Hotline 24/7
08983-08983

Formosa Hà Tĩnh và câu chuyện buồn về bi kịch "cha chung không ai khóc"

Formosa Hà Tĩnh xả thải ra môi trường biển chính là minh chứng điển hình nhất cho hiện tượng “Bi kịch của tài nguyên dùng chung” - khái niệm được giới thiệu bởi nhà sinh thái học Garrett Hardin (1915-2003).

Hiện tượng cá chết trên vùng biển Quảng Bình (ảnh: Zing)

Tài nguyên dùng chung (common) là tài nguyên mà nhiều người có thể sử dụng nhưng việc tiêu dùng của người này lại làm giảm khả năng tiêu dùng của người kia. Một số ví dụ của tài nguyên dùng chung là bãi cá, đồng cỏ, rừng, nước, không khí, đại dương…

Tuy nhiên, dân số loài người ngày càng gia tăng cùng với sự phát triển vượt bậc của kỹ thuật công nghệ đã dẫn đến tình trạng khai thác cạn kiệt tài nguyên chung. Vào năm 1968, nhà sinh thái học Garrett Hardin cho rằng, hiện tượng tài nguyên chung bị con người khai thác một cách thiếu kiểm soát đang tăng lên trên toàn cầu. Ông đã gọi hiện tượng này là “Bi kịch của tài nguyên dùng chung” (The Tragedy of Commons).

Một thí dụ tiêu biểu về “Bi kịch của tài nguyên dùng chung” là một cách đồng cỏ chăn bò được đưa ra bởi nhà kinh tế học người Anh William Forster Lloyd. Theo đó, bên ngoài ngôi làng có một cánh đồng cỏ không có chủ. Nếu chỉ có một số lượng vừa đủ các con bò được dân làng đưa ra cánh đồng để ăn cỏ, thì cỏ vẫn sẽ mọc lại được để phục vụ cho những con bò. Thế nhưng khi số lượng bò trở nên quá tải thì cỏ sẽ chết hết. Và thế là người dân không còn cỏ cho bò ăn, qua đó việc kinh doanh của ngôi làng dựa vào chăn nuôi bò ở ngôi làng cũng “tàn lụi” dần.

Theo các nhà kinh tế học, có hai phương án để giải quyết “Bi kịch của tài sản dùng chung”. Phương án thứ nhất là tư nhân hóa bằng cách biến “của chung” thành “của riêng”. Theo đó, cánh đồng cỏ sẽ được chia nhỏ và đem đấu giá cho tư nhân, những tư nhân này sẽ tìm cách nuôi trồng cỏ và phân phối số lượng bò hợp lý để duy trì nguồn thức ăn hợp lý cho đàn bò. Phương án thứ hai là chính quyền sẽ đứng ra đánh thuế và quản lý đồng cỏ này, sau đó định mức giới hạn số bò được phép vào ăn cỏ.

Bài toán quản lý cánh đồng cỏ của Lloyd (ảnh: public domainpictures.net)

Điểm chung của cả hai phương án này là áp dụng các quy định từ bên ngoài cộng đồng, thường do chính quyền trung ương tiến hành: hoặc dưới hình thức thuế hay hạn ngạch, hoặc bằng cách tư nhân hóa. Tuy nhiên, thực tế cho thấy trong nhiều trường hợp, cả hai phương án này đều thất bại.

Ở phương án thứ nhất, do tư nhân là những người đổ tiền vào tài nguyên để mong thu được lợi nhuận tối đa trong thời gian tối thiểu, nguy cơ tài nguyên sẽ bị khai thác không có quy hoạch là rất rõ ràng. Trong khi đó, phương án thứ hai chỉ có tác dụng khi các khoản thuế nhà nước thu được từ việc quản lý đồng cỏ đảm bảo được sử dụng phục vụ lại chính người đóng thuế đó chứ không phải mang đi làm các việc “trời ơi” không phục vụ người đóng thuế.

Để giải quyết tình trạng “lắm sãi không ai đóng cửa chùa”, nhà chính trị - kinh tế học người Mỹ Elinor Ostrom (1933-2012) đã đề xuất giải pháp quản lý tài sản công trên cơ sở cộng đồng. Luận điểm trên được nhấn mạnh trong nghiên cứu về kinh tế học của bà mang tên “Quản lý tài sản dùng chung”. Chính nghiên cứu này đã giúp Ostrom trở thành người phụ nữ đầu tiên trên thế giới được trao giải Nobel Kinh tế vào năm 2009.

Trong công trình phân tích quản lý kinh tế của mình, Ostrom đã chỉ ra rằng, các cộng đồng địa phương có thể tự mình quản lý tài sản công tốt hơn so với các quyền lực áp đặt từ bên ngoài. Bởi các nhà quản lý thường không có thông tin chính xác, còn các công dân và người sử dụng tài sản đó lại nắm rõ hoàn cảnh và tập quán hơn ai hết.

