ra lọ sát trùng khá to và thanh minh “một ngày em sát trùng nhiều lần để tránh nhiễm trùng vào máu”. Để kiểm chứng, người đàn ông mở lọ sát trùng bôi cho người thanh niên lấy tay ấn vào vùng ngoài vết thương hở, nước sát trùng nhỏ vào vết thương, nhưng anh ta không có gì tỏ ra đau đớn.

Người đàn ông tiếp tục ngỏ ý muốn đưa nam thanh niên đi viện để khám xét và sẽ giúp đỡ tài chính. Tuy nhiên, nam thanh niên từ chối với lý do: “Em bị mắc bệnh thế kỷ AIDS nên không đi viện” và tiếp tục đưa tay vào trong chiếc túi lấy tiền lẻ ra xếp lại với nhau. Có lẽ nhận ra khuôn mặt quen thuộc của người thanh niên từng giả làm chân hoại tử để xin tiền này ở địa bàn khác trước đây, một người đi cùng đã xông vào dạy cho nam thanh niên bài học.

Bị người dân đấm đá, nam thanh niên biết mình bị lộ nên chỉ ôm đầu chịu trận và cầu xin mọi người tha thứ. Khi được người dân bỏ qua, nam thanh niên ngồi dậy nhặt những đồng tiền lẻ vương vãi khắp nơi và bỏ đi.

Chia sẻ với chúng tôi, chị Lương Hiền, người chứng kiến vụ việc cho biết: “Sau nhiều ngày chứng kiến nam thanh niên này bị thương nặng ở chân và ngồi xin tiền người qua đường nhưng khi đi lại không hề tỏ ra đau đớn nên mọi người nghi ngờ. Lúc người này đang đếm tiền sau giờ “kiếm ăn” thì một anh đến hỏi thăm và vạch trần sự thật. Từ khi bị bóc mẽ sự thật người này không xuất hiên nữa. Rất có thể kẻ lừa bịp lại sang địa bàn khác. Qua sự việc này tôi mong mọi người có cách nhìn đúng về lòng thương khi bỏ tiền làm từ thiện. Bởi thực tế, không phải cứ bỏ ra ít tiền cho họ là tốt vì đó có thể mình tiếp tay cho những kẻ lừa đảo”.

Từng là nạn nhân của “cái bang” này, bạn Diễm Lê cho biết ban đầu bạn đã rất thương cảm khi chứng kiến cảnh người đàn ông đau đớn với chiếc chân hoại tử. “Người này hóa trang quá chuyên nghiệp, bên trong túi còn mang theo cả thuốc sát trùng, băng gạc. Chỉ người có chuyên môn mới phát hiện được vết thương đó thật hay giả. Bởi vậy, gần như ai đi qua cũng cho tiền, người ít thì 2.000 đồng, nhiều thì 50.000 đồng, có người cả trăm ngàn đồng. Người này hay ngồi ngay ngã tư Văn Miếu - Tôn Đức Thắng, có buổi sáng đã xin được cả rổ tiền. Về sau khi hỏi một số người dân gần đó tôi được biết: Ban ngày nam thanh niên này giả bệnh tật để xin tiền, tối đến lại đi xe máy ra quán bia ngồi, có khi còn theo bạn bè lên quán bar tụ tập, ăn chơi”, bạn Diễm Lê cho hay.

Cứ bị phát hiện lại chọn địa điểm mới với kịch bản cũ

Theo tìm hiểu của PV Báo GĐ&XH, khoảng tháng 9/2015, nam thanh niên có “chân bị hoại tử” nói trên cũng thường xuyên xuất hiện trên đường Giải Phóng, Chùa Bộc, Ngã tư Sở, có khi về Phạm Hùng để xin tiền. Người này còn mang theo một mảnh bìa lớn ghi rõ nội dung bị tai nạn lao động máy cắt vào chân. Chủ thầu không có trách nhiệm và không có tiền điều trị nên chân bị hoại tử có thể sẽ phải cưa chân. Trong khi đó, gia đình nghèo lại ở xa, bởi vậy chỉ mong mọi người giúp đỡ để có tiền đi viện chữa trị. Nếu không sẽ bị nhiễm trùng máu nguy hiểm đến tính mạng.

Ngoài tấm bảng “hồ sơ bệnh tật” người này còn đặt một hộp thuốc, bông gạc như bị đau thật. Chỉ cần ngồi một chỗ, mặt cúi gầm trước tấm bìa ghi tiểu sử cùng chiếc túi đặt trước mặt có sẵn vài đồng tiền lẻ để mọi người thả tiền vào. Tuy nhiên, chỉ một thời gian ngắn hoạt động nam thanh niên này cũng bị người dân vạch mặt vì có nhiều dấu hiệu khả nghi như có người đề nghị đưa đi viện, nhưng nhất định không chịu đi. Kết quả người này cũng bị ăn một trận đòn nhừ tử và phải bỏ chạy.

Xác nhận sự việc, một cán bộ công an phường Quốc Tử Giám (quận Đống Đa, TP Hà Nội) cho biết: “Khoảng đầu tháng 6/2016 chúng tôi nhận được thông tin một thanh niên mặc áo xanh giả vờ bị thương để xin tiền mọi người quanh khu vực Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Tuy nhiên, đối tượng thường xuyên di chuyển các địa bàn khác nhau nên chúng tôi khó kiểm tra. Sau khi bị người phát “bóc mẽ” vết thương ở chân chỉ là hóa trang, nam thanh niên này không xuất hiện ở khu vực này nữa. Trong thời gian tới, nếu tiếp tục bắt gặp nam thanh niên này giả bệnh tật để xin tiền chúng tôi sẽ lập biên bản và xử lý nghiêm”.

Tránh đặt nhầm niềm tin

Ở góc độ nhân văn, chuyên gia tâm lý Phạm Hiền chia sẻ: “Việc cộng đồng thương cảm, chia sẻ với nỗi khổ, nỗi đau của người khác cũng là bình thường. Tuy nhiên, nếu họ cố tình giả mạo, lừa dối để kiếm tiền từ lòng thương của người khác thì đó là điều đáng lên án. Vì thế, chúng ta cũng nên tìm hiểu kỹ thông tin về những trường hợp mà mình định giúp đỡ, để không đặt nhầm niềm tin...”.

Theo Nhật Minh - Gia đình và Xã hội

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X