Hotline 24/7
08983-08983

Doanh nghiệp Đài Loan xin 1000 ha đất: Đừng để trả giá

"Nhãn tiền có dự án Formosa gây ô nhiễm hệ trọng như vậy là quá đủ, còn những dự án mới nên xem xét một cách thận trọng hơn".

Từ văn bản ký kết đến thực tế khoảng cách rất xa

Vừa qua, công ty Wei Yu Engineering (Đài Loan, Trung Quốc) đã đề xuất xây dựng các cầu cảng tại Vũng Áng và khu hậu cần cảng diện tích 96,8 ha; phát triển tổng hợp ngành nuôi trồng như chăn nuôi lợn, gà, sản xuất rau quả với diện tích khoảng 800 ha.

Doanh nghiệp cũng muốn xây dựng các nhà máy chế biến thức ăn gia súc, bột mì, chế biến dầu ăn, chế biến thịt, đông lạnh thực phẩm…Đồng thời, phía công ty dự định xây nhà điều hành và ký túc xá cho các chuyên gia, kỹ sư với diện tích 80ha trong tổng diện tích đề xuất sử dụng là 1.000ha.

Trước thông tin Hà Tĩnh đang nghiên cứu, xem xét về dự án này, GS.TS Đặng Đình Đào - Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển, Đại học KTQD Hà Nội- cho rằng, đây là quyết định đúng đắn.

Trao đổi với Đất Việt cụ thể hơn, ông Đào cho hay: "Chỉ cần nhắc đến câu chuyện Formosa điều tôi lo lắng nhất là vấn đề ô nhiễm môi trường khu công nghiệp, mà hệ quả người dân địa phương phải gánh chịu nặng nề nhất.

Chính vì thế, với tất cả các dự án có quy mô lớn cần phải được nghiên cứu thận trọng hơn, chính xác hơn. Đặc biệt, dự án trên còn liên quan đến chăn nuôi, sản xuất thức ăn gia súc, chế biến, nên việc gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến môi trường dễ xảy ra, nếu công nghệ không đảm bảo, đặc biệt, công nghệ xử lý chất thải.

Thêm nữa, các cán bộ chuyên gia, kỹ thuật nếu là người Đài Loan (Trung Quốc) lại sinh sống ngay trên địa bàn, nếu ở 1 vài năm thì còn quản lý được, còn nếu họ ở thời gian dài thì bài toán quản lý sẽ vô cùng khó khăn.

Vừa qua, những hệ quả nặng nề về ô nhiễm môi trường do dự án Formosa gây ra theo tôi như vậy là quá đủ, còn những dự án mới nên xem xét một cách thận trọng hơn. Chúng ta không nên chỉ vì mục tiêu phát triển kinh tế mà đánh đổi sự an toàn về môi trường".

Doanh nghiep Dai Loan xin 1000 ha dat: Dung de tra gia

Khu kinh tế Vũng Áng - Điểm thu hút vốn FDI lớn của Hà Tĩnh

Theo ông Đào, mục đích đầu tư tổ hợp dự án trên của công ty Đài Loan chắc chắn mục tiêu kinh tế là chủ yếu, nhưng không chỉ có một, mà chắc chắn đa mục tiêu.

Vì thế, trong trường hợp Hà Tĩnh cân nhắc chấp thuận dự án, cũng cần có cam kết cụ thể về nhiều mặt, nhưng cái khó là các cam kết này ý nghĩa không lớn, không giúp ích được nhiều khi có sự cố xảy ra.

Đặc biệt, đối với những đối tượng, những nhà đầu tư đã có tiền sử gây ô nhiễm môi trường trầm trọng, rõ ràng những dự án của họ ảnh hưởng đến an toàn vệ sinh môi trường, nhưng không xử lý được.

