Hotline 24/7
08983-08983

Điện thoại Trung Quốc ở Việt Nam: ‘Lắm chiêu, nhiều quẻ’

3 tỷ USD, giá trị của thị trường smartphone Việt Nam năm nay, tốc độ mỗi năm tăng thêm 20%, đủ để những kẻ cao ngạo như Apple phải biết nhún nhường.

Nhiều hãng sản xuất Trung Quốc, sau khi giới thiệu sản phẩm sẽ để cho nhà phân phối tự tung tự tác trên thị trường. Ảnh: TL.

Còn những thương hiệu “thấp kém” từ Trung Quốc thì phải giở hết chiêu, hết mánh để hoặc bán được, hoặc biến đi.

Muốn tồn tại, phải tử tế

Theo ghi nhận của Thế Giới Tiếp Thị, dù “hậm hực trong lòng” nhưng nhiều hãng sản xuất vẫn đánh giá cao đối thủ Oppo, từ sản phẩm cho đến cách tiếp thị của họ tại thị trường Việt Nam.

“Lúc đó, dù không hiểu gì về thị trường nhưng họ có sản phẩm tốt, giá chấp nhận được. Tôi đã giúp họ kế hoạch tiếp thị sản phẩm cũng như xây dựng những chương trình bán hàng”, ông Đ.C, một chuyên gia về tiếp thị nhớ về cách đây bốn năm, khi Oppo có mặt tại thị trường Việt Nam.

Hơn một năm kiên trì mò mẫm trên thị trường, cuối năm 2014, theo số liệu của hãng nghiên cứu thị trường GfK Việt Nam, Oppo đã có 7% thị phần.

Riêng phân khúc 2 - 4 triệu đồng, có tháng Oppo chiếm 25%. Thị phần Oppo tại Việt Nam tăng liên tục, tính đến tháng 7/2016, chiếm 22%.

Ông Lý Chương, chủ chuỗi cửa hàng Lý Chương ở Pleiku, nhận xét: “Từ khi có mặt tại Việt Nam đến nay, Oppo luôn giữ giá sản phẩm, không cho các đại lý tự do đạp giá. Vì lẽ đó, dù sản phẩm của họ trên thị trường không nhiều nhưng vẫn bán được hàng. Họ cũng biết cách chăm sóc đại lý và khách hàng. Muốn tồn tại, thương hiệu phải biết cách làm ăn tử tế”.

Không như Oppo, dù có mặt ở Việt Nam khá lâu, nhưng các điện thoại di động Huawei phải chịu cảnh trầy trật.

Từ năm 2011, Huawei đã “tiên phong” giới thiệu những dòng smartphone trên thị trường, nhưng thất bại vì người tiêu dùng Việt Nam không ủng hộ một thương hiệu đang bị điều tiếng tại nhiều quốc gia.

Nhưng hiện nay, theo tổng giám đốc FPT Shop Nguyễn Bạch Điệp, Huawei đã “làm nhiều việc theo hướng tử tế” để tìm niềm tin từ người tiêu dùng.

Hiện hàng Huawei đã có mặt tại nhiều kênh bán lẻ lớn, chọn đại sứ thương hiệu, đầu tư trung tâm chăm sóc khách hàng và bảo hành sản phẩm.

Năm 2015, Huawei đã chi khoảng 12 tỷ đồng cho chi phí tiếp thị. Còn năm 2016, con số dự kiến gấp đôi, khoảng 24 tỷ đồng.

Trái với Huawei, Wing là một thương hiệu non trẻ của Trung Quốc. Có mặt tại Việt Nam cách đây hai năm, nhưng chiếc điện thoại Wing được đánh giá tốt hơn khi đầu tư văn phòng đại diện, trung tâm chăm sóc khách hàng…

Ông Nhâm Phi Khanh, giám đốc Wing Việt Nam, xác nhận: “Là thương hiệu nhỏ, Wing có ngách riêng là thị trường các tỉnh. Tránh đụng độ với các ông lớn chẳng xấu mặt nào”.

Hàng loạt các thương hiệu mới như Coolpad (liên minh với nhà phân phối Smartcom), Vivo, Infinix… đã xác thực hoạt động tại thị trường Việt Nam bằng cách thành lập công ty, một tín hiệu tích cực để các nhà bán lẻ yên tâm kinh doanh phần nào.

Ăn xổi ở thì

Giá rẻ, cấu hình tốt… những chiếc điện thoại mang thương hiệu từ Trung Quốc đã từ lâu “cắm sào giăng câu” ở Việt Nam với những cái tên quen thuộc Oppo, Wing, Huawei, Meizu, Coolpad, Oukitel, Elephone, Infinix, ZTE, Xiaomi, Vivo…

Cuộc chiến quá khốc liệt, nên có những thương hiệu thành công nhưng cũng không ít tên tuổi, dù đã xuất hiện hàng chục năm nhưng thân phận vẫn “bồng bềnh”.

Nhiều thương hiệu điện thoại Trung Quốc chỉ biết “ăn xổi” bằng cách đánh hàng theo lô thông qua nhà phân phối, được thì bán, không được thì… biến!

ZTE là một thương hiệu điển hình về chuyện đánh hàng theo lô. Năm năm trước, VHH là nhà phân phối khá nổi tiếng đã phá sản mà theo một nguồn tin đáng tin cậy, khó khăn bắt đầu khi làm nhà phân phối cho ZTE tại Việt Nam.

Vì những điều kiện không rõ ràng trong hợp tác với ZTE, VHH đã nợ khoảng 2 triệu USD. Sau khi VHH phá sản, ZTE cũng biến mất.

Cuối năm 2015, ZTE tái xuất với nhà phân phối mới là Phúc Hải, là tay chơi kỳ cựu trong làng điện thoại di động Việt Nam.

Lần này, cũng theo chiêu thức “đánh hàng theo lô”: ZTE chịu trách nhiệm cung ứng hàng, còn Phúc Hải lo đầu ra. Thông qua dịch vụ uỷ thác, ZTE đã có năm địa chỉ bảo hành và sửa chữa dịch vụ các sản phẩm ZTE.

Trên trang web ztedevice.vn, xuất hiện thông tin về “ZTE Việt Nam” nhưng không có địa chỉ cụ thể. Một nhà bán lẻ cho biết, sau thời gian ngắn bán thử các sản phẩm của ZTE (thông qua nhập hàng từ Phúc Hải) tại một vài cửa hàng nhưng không bán được, phải ngưng nhập sản phẩm này.

Trong khi đó, hai thương hiệu khác là Oukitel và Elephone đang phó mặc thân phận cho nhà phân phối PHTD (thành viên của tổng công ty Petrosetco).

Cũng vì không có văn phòng đại diện nên cách đây một năm, Meizu tìm đến Smartcom làm nhà phân phối.

Do “cơm không lành, canh không ngọt” nên gần đây Meizu đã tìm đến FPT Tradings. Có thể kể thêm những tên tuổi có cùng cách làm trên, như Gionee, Xiaomi…

Nhiều chủ cửa hàng nói với Thế Giới Tiếp Thị, các nhà phân phối chỉ lo bán hàng để kiếm lời, khi có chuyện xảy ra như máy móc trục trặc lại đổ trách nhiệm lên đầu nhà bán lẻ.

Khi đó, nếu không có công ty, không có trạm bảo hành, không có nhân viên chăm sóc, thì khách hàng coi như chỉ biết nắm phải kẻ trọc đầu.

Theo Minh Phúc - Thế giới tiếp thị

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X