Hotline 24/7
08983-08983

Di sản thiên nhiên tan tác vì phân lô, bán nền, vịnh Hạ Long đang “oằn mình” kêu cứu

Sự xuất hiện ồ ạt những đại dự án nằm sát bên bờ vịnh Hạ Long tạo ra thách thức lớn đối với công tác quy hoạch, môi trường sinh thái và sự tồn vong của cả vùng di sản...

Nhiều dự án lấn biển quá mức đe dọa đến môi trường, cảnh quan vịnh Hạ Long

Quảng Ninh có thế mạnh về thu hút đầu tư với nhiều yếu tố thiên thời, địa lợi. Thế nhưng, hiện nay, tại tỉnh này lại đang có dấu hiệu của sự dễ dãi đến tùy tiện trong thẩm định, phê duyệt, quyết định chủ trương đầu tư các dự án ven biển để lấy đất phân lô, bán nền. Và thật “chua cay” khi người dân truyền tai nhau rằng, ở Quảng Ninh, chỉ cần có tiền, không có gì là không mua được, kể cả những thứ không được phép bán.

Theo phản ánh của ông Nguyễn Quốc Hoài - Giám đốc Công ty TNHH Hoài Nam Quảng Ninh, trong những năm trở lại đây, trước làn sóng đầu tư, thôn tính mạnh mẽ của các tập đoàn lớn, tỉnh Quảng Ninh đã chấp nhận bán rẻ môi trường, đánh đổi di sản, cảng biển… nhằm thỏa mãn lòng tham, cái lợi trước mắt chỉ để phục vụ cho một nhóm lợi ích trong xã hội.

Trước đây, nhiều dự án xẻ núi, làm đường hay xây nhà chỉ dám triển khai ở vùng đệm di sản. Thì nay, bất chấp sự phản đối kịch liệt của người dân, ấn tượng đầu tiên đến với Hạ Long là đại công trường, ngày, đêm san núi, lấp biển, “xẻ thịt” cảng Cái Lân một cách không thương tiếc.

Cũng theo ông Nguyễn Quốc Hoài, từ ngày những dòng tiền khổng lồ ào ào đổ về, giới “tinh hoa” Quảng Ninh cũng nhạy bén thay đổi tư duy theo thời cuộc. Bộ máy công quyền mải miết chạy theo xử lý những công việc nhỏ nhặt, vụn vặt, còn “con voi” vô tư chui lọt lỗ kim. Đằng sau đó, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh, thành phố Hạ Long ngang nhiên bội ước, trắng trợn “lật kèo”, “ráo riết” thu hồi các phần đất đã ký hợp đồng cho doanh nghiệp thuê từ trước, gom nhiều ô đất tại cảng Cái Lân thành khu lớn, miếng nào ra miếng đó rồi bán lại cho tư nhân làm dự án phân lô, bán nền.

Bên cạnh việc đe dọa trực tiếp đến vùng di sản thiên thế giới vịnh Hạ Long, nếu một loạt dự án ven biển liên tiếp ra đời như tiến độ đề ra, thì tương lai không xa nữa, Cảng Cái Lân cũng sẽ biến thành một cảng biển chết do việc san lấp mặt bằng, lấn biển vô tổ chức đã làm dòng chảy bị bồi lấp, tốc độ dòng chảy cao cuốn theo đất đá gây lắng đọng trầm tích, thu hẹp luồng vào cảng khiến tàu dễ mắc cạn không thể vào cảng. Hệ lụy tất yếu dẫn đến ngân sách nhà nước có nguy cơ thất thu hàng chục nghìn tỷ đồng vốn đầu tư mà thu lại chưa đáng kể, cơ sở vật chất cụm cảng bỏ hoang phế, hàng nghìn lao động đối mặt với nguy cơ mất việc, kéo theo hàng loạt các nhà máy than, điện, xi măng sẽ phải ngừng hoạt động vì thiếu nguồn nguyên, nhiên liệu ổn định phục vụ sản xuất. 

Phải nói thêm rằng, vịnh Hạ Long là di sản thiên nhiên thế giới, cho nên mọi tác động đến cảnh quan, sinh thái, môi trường biển dù nhỏ nhất đều rất nhạy cảm, cần phải xem xét, đánh giá kỹ lưỡng, thận trọng trên cơ sở khoa học. Tuy vậy, công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản vịnh Hạ Long đang gặp vấp phải thách thức rất lớn. Đó là vấn đề môi trường sinh thái và cảnh quan đang bị tác động mạnh bởi sự phát triển của các công trình xây dựng và khu đô thị ven bờ vịnh Hạ Long.

