Hotline 24/7
08983-08983

Đỗ đại học, chàng sinh viên đạp xe 1.000km "báo" với người bố đã mất

Ngay khi vừa có kết quả đỗ đại học, Đỗ Trường Hùng liền đạp xe xuyên Bắc Nam hơn 1.000km để thắp hương báo tin vui cho bố, người đã mất khi anh còn rất nhỏ.

Đạp xe hoàn thành lời hứa với bố

Đỗ Trường Hùng (SN 1994, quê ở huyện Hưng Hà, Thái Bình), hiện là sinh viên năm 3 khoa Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền.

Gia đình Hùng hiện chỉ có mẹ và em trai. Bố Hùng vào Đắk Lắk làm ăn và mất tại đây khi anh còn nhỏ. Vì thế, anh không có nhiều kỷ niệm với bố. Điều anh nhớ nhất khi nhắc đến bố là câu chuyện với chiếc xe đạp.

“Hồi nhỏ bố mình có dùng xe đạp để chở hai anh em đi chơi bạn bè, họ hàng. Trên chiếc xe ấy, có những lần mình thò chân vào bánh xe bị chảy máu. Bố chở hai em đi học, đón khi tan học, đi xin cơm cho các con... cũng với chiếc xe cà tàng ấy”, Hùng giải thích.

Chính vì vậy, khi nhận được tin báo đỗ đại học, Trường Hùng đã không ngần ngại đạp xe từ Thái Bình đến Đắk Lắk để thắp hương, báo tin vui cho bố.

Hùng chia sẻ, trên hành trình của mình, anh gặp rất nhiều người tốt và có rất nhiều kỉ niệm đẹp. Đáng nhớ nhất là ngày đầu tiên của cuộc hành trình.

Hùng khởi hành từ Hà Nội vào sáng 15/7/2014, buổi chiều anh đến TP.Thanh Hóa. Khi đang đi qua Quảng trường Lê Lợi thì gặp một người đàn ông.

Sau khi biết được mục đích của chuyến đi, người đàn ông ấy mời Hùng đến nhà để ăn cơm và ngủ lại.

“Điều này khiến mình rất cảm động bởi mình chẳng biết anh ấy là ai nhưng anh vẫn giúp đỡ mình”, Hùng chia sẻ.

Đỗ đại học, chàng sinh viên đạp xe 1.000km báo với người bố đã mất - Ảnh 1.Đỗ Trường Hùng (bên trái) cùng chiếc xe đạp trên chuyến hành trình vào viếng thăm bố. Ảnh: NVCC

Hành trình của Hùng trải dài hơn 1.000km, kéo dài trong 15 ngày. Đến ngày 30/7 Hùng đã đến Đắk Lắk. Sau khi thắp hương cho bố, Hùng cảm thấy thoải mái, thanh thản, không còn phải vướng nặng điều gì bởi anh đã hoàn thành lời hứa với bố và người chú (em trai bố).

Theo lời kể của Hùng, trước đây anh từng hứa với chú sẽ vào thăm bố khi đỗ Đại học. Tuy nhiên trong lần thi Đại học năm 2012, Trường Hùng đã thi trượt đại học và phải vào học một trường cao đẳng.

Tới năm 2014, Hùng quyết tâm thi lại và đã đỗ vào Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Lúc này, anh mới có đủ dũng khí để vào "thăm" bố.

Chàng trai từng “có tiếng ở phố huyện Hưng Hà”

Để có được sự trưởng thành như ngày hôm nay, Trường Hùng đã phải trải qua một tuổi thơ không hề dễ dàng. Anh kể rằng, trước đây bản thân từng là một cậu bé nghịch ngợm, ham chơi, hay đi chơi điện tử thâu đêm.

Do vậy, Hùng đã sao nhãng việc học. Hậu quả, cấp 1 và cấp 2 anh luôn chỉ xếp thứ 36/38 của lớp. Đến khi thi cấp 3, Hùng cũng không đỗ. Anh buộc phải vào học trường Giáo dục thường xuyên của huyện. Với “thành tích” như vậy, Trường Hùng trở thành một cậu bé “có tiếng ở phố huyện Hưng Hà”.

Thế nhưng, theo thời gian, cậu bé ngỗ ngược ngày nào dần nhận thức được hoàn cảnh khó khăn của gia đình và trưởng thành hơn. Bố mất sớm, gánh nặng nuôi hai anh em ăn học dồn cả vào gánh hoa của người mẹ.

Có lúc, mẹ anh làm việc quá sức, phải vào viện tiếp nước liên tục ngày mấy lần. Giờ đây, bà mang nhiều bệnh tật và chỉ nặng hơn 30 kg.

Để phụ giúp mẹ, anh em Hùng nhiều lần theo mẹ đi bán hoa. Đối với anh, việc ngủ đường, ngủ chợ được coi là chuyện cơm bữa. Từ khi học lớp 11, Hùng đã đi làm để đỡ đần mẹ.

Thậm chí, những ngày ôn thi trên Hà Nội, Hùng vẫn không quên phụ mẹ kiếm tiền. Anh vừa ôn thi vừa làm bảo vệ ở một công ty 14 tiếng/ngày với mức lương 1,8 triệu đồng/tháng.

“Mình muốn mẹ đừng bán hoa nữa. Bởi làm nghề này phải thức đêm, thức hôm, những lúc bận mẹ lại ăn uống thất thường. Mẹ lại hay tiếp xúc với nước sông rất bẩn nên tay chân mẹ bị nấm.

Nhìn bàn tay mẹ đau rát mình xót lắm. Mình muốn mẹ lên Hà Nội làm giúp việc, ăn uống điều độ, không quá vất vả thì sức khỏe của mẹ mới tốt được”, Hùng chia sẻ.

Khi học đại học, Trường Hùng vẫn làm rất nhiều công việc để tự trang trải cuộc sống, cố gắng đỡ phần nào gánh nặng cho mẹ.

“Mỗi tháng mẹ gửi cho mình 1,2 triệu đồng để chi tiêu. Còn lại mình phải đi làm thêm nhiều việc như trông quán game, bưng bê, chở gạch, rửa bát ở quán phở… Số tiền kiếm được mình dành dụm để mua sách, đóng tiền nhà, tiền học”, Hùng tâm sự.

Sau 3 năm học tập tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Trường Hùng luôn đứng ở vị trí cao trong lớp với số điểm trung bình trên 8,0 và luôn giành được nhiều học bổng của khoa, trường cùng các quỹ học bổng khác.

Chưa kể, anh còn đạt giải Nhất cuộc thi “Festival báo chí điều tra” do khoa Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền tổ chức.

Nói về dự định trong tương lai, Hùng ấp ủ: “Hiện giờ mình muốn học tập thật tốt. Mình muốn sau này trở thành một nhà báo về lĩnh vực văn hóa, có công ăn việc làm ổn định nuôi sống bản thân, sau đó là phụng dưỡng mẹ già”.

Theo Ngọc Anh - VietNamNet

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X