Hotline 24/7
08983-08983

Đôi vợ chồng thợ may nuôi 9 con trở thành Cử nhân, Thạc sĩ

Đến với nhau từ hai bàn tay trắng, cuộc sống nghèo khó, nhưng vợ chồng ông Võ Mai (SN 1936) và bà Nguyễn Thị Mai (SN 1940, Bình Định) vẫn tảo tần nuôi các con ăn học nên người.

Để đưa các con đến bến bờ tri thức, người cha ban ngày làm lụng tối đến lén vợ cắp sách đạp xe đi học về truyền lại cho đàn con. Không phụ tình thương, sự mong mỏi, vất vả của cha mẹ, cả 9 người con của ông bà đều học đến đại học, thạc sĩ.

doi-vo-chong-tho-may-tan-tao-nuoi-9-nguoi-con-tro-thanh-cu-nhan-thac-siÔng bà MaiDệt nghĩa vợ chồng

Ở cái tuổi đã ngoài 70 nhưng ông Mai ngày ngày vẫn say sưa làm công việc photocopy giấy tờ như một thú vui tuổi già. Hình ảnh ông cụ cần cù nhặt nhạnh, sắp xếp từng trang sách, tài liệu trong căn nhà nhỏ như một dấu lặng giữa dòng đời xô bồ tấp nập.

Có lẽ với ông, quãng đời gian khó đã qua đi nhưng kí ức mãi còn đó, cái ngày đôi vợ chồng trẻ với 9 đứa con nheo nhóc sống trong cảnh ăn sớm lo hôm.

Ngược thời gian, ông Mai bắt đầu câu chuyện từ những năm 50. Ông vốn là con trai cả trong một gia đình nông dân nghèo có 3 anh em. Sinh ra ở Tuy Phước, mảnh đất vốn nghèo, đất đai cằn cỗi, ba mẹ ông phải lam lũ quanh năm nuôi các con.

Dù gia cảnh bần hàn, ông vẫn được học đến lớp 7, trong khi bạn bè cùng làng chỉ biết đọc viết. Nghỉ học, ông làm thuê làm mướn đủ nghề để mưu sinh. Vài năm sau, ông đi học may với hy vọng thoát khỏi cảnh bán mặt cho đất bán lưng cho trời.

Năm 1958, ông vào Quy Nhơn làm nghề may trong một xí nghiệp. Như có duyên phận, tại đây ông gặp một cô gái cùng quê làm cùng nghề cũng tên Mai, là vợ ông bây giờ. Bà Mai từ bé vốn đã gặp nhiều bất hạnh.

Năm tuổi, bà mồ côi mẹ, 3 năm sau ngày mẹ mất, người cha cũng bỏ bà đi bước nữa, bà sống trong sự cưu mang của ông bà nội. Hai người dần quý mến, yêu thương nhau lúc nào không hay và đến năm 1963 ông bà chính thức nên vợ nên chồng sau một đám cưới đơn sơ.

Cuộc sống lúc đầu của đôi vợ chồng trẻ dù vất vả nhưng luôn nồng ấm. Niềm vui gõ cửa khi một năm sau đó, cô con gái đầu lòng Võ Thị Kiều Phượng chào đời. Sau đó, 8 người con Lệ Hồng, Đức Dũng, Xuân Cảnh, Xuân Sang, Chí Hiếu, Xuân Đào, Kim Bằng và Quý Phương lần lượt ra đời.

Nhà nhiều con, thêm nhiều niềm vui thì khó nhọc, thiếu thốn lại nhân lên gấp bội. Hai vợ chồng ông Mai phải sớm hôm may vá, tằn tiện lắm mới lo được ngày 2 bữa cơm cho 11 miệng ăn.

Lén vợ đi học để dạy các con

Khi các con còn bé, người cha không khỏi xót lòng trước cảnh con trẻ sống trong túng thiếu, thiệt thòi. Ông buồn lòng vì cuộc đời mình vốn đã cực nay lại chẳng thể lo cho các con no đủ bằng người.

