Hotline 24/7
08983-08983

Dịch sởi và những con số bất nhất

Những ngày qua, dư luận hoàn toàn có lý khi tỏ ra nghi ngờ Bộ Y tế trong việc “giấu” dịch, cũng như con số trẻ tử vong do sởi.

Ngày 14/4, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, cả nước có 6.611 trường hợp sốt phát ban dạng sởi, với 25 ca tử vong do sởi.

Tuy nhiên, chiều tối 15/4, ngành y tế báo cáo với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại BV Nhi Trung ương, con số mắc vẫn là 6.611 trường hợp, nhưng số ca tử vong liên quan đến sởi đã là 108. Điều này khiến dư luận không thể không giật mình vì cho rằng có sự "tiền hậu bất nhất".

Chưa hết. Ngày 16/4, vào lúc 13h, trước sức ép của dư luận, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã có một cuộc gặp báo chí tại BV Nhi Trung ương và con số mắc sởi lúc này đã là hơn 7.000 trường hợp với 108 ca tử vong.

Song, chỉ vài tiếng sau, ngay trong chiều 16/4, trong công điện của Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung phòng, chống dịch sởi, thì con số đã lên "8.441 người với 108 trường hợp tử vong liên quan đến bệnh sởi" (con số này chắc hẳn do Bộ Y tế báo cáo).

Rõ ràng, chỉ cách vài tiếng đồng hồ, số mắc sởi mà Bộ Y tế đưa ra đã chênh cả ngàn người. Nhưng điều mà báo chí cũng như người dân có quyền nghi ngờ là, con số mà Bộ Y tế đưa ra với báo giới luôn thấp hơn con số báo cáo Chính phủ.

Bên cạnh đó, trong khi ngày 15/4, PGS.TS Trần Đắc Phu khẳng định "vấn đề biến đổi gene, thay đổi độc lực… của vi-rút sởi thì nghiên cứu của Bộ Y tế, cũng như thông báo của Tổ chức Y tế thế giới - WHO chưa có gì bất thường", thì ngày 16/4, Bộ trưởng Bộ Y tế lại cho hay: "Độc lực vi-rút sởi có thay đổi không, còn đang nghiên cứu". Vậy thì, con số nào và câu trả lời của ai mới là xác thực?

Chính vì gây nên sự nghi ngờ, mà dù việc Bộ trưởng Bộ Y tế khuyên không nên đưa trẻ đến BV Nhi Trung ương vào thời gian đang đỉnh dịch là cần thiết, nhưng chẳng những người dân không nghe, lại còn phản ứng mạnh trước lời khuyên của Bộ trưởng.

Cũng vì thế, nỗ lực của Bộ trưởng Bộ Y tế trong việc cấp máy thở, trang thiết bị cho các BV đang điều trị bệnh nhân sởi, đặc biệt là đề nghị BHXH Việt Nam thanh toán BHYT cho các bệnh nhân mắc bệnh này, là đáng hoan nghênh, nhưng lại không được dư luận ghi nhận.

Bên cạnh đó, việc ứng xử trong công tác truyền thông của Bộ Y tế dường như cũng "có vấn đề". Ngày 16/4, khi Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cùng đại diện của WHO làm việc tại BV Nhi Trung ương, các nhà báo đã chờ đợi suốt buổi sáng đến gần 13h, chỉ để nghe câu trả lời chính thức từ Bộ trưởng về con số tử vong do sởi, cũng như Bộ Y tế có "giấu" dịch hay không.

Tuy nhiên, Bộ trưởng đã không có ý định trả lời báo chí, mà cử Giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương trả lời. Chỉ đến khi các nhà báo quyết liệt yêu cầu gặp Bộ trưởng, vì nhiều vấn đề mà cương vị một Giám đốc BV không thể trả lời nổi, Bộ trưởng Bộ Y tế mới đồng ý gặp mặt nhanh báo chí.

Dịch sởi đang rất nóng, hơn bao giờ hết, từng giờ, từng phút, người dân cần những thông tin xác đáng, các giải pháp hiệu quả, qua cầu nối là báo chí.

Đáng ra, Bộ Y tế phải tranh thủ mọi lúc, để thông tin đến người dân về diễn biến của dịch sởi, để người dân không hoang mang cũng không chủ quan, đặc biệt là khi truyền thông đã tự nguyện và sẵn sàng đến thế.

Dù trong chỉ đạo của chính Bộ trưởng Bộ Y tế về phần giải pháp đối phó với dịch sởi, có nói: "Ngành y tế phối hợp với các cơ quan báo chí trong việc tuyên truyền cho người dân hiểu về bệnh sởi, nguồn lây cũng như các biện pháp đề phòng để người dân không hoang mang", nhưng với cách ứng xử như vậy, ngành y tế đã thiếu sự hợp tác với truyền thông.

Những ngày qua, người dân đổ xô đi mua hạt mùi, lá mùi để tắm và cho trẻ uống. Những ý kiến không thống nhất diễn ra trên báo chí cũng như trên mạng xã hội, khiến các ông bố bà mẹ vô cùng hoang mang.

Hơn bao giờ, lúc này, càng cần có ý kiến từ những người có trách nhiệm của ngành y với thông điệp ngắn gọn, đầy đủ, giải thích tác dụng thực sự của hạt mùi. Tuy nhiên, ngành y tế đã để mặc người dân loay hoay với hạt mùi, cho đến khi báo chí phải chính thức lên tiếng.

Điều này cho thấy, phản ứng của ngành y tế khá chậm chạp trước những vấn đề có ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Năm trước, tin đồn về "ăn cá rô đầu vuông sẽ gây bệnh ung thư", rồi "lá đu đủ chữa được bệnh ung thư" như một thần dược, hay "bột nêm có thể gây quái thai và rối loạn chuyển hóa", khiến người dân hoang mang… nhưng ngành y tế lại đứng ngoài cuộc.

Sự chậm chạp, hay thờ ơ của ngành y tế trước những vấn đề về sức khỏe người dân đã tạo nên những cuộc khủng hoảng thông tin không cần thiết khi mọi việc đều được truyền đi trên internet với tốc độ chóng mặt.

Lẽ ra, trong những tình huống khủng hoảng như dịch sởi, Bộ Y tế phải lập một đội ngũ đặc biệt để cập nhật thông tin hằng ngày, chuẩn bị những phản ứng chuyên môn và các thông điệp rõ ràng, dễ hiểu, cho công chúng. Những hạn chế này khiến người dân vốn đã thiếu lòng tin với ngành y sau những sự cố về vắc-xin, giờ đây càng thêm nghi ngại./.

AloBacsi.vn
Theo Thanh Hằng - VOV

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X