Chúng ta không phủ nhận, nếu như Đài Loan đầu tư vào xây dựng các nhà máy lắp ráp thiết bị, máy móc, sản xuất cơ khí để phục vụ các ngành của Việt Nam hoặc cho xuất khẩu là rất tốt, nhưng phải hết sức thận trọng.

Đặc biệt, việc xin 1000ha đất để xây khu dự án kèm theo nhà ở cho chuyên gia, công nhân thì phải đặt ra bài toán ai kiểm tra, giám sát. Đây là câu chuyện không của riêng Hà Tĩnh mà là vấn đề của cả đất nước.

"Thường thì trong các hợp đồng hợp tác đều có nêu rõ trách nhiệm cụ thể của hai bên nếu như không thực hiện đúng cam kết. Nhưng thực ra từ chỗ hợp đồng, văn bản ký kết đến thực hiện thì khoảng cách vô cùng lớn, nghĩa là chế tài của chúng ta còn yếu", ông Đào chỉ rõ.

Không nên phá vỡ toàn bộ

Rất bất bình về câu chuyện tỉnh Hà Tĩnh từng cấp phép cho Formosa thuê hơn 33 triệu m2 với giá tiền thuê đất chỉ 80 đồng/m2/năm và tiền thuê mặt nước 10 triệu đồng/km2/năm. Trong thời hạn 70 năm, Formosa chỉ phải trả gần 94 tỷ đồng, theo ông Đào mở rộng điều kiện để chào đón nhà đầu tư là sai lầm.

Ông Đào nói: "Đối với dự án xin 1000ha đất nên có quy định cụ thể, không nên chạy theo mục đích cho đầu tư bằng mọi giá, nói ngay như nhiều khu du lịch cho nhà đầu tư nước ngoài vào xây dựng dân Việt Nam không thể vào được, mà rõ là đó là đất của dân.

Bây giờ cứ chạy theo thành tích về thu hút vốn đầu tư đó là điều cần phải xem lại. Thiết nghĩ, không thể cấp phép, xé rào pháp luật để đón chào đầu tư.

Chưa nói đến sắp tới chúng ta xây dựng rất nhiều vùng kinh tế biển, nếu không vận động chọn nhà đầu tư cẩn thận, họ lại đưa công nghệ thải loại về Việt Nam gây ô nhiễm cả 3200km đường biển thì hệ quả không thể lường hết".

Trong những trường hợp xảy ra sự cố không đúng cam kết đầu tư, các địa phương phải hết sức thận trọng, tỉnh táo, xử lý. Chúng ta không thể có chính sách riêng, cơ chế đặc thù cho từng nước, phân biệt nhà đầu tư như vậy là không tạo được môi trường công bằng.

Chìa khóa cốt lõi để thu hút được vốn đầu tư nước ngoài, nhưng có lợi về cho nền kinh tế Việt Nam, ông Đào nhấn mạnh: "Chính sách Nhà nước trong thời gian tới, vẫn tiếp tục mở rộng đầu tư nhưng phải lựa chọn, cân nhắc, bảo đảm vấn đề phát triển bền vững, vấn đề môi trường, xã hội phải đặt lên trên hết. Đã đến lúc tính toán, cân nhắc việc lựa chọn nhà đầu tư nước ngoài.

Cho nên, câu chuyện này tại nhiều Hội thảo, trong phạm vi văn bản nhà nước đã quy định, việc thu hút đầu tư của nước ngoài cần phải có các cách tiếp cận, biện pháp lựa chọn nhà đầu tư, dự án, bảo đảm được sự phát triển bền vững cho kinh tế Việt Nam, không để phá vỡ toàn bộ.

Chúng ta phải thấy việc giải quyết hậu quả không phải đơn giản, vô cùng nặng nề, ngay như việc cá chết cũng gặp nhiều khó khăn khi tìm nguyên nhân. Sau gần 3 tháng, đến nay các chợ của Quảng Bình, Quảng Trị rất vắng, nhiều người không dám ăn, dám tiêu thụ cá biển".

Theo Châu An - Đất Việt

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X