Hotline 24/7
08983-08983

Di tích Đông Sơn đang bị xâm hại

"Vùng lõi thành cổ Luy Lâu bị các công trình nhà cửa, canh tác xâm hại. Di vật Đông Sơn thì trôi nổi" khiến PGS Bùi Văn Liêm, Phó viện trưởng Viện Khảo cổ học bức xúc.

Tại hội thảo tổ chức ngày 16/11, trao đổi về thành tựu nghiên cứu văn hóa Đông Sơn trên 10 năm trở lại đây, PGS Bùi Văn Liêm, Phó viện trưởng Viện Khảo cổ học cho biết đã có hơn 178 di tích Đông Sơn được phát hiện và nghiên cứu, trong đó có 10 di tích cư trú, 31 di tích mộ táng, 2 di chỉ xưởng, 56 trống đồng... Các nghiên cứu đã phác họa khá đầy đủ, rõ nét mọi khía cạnh đời sống của cư dân Đông Sơn.


PGS Bùi Văn Liêm, Phó viện trưởng Viện Khảo cổ học cho biết, nhiều di tích Đông Sơn đang bị xâm hại nặng nề. Ảnh: Quỳnh Trang.

Thành công lớn nhất trong 10 năm nghiên cứu thời đại kim khí này là giải quyết được vấn đề mở rộng cư trú của cư dân Đông Sơn. Theo đó, người Đông Sơn đã có quá trình dịch chuyển, chinh phục các vùng đất mới, từ chân núi, trung du đến rìa đồng bằng cao và tràn xuống làm chủ đồng bằng châu thổ sông Hồng, các vùng thấp trũng.

Ngoài trung tâm lớn tại các vùng trung du miền núi, người Đông Sơn có thêm một số trung tâm ở vùng đồng bằng, tiêu biểu như: Cổ Loa - trung tâm kinh tế, chính trị, quân sự và là kinh đô của nhà nước Âu Lạc thời An Dương Vương; trung tâm đúc đồng, văn hóa kinh tế Vinh Quang - Phú Lương; trung tâm mộ táng Việt Khuê (Hải Phòng)...

Những phân tích về mộ táng, nơi cư trú cũng dần làm rõ hơn sự phân hóa xã hội và mô hình nhà nước thời Đông Sơn - mô hình xây dựng, phòng thủ và bảo vệ.

"Đây là một trong những đóng góp vào việc hình thành, phát triển, định hình lịch sử dân tộc, minh chứng rằng lịch sử dân tộc Việt Nam đã có những giai đoạn khác nhau, xếp tầng từ thời đại đồ đá, đồ đồng tới các nhà nước quân chủ và độc lập tự chủ", PGS Bùi Văn Liêm nói. Với ý nghĩa to lớn trên, Phó viện trưởng Viện Khảo cổ học nhấn mạnh cần bảo tồn, bảo vệ phát huy giá trị văn hóa Đông Sơn.

dongson-4043-1416622068.jpg

Trống đồng Đông Sơn được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia. Ảnh: Quý Đoàn.

PGS Bùi Văn Liêm bày tỏ bức xúc trước thực trạng di tích Đông Sơn đang bị xâm hại nặng nề. Nhiều di tích bị công trình nhà cửa, canh tác xâm chiếm như vùng lõi di tích cấp quốc gia thành cổ Luy Lâu (Bắc Ninh).

Những di vật Đông Sơn hiện trôi nổi, bị buôn bán nhiều. Trong 10 năm vừa qua, Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam đã nhập kho 23 chiếc trống đồng do hải quan bắt giữ. Những cánh đồng trống đồng có hàng trăm chiếc nhưng trung tâm bảo tồn nghiên cứu thu về chẳng được bao nhiêu.

"Tuy quá muộn nhưng đã đến lúc gióng lên tiếng chuông cảnh báo về hiện trạng di tích thời đại kim khí Việt Nam đang bị xâm hại nặng nề, trong đó có văn hóa Đông Sơn và bản thân di tích Đông Sơn. Chúng ta cần hành động cụ thể để bảo tồn, bảo vệ những di vật, báu vật khảo cổ học này", PGS Bùi Văn Liêm nói.

Phó viện trưởng Viện Khảo cổ học đề xuất xây dựng bảo tàng "Văn hóa Đông Sơn" để cùng nghiên cứu, phát huy và bảo tồn di tích văn hóa thời đại này cho con cháu muôn đời. Việc thành lập bảo tàng cũng giúp quảng bá hình ảnh Đông Sơn đến quần chúng trong và ngoài nước. Qua đó, thế giới sẽ biết được sự tồn tại hiển nhiên của cộng đồng người Việt ngàn năm nơi mảnh đất này.


Theo Quỳnh Trang - VnExpress

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X