Nhận ra chỉ có con đường học tập mới giúp các con thoát khỏi cảnh khổ cực, ông tâm niệm dù khó đến mấy cũng vẫn cố gắng nuôi con ăn học đến nơi đến chốn.

Khi các con bắt đầu đi học, ông nhận ra, với kiến thức lớp 7 sau bao nhiêu năm hao hụt sẽ đến lúc chẳng thể dạy được đàn con đang lớn lên từng ngày. Nghĩ chỉ đi học thì mới có kiến thức dạy cho con, mới làm gương cho các con noi theo, thế là ông quyết định đi học bổ túc vào ban đêm ngay tại phường. Tối tối, ông đến lớp cùng với mọi người, già có, trẻ có. Khổ nỗi, vợ phản đối việc làm này với lý do "người ta là cán bộ nên cần đi học để làm việc, mình là dân lao động nghèo, ông đi học người ta cười cho".

Ban ngày, người cha làm thợ may, cắt từng mảnh vải, đi từng đường kim mũi chỉ. Đêm đến, ông trở thành người thầy, tay cầm thước, tay cầm phấn ân cần giảng bài. Lớp học bên dưới là đàn con nheo nhóc, đứa lên 10, đứa lên 8, đứa chập chững,… đứa khóc oe oe.

Những kiến thức mà đêm đêm ông học được, đều đem truyền lại cho các "học trò" bé nhỏ ấy và đó chính là hành trang họ mang theo đến tận bây giờ.

"Tôi đi học để có thêm kiến thức, vừa làm gương, vừa dạy con học. Nhiều đêm tôi cất giấu sách vở vào người lén đi học nhưng đến lúc dắt xe đạp ra là bà ấy giữ lại. Tôi đành phải dùng đủ thứ "kế sách" để trốn vợ hoặc khất lần "cho anh đi học tối nay nữa thôi".

Thế nhưng, tôi vẫn đi học đến 4 năm ròng, đến lúc học xong lớp 11, tôi mới chịu thực hiện lời hứa với vợ", ông Mai bùi ngùi.

Con đông, chồng đi học thêm buổi tối, nên phần việc của chồng dồn lên vai người vợ. Nghề may vá lúc này chẳng đủ để chăm lo cho đàn con, bà quyết định chuyển sang buôn bán tạp hóa. Thế là, trong khi chồng ở nhà chăm con, người vợ lặn lội cùng những chuyến hàng từ Quy Nhơn ngược xuôi đi các tỉnh.

Bà đi từ lúc 3h sáng đến tối mịt mới về đến nhà, không ngại mưa nắng bão bùng. Nhiều khi mang thai nhưng bà vẫn lặn lội ngược xuôi. Sau này, bà thường nói với con: "Có đứa khi mới vài tháng tuổi đã phải theo mẹ đi buôn".

Vất vả nhưng bà vẫn vui vì có đồng ra đồng vào, các con đủ ăn đủ mặc. Rồi một bất hạnh ập đến, khi sinh người con trai út, bà bị bệnh tật hành hạ, có lúc tưởng như không trụ được.

"Ngày ấy tôi bị đau răng, lúc đi khám mới biết cơn đau ảnh hưởng đến hệ thần kinh. Bác sĩ bảo bệnh này tỉ lệ cứu chữa chỉ 1/10. Lúc đó, hai vợ chồng chỉ biết nhìn nhau khóc, mấy đứa con thấy vậy cũng khóc theo", bà Mai tâm sự.