Áp dụng vào thí dụ “cánh đồng cỏ chăn bò” của Lloyd, Ostrom cho rằng, cách giải quyết tối ưu có thể đạt được qua sự thỏa thuận giữa những người dùng cánh đồng cỏ với nhau. Cụ thể, dân làng sẽ tự chia lô, phân vùng với nhau và đặt ra những quy chế khai thác cánh đồng. Tuy nhiên, cách xử lý theo lối “phép vua thua lệ làng” này cần phải tuân theo 8 điểm trong quản lý cộng đồng:

1. Ai làm chủ, có chức năng gì?

2. Cần có phương thức cụ thể nhằm giải quyết các xung đột lợi ích

3. Mỗi cá nhân phải có trách nhiệm trong duy trì tài nguyên tương ứng với lợi ích mà họ hưởng

4. Cơ chế giám sát và xử lý phải do chính các thành viên thực hiện thông qua một người được ủy quyền và chịu trách nhiệm giải trình trước cộng đồng

5. Hình thức xử phạt phải được tăng dần theo cấp độ vi phạm

6. Các quyết định phải được bàn luận và thông qua một cách dân chủ, người dân có đều có quyền tham gia sửa đổi quyết định

7. Quyền tự tổ chức được nhà chức trách bên ngoài thừa nhận

8. Tranh chấp phải được giải quyết ở địa phương với phí tổn nhân sự, tiền bạc, thời gian tối thiểu.

Công trình nghiên cứu của Ostrom khiến chúng ta liên tưởng tới vụ việc Formosa Hà Tĩnh xả thải trực tiếp ra môi trường nước, gây ra hiện tượng cá chết hàng loạt tại bốn tỉnh miền Trung. Để xảy ra thảm họa môi trường Formosa chính là do có quá nhiều lỗ hổng trong quản lý mà một trong những lỗ hổng quan trọng nhất là sự lỏng lẻo từ các cơ quan quản lý công nghiệp và giám sát môi trường. Một dự án có quy mô lớn như Formosa mà cơ quan quản lý môi trường Hà Tĩnh lại không giám sát thường xuyên, không kết nối giữa trung ương và địa phương để nắm tình hình.

Trong khi đó, người dân địa phương, những người đáng lẽ phải được trao quyền quản lý “tài nguyên dùng chung” là tài nguyên biển, lại chỉ hay biết về vụ việc khi “sự đã rồi”. Thậm chí, nếu không xảy ra tình trạng cá chết hàng loạt thì người dân Hà Tĩnh không hề hay biết Formosa đã đặt một đường ống ngầm khổng lồ dưới lòng đại dương để xả thải ra biển.

Người dân miền Trung lao đao vì cá chết hàng loạt (ảnh: Lao Động)

Thực tế, trải qua 30 năm Đổi Mới, quan hệ sản xuất, đặc biệt là quan hệ sở hữu tại Việt Nam vẫn chậm chuyển biến. Mặc dù từ lâu, Nhà nước đã công nhận một nền kinh tế đa chế độ sở hữu, gồm sở hữu toàn dân, sở hữu tập thể, sở hữu tư nhân; và với nhiều hình thức sở hữu như sở hữu nhà nước, sở hữu tập thể, sở hữu tư nhân, sở hữu chung…, nhưng các định nghĩa về sở hữu vẫn còn rất mù mờ, nhiều khi là chồng chéo và/hoặc lẫn lộn, đặc biệt là sở hữu toàn dân, sở hữu nhà nước, sở hữu chung.

Chính sự mù mờ trong các khái niệm về sở hữu tài sản đã và đang gây khó khăn cho việc thiết kế và thực thi các chính sách nhằm bảo vệ tài nguyên, song lại là cơ hội lớn cho những nhóm nhỏ tìm cách trục lợi. Thực tiễn cho thấy, có một khoảng cách rất lớn giữa quy định với thực thi các quyền tài sản, cả tài sản công lẫn tài sản tư ở Việt Nam.

Cụ thể, với tài sản công, Điều 53, Hiến pháp 2013 ghi: “Đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản… là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện sở hữu và thống nhất quản lý”. Thực tiễn cho thấy, có quá nhiều bất cập, yếu kém và cả sự lạc hậu trong mô thức quản trị tài sản công dẫn đến hậu quả “bi kịch của tài nguyên dùng chung”.

Chính quyền không thể “ba đầu sáu tay” cái gì cũng biết hết, trong khi người dân địa phương buộc phải “đứng ngoài cuộc” ngay trên quê hương của mình, vô hình trung đã tiếp tay cho Formosa Hà Tĩnh phá hoại môi trường rồi “ngang nhiên” thách thức chính quyền và người dân Việt Nam “chọn cá hay nhà máy”. Con số 500 triệu USD được Formosa cam kết bồi thường và giải quyết hậu quả môi trường sẽ chỉ có tác dụng trong một khoảng thời gian hữu hạn. Trong tương lai, để giảm thiểu khả năng xảy ra một sự cố “Formosa thứ hai” cần phải có sự thay đổi trong nâng cao vai trò giám sát của người dân địa phương đối với các dự án khai thác tài nguyên thiên nhiên từ bên ngoài. Cơ chế quản lý này cần tuân theo các quy định của nhà nước, song vẫn đảm bảo minh bạch để “dân biết, dân bàn và dân kiểm tra”.

Đó chính là cốt lõi trong lý thuyết quản lý tài nguyên dùng chung của nhà kinh tế học Ostrom. Đặt tài nguyên thiên nhiên vào bàn tay của chính người dân địa phương - phần đáy của hình tháp xã hội, không chỉ tự thân có hiệu quả cao mà còn cho phép duy trì cân bằng sinh thái cho thế hệ mai sau.

Theo Vân Hồng - VnTinnhanh - Đại Đoàn Kết

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X