Thực tế cho thấy, vịnh Hạ Long được bảo vệ bằng các văn bản pháp lý của quốc tế và Việt Nam (Công ước về việc bảo vệ di sản văn hoá và tự nhiên của thế giới (Ðã được thông qua tại kỳ họp thứ 17 của Ðại hội đồng UNESCO, Việt Nam gia nhập năm 1987; Luật Di sản Văn hóa; Luật Bảo vệ môi trường; Luật Thủy sản; Luật Giao thông đường thủy nội địa sửa đổi 2014; Luật Du lịch;  Luật Biển Việt Nam; Luật Tài nguyên nước 2012; Luật Đa dạng sinh học; Quyết định của Thủ tướng Chính phủ năm 2002 về Quy hoạch Bảo tồn và phát huy giá trị Di sản vịnh Hạ Long đến năm 2020…), nhưng di sản thiên nhiên thế giới vẫn không ngừng bị xâm hại. Bởi lẽ, có vẻ những văn bản đó đối với các cấp lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh đã bị các lợi ích khác che mờ mắt.

Thẳng thắn mà nói, từ lợi ích của quốc gia, dân tộc chuyển sang lợi ích của tư nhân, tổ chức là hành động không thể chấp nhận, không thể dung thứ. Ai đã cho phép Quảng Ninh được quy hoạch như thế? Việc cho phép xây dựng ồ ạt khu đô thị phân lô, bán nền tại Cảng Cái Lân là để phục vụ ai, trong khi quảng đại quần chúng nhân dân, du khách quốc tế bị cưỡng đoạt đi quyền được chiêm ngưỡng, thụ hưởng di sản thiên nhiên thế giới? Ai là người chấp thuận chủ trương đầu tư, cho phép xây dựng các công trình và khu đô thị ven bờ vịnh Hạ Long, chấp nhận đánh đổi việc môi trường bị hủy hoại, làm biến dạng, địa chất, thủy văn của cả khu vực để lấy lợi ích phát triển kinh tế trước mắt? Tại sao Quảng Ninh không công bố, không minh bạch thông tin để người dân được biết, được bàn, được tham gia, được giám sát quy hoạch?

Nếu cứ đà này, rất gần thôi, Quảng Ninh nói riêng và cả nước nói chung sẽ không còn thứ thực sự đáng giữ và thu hút khách du lịch nước ngoài, trong khi các địa điểm về du lịch tại Quảng Ninh đang bị tàn phá ở mức độ cực kỳ nghiêm trọng. Bên cạnh rất nhiều cam kết về bảo tồn thiên nhiên và danh thắng, tránh sự xâm phạm của các công trình xây dựng mà Việt Nam đã tham gia ký kết, có vẻ Quảng Ninh sẵn sàng để mất danh hiệu di sản thiên nhiên thế giới của UNESCO để biến vịnh Hạ Long thành miếng mồi béo bở cho những kẻ nằm trong nhóm lợi ích. 

Vịnh Hạ Long không phải của riêng lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh, việc biến cảng Cái Lân thành đại công trường, những khối bê tông khổng lồ, địa điểm vui chơi lòe loẹt dành cho những kẻ đi du lịch kiểu hời hợt, không biết trân quý giá trị thiên nhiên là tội ác đối với thiên cổ và muôn đời sau.

Tới đây, nếu việc xây dựng các khu đô thị bên bờ vịnh Hạ Long được thực hiện suôn sẻ, tạo thành tiền lệ xấu, thì nhiều người dân tự hỏi, đến bao giờ hồ Gươm Hà Nội, hang Sơn Đoòng Quảng Bình sẽ bị “xẻ thịt” để lấy đất phân lô, bán nền, làm giàu cho nhiều kẻ bất chính. 

Trước những dấu hiệu tiêu cực, tham nhũng đất đai đang xảy ra tại thành phố Hạ Long và để cứu lấy di sản trước khi quá muộn, đã đến lúc, các cơ quan chức năng khẩn trương tiến hành thanh tra, kiểm tra làm rõ các hành vi vi phạm pháp luật của các cá nhân, tổ chức cố ý hủy hoại môi trường sinh thái vịnh Hạ Long. Qua đây, Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam; Hiệp hội Cảng biển Việt Nam cần có tiếng nói phản biện nhằm bảo vệ, gìn giữ di sản trước hành động phá hoại của con người.

Theo Thụy Du - Tuổi trẻ Thủ đô

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X