Hotline 24/7
08983-08983

Giá cà phê giảm, vì cung cầu hay vì chính sách tiền tệ?

Thị trường cà phê và nhiều loại hàng hóa khác đang trong cơn giảm mạnh trước tin Mỹ sẽ tăng lãi suất cơ bản trong những tháng tới.

Biểu đồ 1: Diễn biến giá đóng cửa sàn kỳ hạn robusta Ice London (nguồn: Ice London)

Các quỹ đầu cơ tuần qua phải bán "chạy lánh nạn" do khả năng thua lỗ vì chính sách tiền tệ mang lại. Giá cà phê trong nước giảm sâu.

Giá cà phê trong nước lùi về mức thấp

Dù cà phê đang vào thời điểm cuối vụ, giá cà phê thị trường trong nước vẫn đang xuống ở các mức thấp nhất tính từ ngày đầu niên vụ 1/10/2014 đến nay.

Sáng thứ Bảy 18/07, ở Lâm Đồng, giá chào mua chỉ chung quanh mức 35,5 triệu đồng/tấn, còn tại những vùng xa hơn cũng chỉ ngang mức 36 triệu đồng/tấn.

Lượng mua bán trao đổi qua tay không đáng kể nhưng tâm lý người còn hàng đã bắt đầu lo lắng. "Mong giá tăng để giải quyết cho xong mấy tấn cà phê còn trữ lại trong kho, nào ngờ phải ở tình thế khó xử như vầy.

Cứ tưởng giá về cuối mùa càng tăng. Đã không lên, bán cũng rất khó vì ít người chịu mua khi giá đang theo chiều xuống," ông Trần Hữu Đức, có 3 héc-ta cà phê đồng thời là chủ đại lý thu mua cà phê ở tỉnh Kontum cho biết.

Đúng vậy, thị trường cà phê hiện nay không như các năm trước: thường càng về cuối năm giá càng cao do lượng hàng vơi đi vì bán mạnh trước đó nhưng năm nay, một số người còn giữ hàng cho rằng thị trường đưa tin tồn kho chưa bán ở nước ta còn lớn để ép giá xuống thấp.

Báo cáo mới nhất của Tổng cục Hải quan cho biết rằng trong 6 tháng đầu năm 2015, xuất khẩu cà phê nước ta giảm 38% so với cùng kỳ năm 2014, chỉ đạt 685.000 tấn.

Nhiều luồng thông tin thị trường cho rằng sở dĩ xuất khẩu cà phê nước ta giảm do nhiều doanh nghiệp còn trữ hàng chờ giá lên.

Họ cho rằng "lượng cà phê chưa bán dứt khoát cũng phải ra thị trường nên giữ lại hàng mà không biết điều tiết để bán dần là lợi bất cập hại," một nhà phân tích thị trường giải thích.

Vì sao cà phê mất giá

Không chỉ giá trong nước giảm, giá kỳ hạn cà phê robusta Ice London mấy ngày gần đây cũng giảm mạnh. Riêng đóng cửa phiên cuối tuần ngày 17/7, giá kỳ hạn tại London rớt 30 đô la Mỹ/tấn chỉ còn 1.675 đô la/tấn, so với tuần trước mất cả thảy 48 đô la/tấn (xin xem biểu đồ trên).

Giá trên sàn arabica New York cũng giảm 0,40 xu/cân Anh (cts/lb) đạt 128,40 cts/lb nhưng so với tuần trước giá New York tăng 2,25 cts/lb.

Thông thường, giá hai sàn cà phê hay đi cùng chiều và hỗ trợ nhau. Tuy nhiên, tuần này, giá trên sàn New York giao dịch cho loại cà phê arabica vững hơn dù giá sàn này vẫn chịu ảnh hưởng không ít.

Thị trường cà phê vốn rất nhạy cảm với thị trường tiền tệ thế giới, nhất lại là cả hai sàn kỳ hạn cà phê robusta ở London và arabica tại New York đều lấy đồng đô la Mỹ để giao dịch.

Biểu đồ 2: Chỉ số đồng đô la Mỹ tăng (nguồn: tradingchart.com)

Tăng trưởng kinh tế Mỹ trong những tháng gần đây như tỉ lệ thất nghiệp giảm, chỉ số giá tiêu dùng tăng ổn định, tỉ lệ lạm phát tiến về gần mục tiêu đề ra của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), nên vào ngày 15/7, bà chủ tịch Janet Yellen đã nói bóng gió đến chuyện tăng lãi suất cơ bản của đồng đô la Mỹ.

Cũng bắt đầu từ ngày ấy, giá kỳ hạn robusta London rớt liên tục. Nếu như ngày 14/7 có giá đóng cửa là 1.742 đô la/tấn, ba ngày liên tiếp giảm mạnh xuống chỉ còn đến đóng cửa phiên cuối tuần ở mức 1.675 đô la/tấn. Như vậy, chỉ trong ba ngày gần nhất, giá sàn kỳ hạn London giảm 67 đô la/tấn (xin theo dõi lại biểu đồ giá đóng cửa sàn robusta London).

Tuy nhiên, các chuyên gia ngành hàng cho rằng đứng trước khả năng Fed tăng lãi suất, đồng đô la Mỹ rục rịch tăng giá, nhiều nhà đầu cơ trên sàn phải tháo cược bán nhanh "lánh nạn" chứ không phải đợi đến phút cuối.

Trên sàn kỳ hạn robusta London, tính đến hết ngày báo cáo gần nhất là 7/7/2015, các quỹ đầu cơ vẫn còn một lượng hợp đồng mua khống rất lớn, lên đến 20.554 lô tương tương với 205.540 tấn. Như vậy, lý do chính để thị trường kỳ hạn robusta suy sụp chính là các quỹ đầu cơ phải thoát cược trước khi đồng đô la Mỹ tăng mạnh.

Thật vậy, chỉ số đồng đô la Mỹ đóng cửa phiên cuối tuần ngày 17/7 đạt 97,989 điểm, là mức cao nhất tính từ giữa tháng 4/2015 đến nay (xin xem biểu đồ 2). Nhiều sàn hàng hóa nông sản giao dịch bằng tiền đô la Mỹ đều chung số phận với hai sàn cà phê, tất cả đề có giá giảm như bắp, đậu nành, lúa mì, ca cao, bông vải, gia súc…

Giá nông sản đang chịu sức xoáy của cơn bão chiến tranh tiền tệ.

Theo Nguyễn Quang Bình - Kinh tế Sài Gòn

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X