Hotline 24/7
08983-08983

Dịch sốt xuất huyết: Biết rồi cũng đừng chủ quan!

So với năm 2009, dịch SXH tại Hà Nội không có đột biến nhưng cũng đã có bệnh nhân trung tuổi và trường hợp biết mình mắc bệnh nhưng vẫn chủ quan.

Cả xóm trọ bị bệnh vì... mải học


Em H. (bên trái) vẫn còn rất mệt dù đã được truyền liên tục 4 chai dịch trong 2 ngày đầu nhập viện
 

Em N.T.H (sinh viên và đang ở trọ tại làng Triều Khúc) vào viện Bệnh Nhiệt đới TƯ được 2 ngày vì đau đầu, không ăn uống được và đặc biệt là ngất xỉu trong khi đang nằm nói chuyện với bạn. Trước đó, em đã nằm nhà, mời y sĩ đến truyền 6 chai nước trong 5 ngày liên tiếp.

 

H. cho biết em biết chắc chắn mình bị SXH vì cả xóm có 10 người thì đã có 8 người bị bệnh. Tuy nhiên, vì thấy mọi người đều nhanh khỏi và khỏe mạnh bình thường nên em cũng chủ quan. Hậu quả là ngay sau khi nhập viện, em đã phải truyền dịch liên tục nhưng vẫn chưa qua giai đoạn nguy kịch, người vẫn rất yếu mệt. H. vẫn tin rằng mình yếu mệt là vì không uống thuốc bổ như đơn kê của bác sĩ cho các bạn trong xóm.

 

H. cho biết rất ân hận vì đã quá mải học hành, không chủ động phòng bệnh. H. khẳng định, nếu được làm lại, em sẽ vận động các bạn vệ sinh khu trọ, đặc biệt là vệ sinh bể nước; mua các loại sản phẩm diệt muỗi cũng như bảo vệ cơ thể khỏi bị muỗi cắn.

 

Xuất hiện bệnh nhân trung tuổi

Cô M. ngồi ở góc trong cùng (giường thứ 2)
 

Khoa lây Viện Nhi TƯ: Lượng bệnh nhi không đáng kể!
 
Không như mọi năm, khoa Lây viện Nhi năm nay có rất ít bệnh nhi SXH nhập viện. Các bác sĩ ở đây cho biết, trung bình mỗi tuần chỉ có 4-5 trường hợp nhập viện. Cụ thể, tuần qua chỉ có 5 trường hợp điều trị tại viện. Như vậy, so với mọi năm, tính đến thời điểm này, hoàn toàn không có sự đột biến, bất thường nào về số trẻ em mắc bệnh SXH tại khu vực phía Bắc.
Trao đổi với cô M. (48 tuổi, ở Nam Định), vào viện được 3 hôm và đang chờ xuất viện. Cô M. cho biết, khi vào viện, cô thấy mình rất yếu mệt, choáng váng. Cô cho biết đã bị sốt kéo dài ở nhà (5 ngày). Mọi người đều nghĩ cô bị cảm sốt bình thường nhưng đến khi uống thuốc hạ sốt, thuốc cảm cúm không đỡ mới đưa vào bệnh viện tỉnh. Sau khi các bác sĩ tại đây làm xét nghiệm máu 2 lần, cô M. được chuyển thẳng lên BV Bệnh nhiệt đới TƯ do tiểu cầu hạ quá thấp.

 

ThS.BS Nguyễn Kim Thư, Phó trưởng khoa Vi-rút - Ký sinh trùng, BV Bệnh Nhiệt đới TƯ,cho biết: “Theo lý thuyết, bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng chủ yếu ở trẻ em và thanh thiếu niên. Tuy nhiên, hiện tại khoa cũng xuất hiện 1 số trường hợp 40-50 tuổi nhập viện. Để biết dịch có sự khác biệt không thì phải chờ thống kê từ Viện Dịch tễ”.

 

Đừng tự ý truyền nước!

 

Để việc truyền dịch đạt hiệu quả trong điều trị SXH, cần phải làm xét nghiệm công thức máu!

Một tâm lý chung của người bị sốt kéo dài là truyền nước. Tuy nhiên, đối với SXH, truyền nước không giúp giải quyết được vấn đề, nhất là khi tiểu cầu giảm mạnh. Đó là lý do vì sao truyền nước nhiều thế mà người bệnh vẫn ngày càng yếu đi.

  

Theo ThS. BS Nguyễn Kim Thư, tiến triển của bệnh SXH đương nhiên là sốt cao, đau đầu, chảy máu chân răng… trong những ngày đầu. Vì thế, dù truyền dịch hay không, diễn tiến bệnh vẫn không thay đổi. Chưa kể, diễn tiến bệnh thay đổi từng ngày nên lượng dịch truyền từng ngày cũng sẽ khác nhau. Và để xác định lượng dịch truyền phù hợp thì phải làm xét nghiệm công thức máu (kiểm tra sự cô đặc máu). Như tại khoa Vi-rút – Ký sinh trùng, việc làm xét nghiệm công thức máu là hằng ngày, thậm chí có những bệnh nhân phải làm xét nghiệm này 2-3 lần trong ngày.

 

Ngoài ra, việc truyền dịch không phải là các dung dịch thông dụng như glucose, nước muối biển… Do đó, để phòng các biến chứng, nhất thiết truyền dịch phải có sự chỉ định của bác sĩ dựa trên xét nghiệm công thức máu.

 

Cuối cùng, khi đang có dịch, nếu thấy sốt cao, đau đầu thì người bệnh tốt nhất nên đến cơ sở y tế khám, từ đó xác định mức độ điều trị là tại nhà, uống orezol hay nhập viện điều trị theo phác đồ của Bộ Y tế.

 

Theo Nhân Hà - Dân trí

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X