May mắn là sau đó bà chữa khỏi bệnh. Lành bệnh, bà lại gượng dậy lo cho các con được học hành đến nơi đến chốn, để cả đời không phải khổ như bố mẹ.

doi-vo-chong-tho-may-tan-tao-nuoi-9-nguoi-con-tro-thanh-cu-nhan-thac-siBằng khen dành cho gia đình hiếu học xuất sắc
9 người con đều là cử nhân, thạc sĩ

Trong số các anh chị em, cô con gái đầu Kiều Phượng là người thiệt thòi nhất. Khi đang học lớp 10, thấy gia cảnh khó khăn, Phượng đã muốn bỏ học, theo mẹ đi làm nuôi các em. Biết chuyện, ông bà khuyên nhủ và động viên con cố gắng. Chính nghị lực và tình thương đã giúp Phượng tiếp tục đi trên con đường mơ ước.

Biết rằng, học thật giỏi thì mới có thể đỡ đần được ba mẹ, cô học trò nghèo đã miệt mài học tập và năm 1982, chị thi đỗ vào trường ĐH Y - Dược TPHCM. Tiếp bước chị, 2 năm sau cô em gái Lệ Hồ cũng thi đỗ đại học.

Tấm gương của hai chị đã thôi thúc các em trong gia đình cố gắng học tập. Niềm tự hào của gia đình cứ thế lớn dần lên khi năm 1986, anh Đức Dũng đậu ĐH Y - Dược TPHCM. Năm 1988, anh Xuân Cảnh đỗ ĐH Y - Dược Huế. 1 năm sau, anh Xuân Sang tiếp bước anh thi đỗ ĐH Y - Dược Huế.

Đến năm 1992, anh Chí Hiếu thi đỗ ĐH Y - Dược TPHCM, 1 năm sau, cô em gái Xuân Đào nối bước anh chị. Hai người con trai út là Kim Bằng và Quý Phương lần lượt thi đỗ ĐH Bách khoa TPHCM và ĐH Khoa học tự nhiên TPHCM. Trong số đó, anh Đức Dũng và anh Xuân Sang đều học đến thạc sĩ.

Cả 9 người con đều học đại học trong khi kinh tế gia đình vô cùng khó khăn túng thiếu. Chính bản thân ông bà cũng không hiểu vì sao mình có thể vượt qua được những ngày tháng đó. Cho đến bây giờ, mỗi lần nhắc lại, ông bà vẫn nhớ như in cảnh cơ cực thiếu thốn ngày ấy.

Bà Mai tâm sự: "Khi mấy đứa con đầu vào đại học, hằng ngày hai vợ chồng đối mặt với nỗi lo cơm áo gạo tiền. Lúc túng quẫn quá, tôi bàn với chồng bán căn nhà đang ở để có tiền lo cho con ăn học. Nhưng rồi mọi chuyện cũng qua, khi những đứa lớn ra trường đi làm, phụ ba mẹ lo cho các em, vợ chồng tôi dần bớt khổ cực".

Với 9 người con đều trở thành cử nhân, thạc sĩ, gia đình ông bà nhiều năm liền được bầu chọn là "Gia đình hiếu học" cấp thành phố, cấp tỉnh.

Tháng 10/2007, gia đình được mời đi dự Đại hội gặp mặt các gia đình, dòng họ khuyến học tiêu biểu toàn quốc lần thứ II, được tổ chức tại Hà Nội. Ông Mai tâm sự: "Tôi rất tự hào về thành tích mà các con mình đã đạt được. Nhưng niềm vui lớn nhất đối với hai vợ chồng là nhìn thấy các con học hành nên người".

Hiện tại, 9 người con của ông bà Mai đều đã lập gia đình và có cuộc sống thành đạt. Mỗi khi có dịp sum họp, căn nhà ông bà lại tràn ngập niềm vui khi 3 thế hệ cùng quây quần. Trong những câu chuyện ngày xưa ấy, hình ảnh ba đêm đến cắp sách lén mẹ đi học, hình ảnh mẹ vượt qua bệnh tật chăm lo cho con làm những giọt nước mắt rơi xen lẫn trong nụ cười.

Theo Như Nguyệt - Lao động

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X