Hotline 24/7
08983-08983

Đóng cửa cơ sở ô nhiễm không chịu khắc phục

Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà khẳng định như vậy khi trả lời riêng Tuổi Trẻ sau hội nghị sáng 9/1.

Vi phạm xả thải của Công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh vào giữa năm 2016 đã gây ô nhiễm nghiêm trọng môi trường biển từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế. Trong ảnh: Ngư dân xã biển Đức Trạch (huyện Bố Trạch, Quảng Bình) cùng lực lượng biên phòng thu gom, chôn lấp cá chết dạt vào bờ - Ảnh: Võ Dung

Ông Hà nói:

- Phương châm bây giờ là không chấp nhận ngành phát triển gây ô nhiễm môi trường. Nhiệm vụ trọng tâm của chúng tôi là phải thực hiện các giải pháp phòng ngừa nhằm không để có thêm các cơ sở gây ô nhiễm.

* Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng lưu ý có thời kỳ thẩm định dự án, đánh giá môi trường làm hình thức. Bộ TN-MT nghĩ gì và sẽ khắc phục tình trạng này thế nào?

- Hiện nay Bộ TN-MT đang tập trung rà soát toàn bộ quy chuẩn liên quan đến phát thải. Sau đó sẽ xây dựng quy chuẩn liên quan đến phát thải tùy thuộc môi trường tiếp nhận chứ không phải ban hành quy chuẩn chung cho mọi chỗ. Phải đánh giá khả năng chịu tải của vùng, từ đó xem xét áp dụng quy chuẩn nào cho phù hợp.

Thứ hai, tới đây sẽ đưa ra danh mục về các loại hình công nghiệp tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm, thống kê lại các loại hình, xem xét các tiêu chuẩn kỹ thuật cụ thể với từng loại hình, ví như trình độ và thế hệ công nghệ. Và đương nhiên, sẽ chỉ lựa chọn công nghệ hiện đại, tiết kiệm năng lượng, ít chất thải...

Bộ trưởng Trần Hồng Hà - Ảnh: V.D.

* Như vậy các bước thẩm định đánh giá tác động môi trường sẽ thay đổi, thưa ông?

- Sẽ có thay đổi trong thẩm định, đánh giá tác động môi trường. Ban đầu chỉ đánh giá sơ bộ, xem xét có phù hợp quy hoạch không. Sau đó sẽ phải xem xét đánh giá rõ công nghệ, chất thải... để làm cơ sở cho chấp thuận hay không chấp thuận.

Từng dự án khi được xem xét phải thẩm định kỹ chất thải kèm công nghệ xử lý. Phải thẩm định rõ hiệu quả việc xử lý đó có triệt để không. Nếu không chỉ ra được công nghệ và giải pháp khả thi thì không phê duyệt dự án.

Ngoài ra cũng phải xem xét để có cơ chế huy động chuyên gia, các tổ chức thẩm định độc lập và với vấn đề phức tạp phải có kinh phí thuê tổ chức thẩm định.

Đương nhiên khi thẩm định, xét duyệt sẽ dựa trên quan điểm về cải cách hành chính. Nhưng đó là với những ngành thân thiện với môi trường. Còn với những ngành tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm thì làm chặt chẽ, phải cương quyết.

* Với những cơ sở đang gây ô nhiễm, bộ trưởng chỉ đạo lộ trình xử lý ra sao?

- Với các doanh nghiệp đã đầu tư phát triển ở khu công nghiệp, cụm công nghiệp làng nghề, đặc biệt các DN lĩnh vực có tiềm năng gây ô nhiễm... chúng tôi đã và sẽ rà soát, thống kê từ trung ương tới địa phương.

Sau đó sẽ xây dựng hồ sơ môi trường và kiểm soát chặt các cơ sở này. Chúng ta quyết tâm nhưng cũng phải có lộ trình trong vòng 2-3 năm để các khu công nghiệp, doanh nghiệp khắc phục.

Trong quá trình thực hiện lộ trình đó, nơi nào gây ô nhiễm thì phải chấp nhận trả chi phí cho đơn vị xử lý chất thải. Nếu khắc phục cải thiện không được thì phải thay công nghệ. Nếu không phải đóng cửa! Phải cương quyết chứ không chấp nhận cứ gây ô nhiễm mãi được.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà:

Sẽ đề cao trách nhiệm người phê duyệt

Việc đánh giá tác động môi trường, tôi khẳng định ngoài quy định chặt chẽ sẽ phải đề cao trách nhiệm của các thành viên hội đồng khi thẩm định, xét duyệt. Quan điểm và các bước thẩm định đánh giá tác động môi trường cũng phải thay đổi.

Sẽ phải đánh giá môi trường ở giai đoạn sơ bộ để lựa chọn vị trí. Tiếp sau đó phải đánh giá tác động môi trường chi tiết khi đã rõ được công nghệ, trước khi cấp giấy phép xây dựng.


Theo Xuân Long - Tuổi trẻ

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X