Hotline 24/7
08983-08983

Đề xuất tiếp tục thăm dò khảo cổ nơi nghi chôn cất vua Quang Trung

Các nhà nghiên cứu cho rằng cần mở rộng thăm dò khảo cổ ở hố 5a và 5b gò Dương Xuân, nơi phát hiện có lớp đá dày 0,6-0,65 m, nghi là dấu vết công trình kiến trúc lớn.

Chiều 9/1, Viện Khảo cổ học Việt Nam phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế đã công bố kết quả ban đầu về việc thăm dò gò Dương Xuân (phường Trường An, thành phố Huế), nơi nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân cho rằng có cung điện Đan Dương và là nơi chôn cất vua Quang Trung.

Được sự cho phép của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, từ ngày 7 đến 20/10/2016, Viện Khảo cổ học Việt Nam phối hợp với Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh đã thám sát khảo cổ học tại gò Dương Xuân. Đoàn đã đào 5 hố thăm dò khảo cổ tại 5 điểm, tìm thấy nhiều hiện vật như các mảnh đồ sứ, kim loại, gạch vỡ.

Tại hố số 1 ở chùa Vạn Phước, đoàn tìm thấy một bát sứ trắng men lam vẽ rồng, đế có 4 chữ Hán "Khang Hy niên chế" niên đại Thanh Thánh Tổ (1661-1722). Tại hố 5a và 5b ở vườn nhà một người dân thuộc ấp Bình An (phường Trường An), các nhà khảo cổ phát hiện lớp nền đá xếp chồng lên nhau dày 0,6-0,65 m.

de-xuat-tiep-tuc-tham-do-khao-co-noi-nghi-chon-cat-vua-quang-trung

Các hiện vật tìm thấy được trưng bày. Ảnh: Võ Thạnh.

PGS.TS Bùi Văn Liêm, Phó viện trưởng Viện Khảo cổ học Việt Nam cho biết, dựa vào tư liệu địa tầng, các mảnh sành sứ có ghi niên đại, gạch ngói được tìm thấy, bước đầu có thể đoán định gò Dương Xuân tồn tại từ thế kỷ 17 đến thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20.

Riêng lớp đá tại hố 5a và 5b có thể liên quan đến kiến trúc lớn, rất có thể là móng tường thành. PGS.TS Liêm đề nghị tiếp tục mở rộng đào thăm dò tại hố 5a và 5b để xem lớp đá dày 0,65 m kéo dài đến đâu.

Qua những hiện vật mà đoàn khảo cổ công bố, các nhà nghiên cứu có chung nhận định ở gò Dương Xuân có dấu tích kiến trúc nên cần tiếp tục đào thăm dò.

de-xuat-tiep-tuc-tham-do-khao-co-noi-nghi-chon-cat-vua-quang-trung-1

Hố 5a nơi có lớp đá dày 0,65m được các nhà nghiên cứu đề nghị tiếp tục đào khảo cổ. Ảnh: Võ Thạnh

Nhà nghiên cứu Đỗ Bang, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Thừa Thiên Huế cho rằng, các hiện vật tìm thấy hố thăm dò khảo cổ chứng minh được khu vực gò Dương Xuân có vấn đề. Ông đề nghị tập trung mở rộng thăm dò khảo cổ tại hố 5a và 5b nơi phát hiện có lớp đá dày để tìm kiếm dấu tích trực tiếp có thể chứng minh được gò Dương Xuân xưa kia có công trình kiến trúc gì.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân, người 36 năm tìm kiếm các tư liệu lịch sử chứng minh gò Dương Xuân xưa kia có cung điện Đan Dương và là nơi chôn cất vua Quang Trung, cho rằng hiện vật đoàn khảo cổ công bố có niên đại trùng khớp với thời kỳ nhà Tây Sơn ở Huế. Ông hy vọng sẽ mở rộng thêm diện tích khảo cổ để có thể tìm ra cung điện Đan Dương, nơi chôn cất vua Quang Trung.

de-xuat-tiep-tuc-tham-do-khao-co-noi-nghi-chon-cat-vua-quang-trung-2

GS Phan Huy Lê cho rằng cần đào thăm dò khu vực đỉnh gò Dương Xuân. Ảnh: Võ Thạnh.

GS Phan Huy Lê, Chủ tịch danh dự Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, đồng tình với những tư liệu mà nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân đưa ra về chùa Thuyền Lâm và cung điện Đan Dương qua các bài thơ của Ngô Thì Nhậm và Phan Huy Ích. Theo ông, trước đây chùa Thuyền Lâm là nơi mà nơi thái sư Bùi Đắc Tuyên sử dụng làm nơi làm việc, sử sách cũng chép lại nên cung điện Đan Dương nằm trong khu vực gò Dương Xuân.

GS Lê đề nghị Viện Khảo cổ học Việt Nam tiếp tục đào thăm dò tại hố 5a và 5b nơi có lớp đá dày 0,65 m để xem chiều dài của lớp đá này bao nhiêu và đào thăm dò một đường thẳng dài từ đỉnh gò Dương Xuân nơi có chùa Vạn Phước xuống đến khu vực suối Tiên để xác định rõ các kiến trúc có thể tìm thấy ở đây.

Theo Võ Thạnh - VnExpress

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X