Hotline 24/7
08983-08983

Doanh nghiệp khổ vì tiếp 6-7 đoàn thanh tra một năm

Việc thanh, kiểm tra quá nhiều được xem là một loại chi phí không chính thức, ảnh hưởng tới sản xuất kinh doanh, gây nên nỗi ám ảnh về việc nhũng nhiễu với doanh nghiệp.

Câu chuyện doanh nghiệp vẫn bị nhũng nhiễu, sợ bị nhũng nhiễu một lần nữa được các đại biểu nêu lên tại hội nghị sơ kết một năm thực hiện Nghị quyết 35 của Chính phủ về phát triển doanh nghiệp 2016-2020, diễn ra ngày 9/2. Đây cũng là hội nghị chuẩn bị cho cuộc gặp giữa Thủ tướng với cộng đồng doanh nghiệp lần thứ 2, dự kiến diễn ra vào cuối tháng 3 tới.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn - Hà Công Tuấn cho biết sau gần một năm tiếp xúc với doanh nghiệp để triển khai Nghị quyết 35, khá nhiều ý kiến vẫn tỏ ra tâm tư và than "một năm phải tiếp nhiều đoàn kiểm tra quá". 

"Một năm doanh nghiệp phải tiếp 6-7 đoàn từ thanh tra, rồi tới kiểm toán, chưa kể các đợt kiểm tra không chính thức... thì rất gay go", Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp nêu. Đồng tình với chia sẻ này, Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ - Lê Mạnh Hà cho rằng nếu giảm được số lần kiểm tra, làm phiền doanh nghiệp ở cấp cơ sở thì chính sách mới tạo được sự khác biệt lớn.

doanh-nghiep-kho-vi-tiep-6-7-doan-thanh-tra-mot-nam

Phó thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương khẩn trương rà soát, đối thoại với doanh nghiệp để xử lý vướng mắc, tháo gỡ khó khăn. Ảnh: VGP

Vấn đề này được Chủ tịch Phòng Thương mại & công nghiệp Việt Nam (VCCI) - Vũ Tiến Lộc nhìn nhận là tình trạng "nóng trên lạnh dưới" trong triển khai nghị quyết. "Tinh thần đổi mới mới hừng hực trong Chính phủ, ở một số bộ, ngành, còn xuống địa phương một số nơi, nhất là ở cấp cán bộ xã, phương... hằng ngày tiếp xúc với người dân, doanh nghiệp còn "lạnh lẽo". Đây là thách thức lớn nhất", ông Vũ Tiến Lộc nói và hy vọng đà cải cách sẽ quyết liệt hơn trong năm 2017.

Đối với chi phí không chính thức của doanh nghiệp, ông Lộc cho biết VCCI đã tiếp tục tìm hiểu trong khuôn khổ khảo sát về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2016, dự kiến sẽ sớm công bố trong năm nay.

Về phía chính quyền, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước - Nguyễn Phước Thanh cho rằng dứt khoát phải thay đổi tư duy từ hỗ trợ sang dịch vụ. Các bộ, ngành và địa phương ban hành, quản lý các thủ tục hành chính là phải theo hướng cung cấp dịch vụ công, chứ không phải cắt giảm thủ tục hành chính là hỗ trợ doanh nghiệp. 

"Chừng nào còn lẫn lộn khái niệm như vậy thì doanh nghiệp còn bị phiền hà. Xu hướng bây giờ là giảm hỗ trợ để tạo sự bình đẳng, càng hỗ trợ càng mất bình đẳng”, ông Thanh nhận xét.

Dù vẫn có những phàn nàn từ phía doanh nghiệp, nhưng nhận xét chung theo báo cáo của Bộ Kế hoạch & Đầu tư, sau gần một năm triển khai Nghị quyết 35, niềm tin của doanh nghiệp về Chính phủ kiến tạo đã được tạo dựng. 2016 là năm kỷ lục của đất nước về số lượng doanh nghiệp thành lập mới và số vốn đăng ký (110.100 doanh nghiệp gia nhập thị trường với tổng vốn đăng ký hơn 891.000 tỷ đồng, tăng 49% so với cùng kỳ). 

Về đầu tư nước ngoài, số dự án mới tăng 23,3%, tổng vốn đăng ký 26,89 tỷ USD, tăng 11,5%. Vốn giải ngân cũng đạt 15,8 tỷ USD, tăng 9% và là mức cao nhất từ trước tới nay. Với đà phát triển này, mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp sau 4 năm nữa được đánh giá là hoàn toàn nằm trong tầm tay. 

Hiến kế để quá trình cải cách, phát triển doanh nghiệp mạnh mẽ hơn, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp - Hà Công Tuấn cho rằng Chính phủ cần lựa chọn các giải pháp ưu tiên cho từng năm, có tính lan tỏa để thực hiện. Ông Tuấn đơn cử năm 2017 có thể chọn lĩnh vực nông nghiệp làm trọng tâm, trong đó hướng chính là chính sách tín dụng đất đai, sửa đổi chính sách đất đai trong nông nghiệp (quyền sử dụng đất)... Đây là những vấn đề lâu nay cản đường doanh nghiệp "đổ vốn" vào lĩnh vực này.

Nhấn mạnh lần nữa quyết tâm của Chính phủ là kiến tạo, phục vụ doanh nghiệp, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng tinh thần thực hiện phát triển doanh nghiệp không phải là “tháo gỡ khó khăn” nữa mà phải là tạo thuận lợi thương mại cho đầu tư, kinh doanh, phù hợp với mong muốn chi phí sản xuất thấp, ít rủi ro về pháp lý của cộng đồng doanh nghiệp. 

“Phải đánh giá kỹ hơn bao nhiêu doanh nghiệp đang hoạt động, bao nhiêu có đăng ký mã số thuế, phát sinh thuế và làm ăn có lãi so với năm 2016?”, Phó thủ tướng nêu rõ và yêu cầu báo cáo của các bộ, ngành tới đây phải đo lường được đầy đủ các dữ liệu trên. 

Coi trọng chất lượng hoạt động của doanh nghiệp, Phó thủ tướng đề nghị các bộ, ngành cần đánh giá rõ về lợi nhuận mà các tổ chức kinh doanh tạo ra hằng năm, cùng với tiền lương, thu nhập của người lao động để nhận diện rõ được sức khỏe của cộng đồng doanh nghiệp.

"Cần phải xem các nút thắt thị trường ở đâu để gỡ bỏ đi. Cái chúng ta hướng tới là 1 triệu doanh nghiệp, nhưng không phải cứ đạt số lượng mà phải là chất lượng, sức khoẻ của doanh nghiệp đó", Phó thủ tướng chốt lại.

Còn gần 2 tháng nữa tới Hội nghị đối thoại giữa Thủ tướng và cộng đồng doanh nghiệp lần 2, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương khẩn trương rà soát, thực hiện các nhiệm vụ được giao khi triển khai Nghị quyết 35. "Bộ, ngành, địa phương phải gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp để xử lý các kiến nghị của doanh nghiệp, tránh để dồn tất cả kiến nghị lên Thủ tướng", ông yêu cầu.

Theo Anh Minh - VnExpress

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X